Trong quá trình nuôi dạy trẻ, phụ huynh có thể nhận thấy trẻ thông minh thường thích đọc sách, có xu hướng bừa bồn và khá hướng nội, ít giao tiếp.
1. Biết đọc sớm, thích thú với việc đọc sách
Những đứa trẻ thông minh thường biết đọc sớm và có thói quen đọc sách. Với nhiều em, sách trở thành người bạn đồng hành thân thiết của tuổi thơ. Trong How to Raise Gifted Children, tác giả Christina Vercelletto nhấn mạnh tầm quan trọng của sách vở trong việc thúc đầy tiềm năng, trí óc của trẻ. Khi đọc sách, não bộ trẻ sẽ tạo ra một chu kỳ tiếp thu kiến thức không giới hạn. Sách giúp trẻ nâng cao hiểu biết và vốn từ vựng, khả năng tư duy, diễn đạt cũng được cải thiện đáng kể.
XEM THÊM: Bí quyết giúp bạn luôn nhớ rõ nội dung sau khi đọc sách
2. Yêu thích sự tự do
Não bộ của những đứa trẻ thông minh luôn hoạt động dù đang vui chơi hoặc ở một mình. Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được vui chơi tự do có khả năng phát triển trí tuệ tốt hơn trẻ phải làm theo sắp đặt của cha mẹ. Chơi tự do khuyến khích trẻ học cách tự giải quyết vấn đề cho chính mình và nâng cao các kỹ năng mềm khác. Khi tự đặt mình vào những tình huống, thử thách, não bộ trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ. Qua những trải nghiệm đó, các em sẽ biết cách áp dụng kiến thức, kinh nghiệm của bản thân vào cuộc sống thường ngày.
Trẻ thông minh thường yêu thích sự sáng tạo
3. Không gian khá bừa bộn
Nghiên cứu của Đại học Minnesota (Mỹ) chỉ ra những người thông minh thường bừa bộn vì họ dành toàn bộ thời gian để suy nghĩ và làm những thứ quan trọng hơn. Trong Identifying Young Gifted Children, Marge Hoctor cho rằng sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất của những đứa trẻ có năng khiếu, "sự sáng tạo thường được sinh ra từ những mớ hỗn độn". Tác giả nêu quan điểm, gọn gàng là một đức tính tốt, nhưng cha mẹ không nên quá cứng nhắc và ép trẻ. Điều này có thể gây ảnh hưởng quá trình tư duy và phát triển não bộ của trẻ.
4. Tính cách hướng nội
Nhiều đứa trẻ thông minh có tính cách hướng nội, không có tính xã hội cao. Kathleen K., một giáo viên với 25 năm kinh nghiệm, nhận thấy những đứa trẻ hướng nội, ít nói có khả năng quan sát, tư duy tốt hơn bình thường. Các em thường chìm đắm trong thế giới của mình và luôn vạch ra những kế hoạch cụ thể trong đầu. "Thông thường, những đứa trẻ thông minh sẽ quan sát mọi thứ và suy nghĩ trước khi hành động", nữ giáo viên nói với HealthyWay.
5. Thức khuya
Nhà tâm lý học Satoshi Kanazawa đã thực hiện một nghiên cứu chứng minh mối tương quan giữa thói quen ngủ và trí thông minh của trẻ. Ông đã làm khảo sát với hơn 20.000 thanh, thiếu niên từ 80 trường THPT và 52 trường THCS. Kết quả quan sát sau 5 năm cho thấy những đứa trẻ có trí thông minh cao dễ trở thành "cú đêm" hơn người bình thường. Một nghiên cứu khác của nhà khoa học tại Đại học Liege (Bỉ) cũng đưa ra kết quả tương tự. Họ thực hiện nghiên cứu với 15 "cú đêm" và 16 người ngủ sớm. Mỗi buổi sáng, tình nguyện viên được đo hoạt động não 2 lần, lần thứ nhất là 1,5 giờ sau khi thức dậy, lần thứ 2 là vào 10 giờ sau đó. Ở lần đo thứ nhất, cả hai đối tượng nghiên cứu đều có kết quả tương đương. Tuy nhiên, vào lần đo thứ 2, những người thức muộn có kết quả tốt, phản ứng nhanh và tỉnh táo hơn.
6. Vẫn có khuyết điểm
Trẻ thông minh không giỏi mọi thứ, chúng thường biết điểm mạnh của bản thân để trau dồi và phát triển. Ngoài ra, những đứa trẻ thông minh hơn mức bình thường không hẳn sẽ học giỏi và có điểm số cao. Một số em thường tập trung vào sở thích cá nhân thay vì học tập.
7. Lớn lên trong môi trường giáo dục tốt
Những bậc phụ huynh được giáo dục tốt thường có khả năng thấu hiểu tầm quan trọng của việc dạy con, và họ biết cách giúp trẻ phát triển theo cách tốt nhất. Ví dụ, khi cha mẹ có sở thích đọc sách, đứa trẻ sẽ noi theo và dần nuôi dưỡng thói quen này. Nếu cha mẹ thường xuyên giúp trẻ trau dồi thói quen tốt, trí tuệ và khả năng tư duy, học hỏi của các em sẽ được nâng cao đáng kể
> TOP 4 phương pháp giúp nâng cao tinh thần thể thao của trẻ nhỏ
> 5 phương pháp phụ huynh nên làm để từ chối yêu cầu của trẻ
Theo ZING News