Chương trình nặng gây quá tải, SGK còn mang tính hàn lâm…

Ngày 8-4, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND TP.HCM và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa về việc thực hành chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông để chuẩn bị cho công cuộc “Đổi mới toàn diện giáo dục”.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM, chương trình SGK mặc dù đã giảm tải nhưng với điều kiện học tập một buổi/ngày vẫn còn khá nặng, tính lý thuyết hàn lâm vẫn còn cao, chưa thể hiện tính tích hợp cũng như tính ứng dụng.

Lượng kiến thức trong từng bộ môn ngày càng tăng, nhiều môn mới, nội dung kiến thức mới được đưa vào chương trình trong khi thời gian thì có hạn. Hầu hết các môn học, chương trình nặng, số tiết dạy theo quy định không đủ để tải hết, chương trình đôi khi lạc hậu so với thực tiễn (như môn tin học phần lý thuyết); chương trình giảm tải mang tính cơ học làm mất tính hệ thống ở nhiều bộ môn (như giáo dục công dân, vật lý, hóa học); chương trình có sự trùng lặp, thiếu sự cân đối giữa các khối lớp.

Và câu hỏi cho ngành giáo dục TpHCM

Đoàn giám sát đã đặt ra nhiều câu hỏi cho ngành giáo dục TP.HCM như những biện pháp quản lý dạy thêm, học thêm, hạn chế việc phụ huynh chạy trường; từ năm năm trước, TP.HCM đã chủ trương biên soạn tinh giản kiến thức SGK ra sao và thực hiện có đảm bảo chất lượng giáo dục hay không…

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, giải đáp: Ngành giáo dục TP.HCM chủ trương không cấm dạy thêm, học thêm vì đây là một nhu cầu có thực và đang lấy ý kiến để quản lý việc này tốt nhất, hạn chế tiêu cực từ dạy thêm, học thêm. Sở đã đề ra nhiều biện pháp hạn chế chạy trường như phân tuyến theo địa bàn nhưng cũng bị “phá sản” khi phụ huynh chạy hộ khẩu. Cách hạn chế chạy trường tốt nhất là nâng chất lượng giáo dục đồng đều giữa các địa phương.

Ông Chương cũng cho biết TP.HCM chủ động trong việc tinh giản chương trình SGK nhưng vẫn đảm bảo tính hệ thống. Các trường dạy theo yêu cầu thực tế và coi SGK như một loại sách tham khảo. Ví dụ, đối với học sinh giỏi thì thầy cô dạy nhiều kiến thức hơn trong SGK, còn đối với học sinh trung bình thì thầy cô dạy những kiến thức cơ bản và biết vận dụng kiến thức này. TP.HCM cũng huy động các giáo viên giỏi đảm nhiệm việc biên soạn bộ “SGK riêng”. Và nhiều năm qua, chất lượng giáo dục của TP.HCM vẫn đảm bảo.

 

Bạn có biết:

Sách giáo khoa chưa thể thay đổi vì nhiều lý do

Ép học sinh mua sách giáo khoa

 

Tin bài gốc: Phapluattp

Kenhtuyensinh

Theo: Phapluattp