Sự kiện: Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh

Tại nhiều trường ở TPHCM, giáo viên trực tiếp dạy thêm chỉ được chi trả dưới mức 80% nguồn thu, không đúng quy định của liên sở GD-ĐT - Tài chính

“Hướng dẫn liên sở GD-ĐT - Tài chính TPHCM ngày 10-4-2008 về mức thu và sử dụng tiền dạy thêm tại các cơ sở giáo dục công lâp trên địa bàn TP là căn cứ để các trường thực hiện” Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng thực hiện đúng quy định này.


Hỗ trợ giáo viên khác


Mới đây, Báo Người Lao Động nhận được đơn của bà Hoàng Thị Tươi, nguyên giáo viên (GV) Trường THPT Nguyễn Trãi - TPHCM, tố cáo ông Ngô Tương Đại, nguyên hiệu trưởng trường này, chi thù lao GV trực tiếp dạy thêm sai quy định. Ngoài ra, trong những năm đương chức, ông Đại không công khai các văn bản quy định thu, chi và không minh bạch tài chính…


Theo hướng dẫn liên sở GD-ĐT - Tài chính TPHCM, 80% nguồn thu dạy thêm sẽ chi thù lao GV trực tiếp giảng dạy; 15% chi quản lý, tổ chức học thêm, mua sắm tài liệu phục vụ; 5% trả tiền điện, nước, hao mòn tài sản phục vụ việc dạy thêm. Tuy nhiên, theo bà Tươi, khi làm hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (từ năm 2003 đến tháng 5-2011), ông Đại đã lấy luôn tiền tổ chức học thêm, mua sắm tài liệu phục vụ chi cả 15% cho quản lý; chỉ chi khoảng 40% cho GV trực tiếp dạy thêm.



Bà Tươi cho biết hè 2010, trường thu 386,5 triệu đồng tiền học thêm và chi 132,8 triệu đồng cho GV (50.000 đồng/tiết). Như vậy, tỉ lệ chi cho GV trực tiếp giảng dạy và chủ nhiệm chỉ 34,4%. Theo bà Tươi, việc hiệu trưởng chi sai quy định nhiều năm gây thiệt thòi cho GV nhưng không ai biết vì không được ban giám hiệu cung cấp văn bản quy định thu, chi. Sự việc chỉ bị phát giác khi năm học vừa qua, giữa hiệu trưởng và kế toán xảy ra mâu thuẫn lợi ích.


Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM đã có thông báo kết quả giải quyết tố cáo của bà Tươi. Thông báo nêu rõ: Năm 2003-2009, Trường THPT Nguyễn Trãi sử dụng tiền ôn thi tốt nghiệp chi cho GV trực tiếp giảng dạy là 34%, chi cho công tác quản lý 13%, chi khen thưởng và tham quan là không đúng quy định…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đại cho biết trường không chi 80% cho GV đứng lớp vì muốn hỗ trợ thêm cho những GV không có điều kiện dạy thêm, việc này đã được thống nhất trong hội nghị CBCC nhà trường.


Không còn phù hợp?


Tìm hiểu thêm, chúng tôi phát hiện nhiều trường khác ở TPHCM cũng không chi đúng tỉ lệ 80% cho GV trực tiếp dạy thêm mà thường chi với tỉ lệ thấp hơn với lý do hỗ trợ những người không có điều kiện dạy thêm.


Ông Huỳnh Trọng Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực, cho biết quy chế chi tiêu nội bộ được nhà trường thống nhất trong hội nghị CBCC tổ chức hằng năm. Tùy từng năm, tỉ lệ chi cho GV dạy thêm có thể là 80% hay thấp hơn. Quy chế chi tiêu nội bộ được gửi đến Kho bạc Nhà nước để thực hiện thu, chi.


Ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, tỉ lệ chi cho GV dạy thêm cũng được trường quy định lại trong hội nghị CBCC hằng năm trên cơ sở bàn bạc, phân tích và thống nhất chung. Còn tại Trường THPT Trần Phú, theo hiệu trưởng Nguyễn Hào Hiệp, hướng dẫn liên sở không còn phù hợp. Tuy nhiên, từ cơ sở văn bản này, hằng năm trường lại bàn bạc, thống nhất tỉ lệ chi khác trên cơ sở hài hòa lợi ích chung của tất cả GV.


Để việc chi trả cho GV dạy thêm không bị ràng buộc bởi hướng dẫn của liên sở, nhiều trường khác đã đưa toàn bộ hoạt động dạy thêm ra trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ. Khi đó, tỉ lệ chi trả sẽ được thỏa thuận giữa GV dạy thêm với trung tâm.


Dạy thêm trong trường: Phải chi đủ 80%


Nhiều GV thắc mắc: Hướng dẫn liên sở GD-ĐT - Tài chính TPHCM không phù hợp hay không có giá trị bằng quy định chi được thống nhất trong hội nghị CBCC của các trường?


Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định tùy hoạt động dạy thêm trong trường hay ở trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ mà có những tỉ lệ chi trả khác nhau. Tuy nhiên, nếu là hoạt động dạy thêm trong trường thì nhất thiết trường phải chi đúng 80% cho GV trực tiếp giảng dạy. Trường nào thực hiện sai quy định, cố tình làm sai hoặc có khiếu nại, tố cáo thì thanh tra của ngành sẽ kiểm tra và xử lý.

Kênh Tuyển Sinh (nld)