Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

 

Tin liên quan:

 

Trong 63 tỉnh, thành trong cả nước, trừ tỉnh Đắk Nông, địa phương nào cũng có trường ĐH-CĐ. Số lượng trường tăng nhanh đến chóng mặt, còn chất lượng đào tạo thì ngược lại

 

khi_dai_hoc_moc_nhanh_nhu_nam

Việc mở trường, mở ngành ào ạt dẫn đến hệ lụy là thiếu nguồn tuyển sinh. Trong ảnh: Thí sinh dự thi đại học tại TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh

Ngoài Đà Nẵng và Nam Định, tuy không công khai nhưng nhiều năm qua, nhiều địa phương, ngành, nhiều công ty, xí nghiệp vẫn “âm thầm” từ chối hoặc hết sức cân nhắc khi tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH-CĐ dân lập; còn hệ tại chức, đào tạo từ xa thì gần như “không có cửa”.

412 trường ĐH-CĐ!

Hơn 10 năm qua là “thời cơ vàng” của các trường ĐH-CĐ. Chỉ từ năm 1998 đến năm 2009, cả nước mở thêm 307 trường ĐH-CĐ, trong đó có nhiều trường được nâng cấp, “mông má” lại từ các trường trung cấp, CĐ. Đến nay, cả nước đã có đến 412 trường ĐH-CĐ (trong đó có 77 trường dân lập). Con số này vẫn chưa dừng lại.

 

Số lượng trường tăng rất cao trong khi cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều trường phải thuê mướn mặt bằng thiếu chuẩn để giảng dạy. Đặc biệt, số lượng giảng viên thiếu nghiêm trọng. Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường tăng 3,7 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Những số liệu trên cho thấy hiệu quả của chất lượng đào tạo như thế nào!


Điều đáng lo ngại nhất là khuynh hướng chạy theo lợi nhuận của tuyệt đại đa số các trường ĐH-CĐ dân lập. Thời kỳ đầu khi ĐH-CĐ dân lập bùng phát, đó là một ngành nghề kinh doanh “hot” nhất, siêu lợi nhuận. Chính khuynh hướng vị lợi nhuận đã đẩy các trường ĐH-CĐ dân lập xa rời cộng đồng, bỏ quên chất lượng đào tạo. Khuynh hướng đó cũng làm chệch hướng xã hội hóa giáo dục khi mà nhiều trường, kể cả trường công lập, tập trung đào tạo một số ngành có vốn đầu tư ít, lợi nhuận cao như kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, tin học, các ngành xã hội học… Hầu hết đầu ra của các ngành này là những cử nhân… không có nghề!

Vét sạch thí sinh

Việc mở trường, mở ngành ào ạt dẫn đến hệ lụy là thiếu nguồn tuyển sinh, dẫn đến việc nhiều trường, cả công lập, phải đóng cửa nhiều ngành học. Mùa tuyển sinh vừa qua, sau khi điểm sàn được công bố, các trường dân lập đã âu lo vì phổ điểm của thí sinh thi vào các trường này quá thấp. Ngay lập tức, họ kiến nghị cho các trường ngoài công lập có mức điểm sàn riêng nhưng Bộ GD-ĐT không chấp nhận.

 

Điểm đầu vào các trường dân lập rất thấp. Ví dụ, Trường ĐH Hoa Tiên, thủ khoa chỉ có 12,5 điểm nhưng vẫn đỗ vì được cộng thêm 1 điểm ưu tiên khu vực! Trường ĐH Đại Nam chỉ có 340 thí sinh có từ 10 điểm trở lên, trong khi chỉ tiêu là 1.400. Trường ĐH Chu Văn An cũng chỉ có 70-80 thí sinh đủ điểm nguyện vọng 1, trong khi chỉ tiêu tuyển 1.400 sinh viên… Một số trường ĐH ngoài công lập còn lợi dụng điều 33 của Quy chế tuyển sinh để xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 (đối với thí sinh đào tạo theo địa chỉ) để hạ điểm sàn.

 

Chưa hết, một số trường còn tung các chiêu phản giáo dục để lôi kéo thí sinh. Trường ĐH Đông Á tặng 0,5 điểm cho thí sinh đăng ký. Một số trường “tặng” tiền, “tặng” học bổng “khủng”, thậm chí “tặng” tiền cho người môi giới thí sinh vào học, như Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa), Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai)…Nói chung, các trường đã tung hết chiêu vơ vét thí sinh nhưng vẫn không đủ, đến nỗi Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập vừa có văn bản gửi Bộ GD-ĐT kiến nghị xin kéo dài thời gian tuyển sinh đến hết tháng 12-2011!


Năm 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có báo cáo gửi Chính phủ về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, trong đó thừa nhận: “Thực tế gần 30 năm, chúng ta chưa thực sự quản lý được chất lượng giáo dục ĐH vì chưa có chuẩn đầu ra của các trường, chưa giữ được chuẩn giáo viên, chương trình, cơ sở vật chất…; chưa có cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng…”.

 

Đi ngược xu thế chung

Trả lời Báo Người Lao Động xung quanh việc tỉnh Nam Định không tuyển công chức (từ cấp huyện trở lên) tốt nghiệp đại học từ các trường dân lập, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc này phải hỏi rõ địa phương tại sao lại có quan điểm, chủ trương như vậy. Về chủ trương xã hội hóa giáo dục đang được đẩy mạnh, nay Nam Định không tuyển cán bộ tốt nghiệp ngoài công lập là đi ngược xu thế chung, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Việc này không thuộc quyền của tỉnh, nếu ai cảm thấy bị vi phạm pháp luật thì có ý kiến”.

 

Còn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho hay: “Hiện tôi đã nắm được thông tin này trên báo chí nhưng chưa có thông tin từ địa phương. Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, xem xét vấn đề này và có ý kiến sớm nhất”.

 

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Theo: giaoduc.net.vn)