Để trúng tuyển vào ĐH hiện nay không có gì khó, vấn đề là thí sinh muốn vào học ở trường nào mà thôi. Trong đó, những trường lớn vẫn cần kỳ thi này để đánh giá thí sinh thực sự giỏi trên mặt bằng chung.
> 20 điểm đỗ đại học tốp trên được không?
> Thi THPT Quốc gia: Bài thi 9 điểm môn Văn
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia
Chưa thấy rõ định hướng
Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế thi THPT quốc gia năm đầu tiên vào 2015 để bắt đầu tổ chức kỳ thi “2 trong 1” vừa phục vụ xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH và CĐ. Đến nay, sau 5 lần diễn ra, dù được điều chỉnh nhiều bước kỹ thuật cho phù hợp hơn với tình hình thực tế nhưng đang cho thấy nhiều vấn đề cần quan tâm.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng các năm gần đây kỳ thi có nhiều thay đổi nhưng không cho thấy rõ định hướng của kỳ thi. Năm 2017, kỳ thi này có sự tham gia nhiều của các trường ĐH, đến năm 2018 lại gần như giao hết cho các sở GD-ĐT. Rồi sau những tiêu cực thi cử xảy ra tại Sơn La, Hòa Bình và Lạng Sơn của năm ngoái thì trong năm nay lại tăng cường vai trò của các trường ĐH đến mức tối đa.
Ông Nghĩa nói dù nghị quyết của Đảng đã ghi rõ kỳ thi vừa phục vụ xét tốt nghiệp, vừa làm cơ sở để tuyển sinh nhưng có lúc chính lãnh đạo Bộ lại khẳng định kỳ thi chỉ chủ yếu xét tốt nghiệp.
Nhìn lại kỳ thi năm nay, dù vẫn được giao cho các sở GD-ĐT chủ trì nhưng các trường ĐH và CĐ không chỉ hỗ trợ tổ chức thi, giám sát mà còn chủ trì chấm thi toàn bộ các bài trắc nghiệm. Gần 50.000 cán bộ giảng viên từ trường ĐH, CĐ di chuyển về các địa phương. Ngoài 5 ngày tham gia tập huấn, coi thi, giám sát thi thì ban chấm thi trắc nghiệm từ các trường ĐH tiếp tục ở lại các điểm chấm thi trên dưới 10 ngày nữa. Chi phí chỉ riêng cho các trường ĐH về địa phương làm nhiệm vụ của cả nước đã có thể lên tới cả trăm tỉ đồng. Nhưng nếu so với kỳ thi “3 chung” (chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả) trước 2015 được tổ chức tại chính các trường ĐH, CĐ, thì về mặt bản chất sự tham gia của các trường ĐH không khác nhiều.
“Cái khác quan trọng ở đây là sự tham gia của các trường ĐH vào kỳ thi rất lớn nhưng không chắc các thí sinh này sẽ tham gia xét tuyển vào trường mình hay không. Trong khi ở thời điểm “3 chung” các trường tổ chức kỳ thi để xét những thí sinh đó vào trường mình”, tiến sĩ Nghĩa nhìn nhận.
Tiến sĩ Nghĩa đặt vấn đề: “Trong bối cảnh số lượng thí sinh tham gia xét tuyển ĐH bằng kỳ thi này ngày càng giảm, các trường ĐH tăng cường thêm các phương thức khác. Ngay kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã thu hút khoảng 60.000 thí sinh tham gia. Vậy thời gian tới kỳ thi này sẽ như thế nào?”.
Duy trì vì tin cậy hơn các phương thức khác
Nhiều người đồng ý tiếp tục duy trì kỳ thi nhưng cần thay đổi cách thực hiện theo hướng gọn nhẹ hơn.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM nhìn nhận, trong số rất nhiều phương thức tuyển sinh mà các trường đang thực hiện, kết quả kỳ thi này vẫn được xem là ưu việt. Phó hiệu trưởng này nói: “Phương thức đánh giá thí sinh dựa trên một đề thi chung, cùng một chuẩn là cách đánh giá rõ ràng và dễ chấp nhận nhất. Tôi không tin lắm vào điểm số học bạ, nhất là khi từng chứng kiến những học sinh rất giỏi nhưng điểm thí sinh này đạt được trong kỳ thi chung không cao lắm”.
Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, để trúng tuyển vào ĐH hiện nay không có gì khó, vấn đề là thí sinh muốn vào học ở trường nào mà thôi. Trong đó, những trường lớn vẫn cần kỳ thi này để đánh giá thí sinh thực sự giỏi trên mặt bằng chung.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết ủng hộ việc tổ chức một kỳ thi chung như hiện nay. “Đề thi có năm khó hơn, có năm dễ hơn nhưng các trường vẫn tuyển được thí sinh trên mặt bằng điểm chung nhất. Còn các phương thức xét khác, như học bạ hoặc thi năng lực thực tế, vẫn chỉ là phương thức bổ sung để các trường xét thí sinh”, ông Dũng nói.
Tăng cường sử dụng công nghệ
Một điểm chung trong đề xuất cải tiến kỳ thi này từ các trường là tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để gọn nhẹ trong khâu tổ chức.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, với những điều chỉnh của kỳ thi như năm nay, các tiêu cực thi cử có thể sẽ được hạn chế ở mức tối đa nhưng chi phí tổ chức khá lớn. Ông Nhân cho rằng nên tính tới việc tổ chức thi trên máy tính bằng chính những đề thi như hiện tại. Như vậy sẽ đỡ chi phí tổ chức mà vẫn công tâm. Trên thế giới, ngay như Trung Quốc vẫn đang thực hiện cách thức thi này.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, vẫn duy trì một kỳ thi chung toàn quốc nhưng nên giao cho các trung tâm khảo thí thực hiện. Có thể chuyển từ hình thức thi trắc nghiệm trên giấy sang trắc nghiệm trên máy tính, tăng cường yếu tố công nghệ thông tin để tiết kiệm chi phí, gọn nhẹ hơn mà vẫn đảm bảo nghiêm túc.
“Không nên giao kỳ thi tuyển sinh về các trường tự tổ chức, vì chỉ đơn giản thi năng khiếu vào từng trường thôi vẫn có tình trạng ôn luyện trước ngày thi. Cũng không nên bỏ một kỳ thi chung vì bỏ kỳ thi này học sinh sẽ không còn chú tâm vào việc học nếu việc thi tuyển không còn”, ông Dũng đề xuất.
“Trong bối cảnh có rất nhiều cách để học ĐH mà không phải tham gia kỳ thi này thì cũng đến lúc cần tính toán lại việc giảm áp lực trong việc tổ chức. Để làm được điều này, kỳ thi cần tính tới tăng cường sử dụng công nghệ. Dù có thể tốn kém hơn nhưng đầu tư cho một kỳ thi mà cả xã hội quan tâm thì tôi tin rằng vẫn có được sự đồng thuận từ xã hội”, Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cũng có cùng ý kiến.
Theo Thanh niên