Vào sáng ngày 27.3 thì có rất nhiều thí sinh trên cả nước đã bắt đầu tham gia kỳ thi đánh giá năng lực để đua hết mình nhằm giành một suất vé vào đại học sớm.
1. Các tỉnh thành tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực
8h30, kỳ thi diễn ra tại 80 điểm ở 17 tỉnh thành, gồm TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Đăk Lăk, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Kiên Giang. Trong đó, TP HCM là cụm thi đông nhất với hơn 42.000 em.
Quy mô kỳ thi năm nay mở rộng hơn nhiều. Số lượng thí sinh tăng 14.000 em so với 2021, tăng hơn 20.000 so với 2020. Số tỉnh, thành tổ chức cũng tăng gấp ba lần, so với khoảng 5-7 địa phương như các năm trước. Từ sớm, tại điểm thi Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, quận 5, hàng nghìn thí sinh có mặt làm thủ tục. Tất cả đều đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt và khai báo y tế.
Hơn 82.000 thí sinh tìm kiếm cơ hội vào đại học sớm
2. Chia sẻ chân thực từ thí sinh dự thi
Với nguyện vọng vào ngành Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM, Nguyễn Quỳnh Anh, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5 dành nhiều tháng chuẩn bị. Quỳnh Anh ôn bộ kiến thức trọng tâm, giải các đề thi minh họa. "Em rất lo lắng bởi năm nay đông thí sinh tham gia, sẽ rất cạnh tranh", Quỳnh Anh chia sẻ.
Trong khi đó, Nguyễn Hữu Khánh Hòa, trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5 tỏ ra khá tự tin. Nam sinh muốn vào ngành Xây dựng, Đại học Bách khoa TP HCM. Hòa ôn tập kiến thức sách giáo khoa, dành thời thời gian đọc sách báo, cập nhật kiến thức. "Lực học của em khá ổn nên em không cảm thấy quá áp lực", Hòa nói.
Tại điểm thi Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM, TP Thủ Đức, hơn 2.200 thí sinh dự thi tại 70 phòng. Thí sinh tại đây chủ yếu đến từ các tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh.
Huỳnh Tuấn Phát, trường THPT Quang Trung, Tây Ninh dự thi đánh giá năng lực để kiếm cơ hội xét tuyển vào một số ngành công nghệ, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Chuẩn bị cho kỳ thi này, Phát tập trung vào nhóm kiến thức suy luận, logic và tính toán. "Điểm chuẩn trường này hàng năm thuộc top đầu nên em không mấy tự tin nếu chỉ dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT", Phát giải thích.
Một nhóm nhỏ thí sinh dự thi nhằm thử sức nên tỏ ra thoải mái. Trương Đan Huy, trường THCS-THPT An Đông, là trường hợp như vậy. Trước kỳ thi, Huy tự ôn tập, lên mạng tìm kiếm kiến thức theo đề mẫu. "Việc dự thi này giúp em tập dợt để sau này bước vào kỳ thi THPT sẽ bớt hồi hộp", Huy nói.
3. Cách Đại học Quốc gia TP HCM sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực
Đây là năm thứ năm, Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức thi đánh giá năng lực. Hiện 84 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh, trong đó có 10 trường, khoa thành viên của Đại học Quốc gia TP HCM. Số ngành học sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển là 1.266.
Trong phương án tuyển sinh của nhiều đại học năm nay, phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia chiếm 20-40%. Các trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM sử dụng kết quả kỳ thi này với tỷ trọng chỉ tiêu lớn, như Đại học Khoa học Tự nhiên 70%, Kinh tế - Luật 60%, Khoa học xã hội và Nhân văn 50%.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết, về cơ bản, đề thi năm nay ổn định như mọi năm, cấu trúc và độ phân hóa không thay đổi.
Bài gồm có 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 150 phút. Cấu trúc bài thi gồm có ba phần: sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề.
Sau kỳ thi đánh giá năng lực đợt một vào sáng nay, Đại học Quốc gia dự kiến tổ chức kỳ thi đợt hai tại TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT khoảng một tháng.
Thang điểm thi đánh giá năng lực là 1.200. Điểm chuẩn theo phương thức xét điểm đánh giá năng lực ở các đại học top trên 800-1.000, các trường top giữa 600-700. Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đợt một công bố ngày 5/4.
> Học viện Ngân hàng thông báo phương thức tuyển sinh năm 2022
> 110 trường công bố xét học bạ THPT năm 2022
Theo VnExpress