Gia đình là tổ ấm, là nhịp cầu kết nối các thành viên trong gia đình lại với nhau. Điều gì sẽ xảy ra nếu con trẻ không yêu thương lẫn nhau? Để tránh xảy ra mâu thuẫn và các câu chuyện thương tâm thì dạy trẻ yêu thương anh chị em trong nhà là điều vô cùng quan trọng mà cha mẹ cần làm.

Dạy trẻ cách vệ sinh và tự chăm sóc bản thân đúng cách

Dạy trẻ cách vệ sinh và tự chăm sóc bản thân đúng cách

Trong những năm trở lại đây, các bậc phụ huynh thường chú trọng dạy con về kỹ năng sống và sơ sót trong việc dạy trẻ về cách vệ sinh cá nhân và tự chăm...

1. Yếu tố nào khiến tình cảm anh chị em giữa các bé bị rạn nứt?

1.1. Đặc điểm cá nhân

Mặc dù được sinh ra cùng một bố mẹ, có chung các gien nhưng mỗi người là một cá thể khác nhau và mỗi trẻ sẽ có những đặc điểm khác nhau. Bé lớn có thể hơi hướng nội và không thích tiếp xúc với người lạ trong khi bé nhỏ lại hướng ngoại, thích đi chơi, kết bạn với mọi người…

1.2. Chênh lệch tuổi tác

Nhiều người cho rằng hai bé chênh lệch nhau khoảng 1 – 2 tuổi sẽ hay ganh tỵ và cãi nhau nhiều hơn. Còn những cặp anh chị em có sự chênh lệch tuổi tác nhiều thường yêu thương và thông cảm với nhau hơn.

Làm sao để dạy trẻ yêu thương anh chị em và các thành viên khác trong gia đình? - Ảnh 1

Điều gì khiến tình thương giữa anh chị em rạn nứt?

1.3. Thái độ của cha mẹ

Sự ganh đua giữa các con không có gì là xấu nhưng nếu quá nghiêm trọng, nó có thể gây hại cho mối quan hệ anh chị em giữa các bé. Là cha mẹ, nếu bạn thiên vị với trẻ này thì sẽ khiến trẻ khác nảy sinh ghen tỵ và thù hận. Điều này có thể phá vỡ tình cảm anh chị em của trẻ.

1.4. Văn hóa

Sự khác biệt về văn hóa cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ anh chị em. Trong một số nền văn hóa, vai trò của anh chị em rất quan trọng. Chẳng hạn, ở Ấn Độ, sẽ có các lễ hội để kỷ niệm mối quan hệ giữa anh trai và em gái như Bhai Duj hoặc Raksha Bandhan.

2. Làm thế nào để thắt chặt tình cảm anh chị em giữa các bé?

Gia đình là một phần rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Bạn có thể thúc đẩy mối quan hệ giữa các bé thông qua những cách sau:

2.1. Dành thời gian cho nhau

Hãy khuyến khích trẻ dành thời gian để thường xuyên chơi cùng anh chị em của mình. Bạn có thể đưa các bé đi ăn, xem phim, đi chơi công viên hoặc khuyến khích trẻ đọc sách cùng nhau… để các bé có thời gian nói chuyện và hiểu nhau nhiều hơn.

2.2. Luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau

Bạn có thể rất bận rộn với công việc, vì vậy việc giúp đỡ anh chị em sẽ được “phó thác” cho trẻ. Hãy dạy trẻ cách giúp đỡ anh chị của em mình để giúp các bé gần gũi nhau hơn.

2.3. Thông cảm

Hiểu anh chị em của mình là cách đơn giản nhất để tạo ra một mối liên kết mạnh mẽ giữa các bé. Hãy yêu cầu các bé thường xuyên chia sẻ những việc hằng ngày cho nhau, có thể là chuyện buồn hoặc chuyện vui. Ngoài ra, bạn nên dạy trẻ phải kiên nhẫn lắng nghe và không phán xét. Sau khi lắng nghe, khuyến khích trẻ đưa ra ý kiến ​​hoặc quan điểm của mình mà không đổ lỗi hoặc buộc tội.

2.4. Thường xuyên liên lạc

Với những gia đình mà ba mẹ ly hôn, con cái phải sống với ba hoặc mẹ thì việc gặp gỡ giữa anh chị em đôi khi trở nên khó khăn. Nếu bạn đang rơi vào tình huống này, hãy cho trẻ liên lạc với anh chị em của mình thường xuyên bằng điện thoại hoặc tin nhắn. Bạn có thể dạy trẻ gọi video call, sử dụng Zalo, Viber… để trò chuyện với anh chị em của mình.

2.5. Bỏ qua những mâu thuẫn

Hãy khuyên trẻ quên đi những mâu thuẫn, xung đột bởi điều này không chỉ khiến mối quan hệ anh chị em bị xấu đi mà còn khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Nếu bạn muốn mối quan hệ anh chị em giữa các bé được củng cố, bạn phải khuyến khích trẻ gạt bỏ những mâu thuẫn.

Làm sao để dạy trẻ yêu thương anh chị em và các thành viên khác trong gia đình? - Ảnh 2

Làm thế nào để thắt chặt tình cảm anh chị em giữa các bé

3. Nên dạy trẻ cách yêu thương như thế nào?

3.1. Dạy con biết yêu thương em

Đầu tiên, cha mẹ cần chuẩn bị về mặt tâm lý cho bé khi sắp được “lên chức”:

  • Trước khi sinh, bạn hãy nói với con, thật chân thành và thẳng thắn, về sự xuất hiện sắp tới của một em bé nữa trong nhà.
  • Bên cạnh đó, bạn nên giúp con hình dung những thay đổi có thể xảy đến khi em bé chào đời, ảnh hưởng của sự thay đổi đó đến con (kể cả tích cực và không tích cực).
  • Động viên con đặt nhiều câu hỏi liên quan đến em và nói cho bố mẹ biết con cảm thấy thế nào. Thường xuyên trấn an con rằng không gì có thể ảnh hưởng đến tình yêu của bố mẹ dành cho con.

Để hạn chế tính ghen tị của bé, cha mẹ phải gần gũi, chia sẻ với con, và thực hiện các biện pháp sau:

  • Nói chuyện nhẹ nhàng, chia sẻ với bé rằng cha mẹ rất hiểu cảm giác ghen tị với người khác, cụ thể là em bé mới chào đời, đây có thể là những tuần khủng hoảng đối với con. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy gần gũi và được thông cảm. Tuy nhiên, phải nhớ nói thêm với bé rằng chưa bao giờ bạn để cảm giác đó tồn tại lâu, vì điều đó sẽ làm mình luôn thấy buồn phiền, lo lắng. Cảm giác ghen tị của bé sẽ dần nguôi ngoai.
  • Khuyến khích bé nói ra sự ghen tị của mình. Bày tỏ cảm xúc tiêu cực giúp trẻ thấy nhẹ nhõm hơn. Nếu phớt lờ tính ghen tị của con, cha mẹ không thể giúp bé từ bỏ được tính xấu này. Hãy giúp bé thổ lộ, thông qua các hoạt động, sự ghen tị dần dần sẽ mất đi.
  • Hãy tìm hiểu nguyên nhân sâu xa khiến bé ghen tị. Cha mẹ hãy giúp con giải toả những nỗi bức xúc trong lòng, giải thích cho bé hiểu vì sao không nên hành động như thế. Khi rơi vào tâm trạng này, bé rất cần sự giúp đỡ của cha mẹ để có thể kiểm soát cảm xúc của mình.
  • Ngay từ những năm đầu đời hãy dạy con cách chia sẻ với mọi người xung quanh, hãy từ những bài học trong gia đình và nhà trường để giúp trẻ biết cách thể hiện thể hiện lòng vị tha với các thành viên trong gia đình cũng như với người xung quanh. Bạn cũng có thể đọc truyện kể cho bé nghe trước khi đi ngủ với nội dung liên quan tới tình cảm anh, chị em trong gia đình.

Bạn cũng cần lưu ý, không nên quát mắng khi bé có những hành động thể hiện sự ganh tị. Vì khi đó chúng sẽ che giấu cảm xúc thật của mình, không dám bộc lộ ra, và sống khép mình hơn với mọi người.

3.2. Dạy trẻ biết yêu thương ông bà

Chỉ bằng những hành động đơn giản dưới đây, bạn và các con có thể tạo thêm niềm vui cho gia đình với nụ cười của “những người bạn lớn tuổi” đấy!

3.2.1. Tâm sự với con về tình yêu thương của ông bà

Trẻ con rất thích tâm sự và trò chuyện với cha mẹ về những điều trẻ cảm nhận được từ cuộc sống. Những lúc như thế, bạn nên kề cận bên con, giải thích cho bé biết những việc đúng, sai kết hợp kể cho bé nghe những câu chuyện ngày xưa của bạn đã được ông bà dạy dỗ như thế nào. Cha mẹ cũng nên thể hiện tình cảm yêu thương ông bà trước mắt trẻ để làm gương. Hãy tâm sự với con về những đóng góp của tổ tiên với con cháu và sự vất vả của ông bà đã nuôi cha mẹ nên người để trẻ cảm dần những khó khăn vất vả từ đó lòng tri ân sẽ đến một cách tự nhiên.

3.2.2. Gợi ý cho con những hành động nhỏ

Những dịp gia đình sum họp đầy đủ, bạn nên chú ý đến việc để con ngồi chung và trò chuyện cùng ông bà. Sự gần gũi với gia đình phải được xây dựng từ nhỏ nếu không khi lớn lên trẻ sẽ cảm thấy xa cách khi tiếp xúc với người thân trong gia đình. Chị Nhung (quận 10) cho biết “Hằng tuần mình lại chở các con đến thăm hai bên nội ngoại, đây là dịp cháu được gần gũi và học được những giá trị to lớn của tình cảm gia đình”. Ngoài ra, bạn nên gợi ý cho trẻ những hành động nhỏ thể hiện tình cảm với ông bà như: bóp vai cho ông bà, rót nước, lấy tăm cho ông bà, quạt mát cho ông bà… Những việc làm nhỏ như thế giống như một cốc nước mát làm không khí gia đình thêm tươi vui và gắn bó.

3.2.3. Làm những món quà ý nghĩa

Vào những lúc rảnh rỗi, bạn hãy cùng trẻ làm những món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa để tặng ông bà. Đó có thể là một tấm thiệp hoặc một bức tranh với những nét vẽ ngây ngô của bé kết hợp những lời chúc đáng yêu ngộ nghĩnh. Người lớn tuổi hay ôn lại kỉ niệm nên bé có thể giúp ông bà bằng cách tạo ra những bức ảnh cắt ghép từ ảnh cũ, hoặc những bức ảnh chụp chung với con cháu của ông bà. Những món quà nhỏ như thế đối với những người lớn tuổi như là một báu vật của cuộc sống vậy.

3.2.4. Dạy con biết ơn khi nhận quà

Nhiều bậc cha mẹ hay suy nghĩ trẻ con thường không biết gì, nên khi trẻ quên nói lời cảm ơn tới người thân, đặc biệt là ông bà thì cũng bỏ qua mà không uốn nắn trẻ ngay. Nhưng đó là một sai lầm bởi bạn đã đánh mất cơ hội để con có thói quen tri ân. Việc giáo dục để trẻ biết vâng lời, lễ phép và học cách thể hiện tri ân là điều vô cùng cần thiết. Dĩ nhiên việc dạy dỗ trẻ làm thể nào để tri ân không hề dễ, nhất là khi trí óc và nhận thức của trẻ lúc này như tờ giấy trắng. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa trẻ không thể tiếp thu những bài học về thái độ lễ phép từ bố mẹ. Điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần kiên trì, nhẹ nhàng và dạy con từng chút một. Chị Tâm (quận 1) cho biết mỗi khi qua nhà nội, bà luôn cho bé bánh kẹo hoặc đồ chơi, những lúc như thế chị đều nhắc khéo bé đại loại như: “Mỗi khi con được tặng quà thì con sẽ làm gì nhỉ?” hay “Con quên gì rồi nhỉ? Khi nhận quà phải làm gì con nhớ chưa?”. Từng hành động nhỏ được sửa đổi dần sẽ tạo nên thói quen tốt nơi trẻ.

Ông bà chính là những nguồn động viên tinh thần, là tình yêu thương vô giá đối với các bé con nhà bạn. Nếu biết cách giúp bé gần gũi và yêu thương ông bà hơn thì gia đình bạn không chỉ tràn ngập tiếng cười mà các con bạn còn được lớn lên với một tâm hồn đẹp. Giáo dục trẻ về tình yêu gia đình nên bắt đầu từ hôm nay ngay trong chính gia đình bạn.

3.3. Dạy con biết yêu thương mẹ

Thực ra, bé đã có cảm tình với bạn từ những ngày mới chào đời vì lúc nào mẹ cũng ở bên cạnh, quan tâm và chăm sóc bé. Ngay từ giai đoạn sơ sinh, bé đã mỉm cười khi nhìn thấy khuôn mặt của bạn, khi bạn ôm bé vào lòng âu yếm, nâng niu bé. Mối liên kết tình cảm của bé và mẹ đã có một khởi đầu tốt đẹp. Tuy nhiên khi bé lớn hơn và bắt đầu tìm hiểu thế giới bên ngoài, bạn cần phải nỗ lực hơn để mối quan hệ này ngày càng bền chặt hơn. Dưới đây là một số lời khuyên cho các bậc phụ huynh tham khảo trong việc dạy con biết yêu thương mẹ:

Làm sao để dạy trẻ yêu thương anh chị em và các thành viên khác trong gia đình? - Ảnh 3

Nên dạy trẻ cách yêu thương như thế nào?

3.3.1. Lắng nghe và giải thích

Các bậc cha mẹ thường có xu hướng áp đặt con cái theo khuôn phép của cha mẹ dù nguyên nhân cũng chỉ vì quá yêu và lo lắng cho con Những câu nói “Con phải ăn cái này, con phải làm cái kia” mà không hề có lời giải thích cho bé hiểu vì sao phải làm như thế sẽ chỉ tạo cảm giác bị ép buộc cho trẻ mà thôi. Có khi sự áp đặt thái quá sẽ dẫn đến việc bé sợ và ngày càng tránh xa bạn.

Các bậc cha mẹ nên hiểu rằng trẻ cũng có những sở thích và năng khiếu riêng của mình. Hãy quan tâm, lắng nghe, phát huy những thế mạnh của trẻ, tìm giải pháp thuyết phục phù hợp với tính cách thay vì áp đặt, bắt buộc bé phải nghe lời. Mỗi khi trẻ trò chuyện, bạn hãy thật sự chăm chú lắng nghe và trả lời những câu hỏi của con để bé cảm thấy mình quan trọng và thích chuyện trò với bạn hơn. Đó là cách dạy con biết yêu thương rất đơn giản phải không nào?

3.3.2. Kiềm chế sự tức giận

Các bậc phụ huynh cần kiềm chế sự tức giận và tránh dùng hình phạt nặng khi bé phạm lỗi. Tuyệt đối không được đánh bé vì như vậy chỉ khiến bé cảm thấy tổn thương và có phản ứng tiêu cực phảng kháng lại việc bạn đã áp dụng quyền lực lên bé. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn từ từ khuyên nhủ và chỉ cho bé thấy hậu quả của những việc làm sai trái do bé gây ra. Nếu con bạn vẫn không nghe lời, thay vì đánh con bạn có thể sử dụng những hình phạt nhẹ nhàng thay thế khác và để bé hiểu rằng, hình phạt đó là hoàn toàn nghiêm túc. Ví dụ: Nếu bé không ngoan, bạn sẽ nói tối nay bé sẽ không được xem bộ phim hoạt hình mà bé thích. Trong trường hợp, bé ăn vạ để gây chú ý, bạn có thể vờ như không nghe, không thấy và không quan tâm đến hành động của bé.

3.3.3. Động viên trẻ

Lời khen là một trong những cử chỉ biểu hiện tình yêu của bạn với trẻ. Và cũng rất quan trọng khi bạn dạy con biết yêu thương ai đó. Thông qua lời khen, tán dương những hành động tốt của bé, bạn đã khích lệ và tạo cho bé những ý thức đầu tiên về tinh thần trách nhiệm. Hơn thế nữa, khen con còn là cách giúp bạn phát triển ý thức tự giác ở trẻ. Tuy khen bé là cần thiết nhưng cũng cần phải đúng lúc đúng chỗ, khi có một lý do thích đáng. Hãy để bé vui mừng, tự hào vì được mẹ khen.

3.3.4. Bộc lộ cảm xúc

Hãy ôm bé vào lòng và nói “Mẹ yêu con” để bé cảm nhận được tình yêu thương của bạn. Thông qua đó, bạn cũng đã âm thầm chỉ dẫn cho bé cách bộc lộ cảm xúc. Bế ẵm, nhìn âu yếm, cười, một cái ôm, hôn lên má… là những cách thể hiện và nuôi dưỡng tình yêu giữa bạn và bé. Hãy mỉm cười với bé để bé mỉm cười lại với bạn, để bé phát triển trong môi trường yêu thương, sự gần gũi, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Đó là một trong những cách tốt và đơn giản nhất để trở thành cha mẹ tốt là làm cho con cái lớn lên trong niềm tin chắc chắn rằng chúng được cha mẹ thương yêu. Hãy đảm bảo là bạn nói với con rằng bạn yêu chúng bất cứ khi nào có cơ hội.

3.3.5. Dành thời gian và quan tâm đến bé

Thường thì mỗi ngày các bạn dành bao nhiêu thời gian để chơi đùa với bé? Bố mẹ cần sắp xếp cân đối thời làm việc, sinh hoạt để cùng vui đùa với các con. Đó cũng là một trong những cách tuyệt vời để con biết rằng bạn yêu chúng, bởi đơn giản, bé nhận ra rằng bạn đã dành thời gian rảnh của mình, không phải để lăn ra ngủ hoặc xem tivi, mà là chơi với chúng. Quan tâm đến bé từ những việc đơn giản như đưa đón bé đi học, hỏi bé về bạn bè trong cùng lớp, hôm nay có gì thú vị… Hãy để con thấy, bạn quan tâm đến bé như thế nào, đó cũng là một cách dạy con biết yêu thương rất cụ thể.

> Những kỹ năng cha mẹ nên dạy trẻ càng sớm càng tốt

> Những điều cha mẹ nên dạy con trước 10 tuổi

Theo Kênh tuyển sinh tổng hợp