Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Từ mục tiêu mới của chương trình giáo dục phổ thông “chuyển từ cung cấp kiến thức sang phát triển năng lực”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều mô hình sách giáo khoa mới kèm theo những điều chỉnh cụ thể ở từng môn học.

Hội thảo về đổi mới và hiện đại hóa chương trình - sách giáo khoa (SGK) phổ thông do Bộ GD-ĐT và NXB Giáo Dục tổ chức tại Hà Nội ngày 30 và 31-10.

Coi trọng “cơ chế sư phạm”

GS.TS Nguyễn Lộc, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng để biên soạn SGK đảm bảo yêu cầu cho chương trình giáo dục sau năm 2015 cần phải giải quyết đồng bộ những vấn đề cốt lõi như xác định triết lý giáo dục, không chạy theo việc trình bày kiến thức mà phát triển năng lực, kỹ năng của người học, giảm đầu các môn học để mỗi học kỳ học sinh không phải cùng lúc học quá tám môn học. Bậc THPT chương trình phải xây dựng phù hợp với mục tiêu phân hóa sâu, thiết kế theo chuyên đề có tính hướng nghiệp, thực hành, ứng dụng cao. Việc đào tạo giáo viên để triển khai chương trình, vận dụng SGK mới cũng là vấn đề phải làm từ bây giờ.

**Sách giáo khoa phải giàu tính ứng dụng

Theo GS.TS Đinh Quang Báo - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, với mục tiêu đổi mới theo hướng phát triển năng lực học sinh, SGK cần cấu trúc theo hai phần: bài viết (trình bày kiến thức) và phần “cơ chế sư phạm”. Phần nội dung kiến thức chỉ chắt lọc những kiến thức cơ bản, tối ưu theo quy định của chương trình. Phần cơ chế sư phạm gồm hệ thống các câu hỏi, bài tập, các kênh hình, bài đọc thêm, tài liệu tham khảo, hệ thống tư liệu, số liệu minh chứng... Các tình huống sư phạm, các bài học sẽ được đặt ra dưới dạng đề án, chủ đề, tiểu luận... “Phần cơ chế sư phạm là các hoạt động làm cho phần nội dung được chuyển từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động” - GS Báo nhấn mạnh.

tiêu chí biên soạn sách giáo khoa

Tiêu chí biên soạn sách giáo khoa sau năm 2015

PGS.TS Nguyễn Minh Phương, chuyên gia nghiên cứu bộ môn địa lý thuộc Viện Khoa học giáo dục VN, đưa ra đề xuất cụ thể trong việc biên soạn SGK gắn với môn địa lý. Theo đó, SGK cần chú trọng ba yếu tố cơ bản là kiến thức (phải tạo hứng thú, trải nghiệm, phân tích, sáng tạo, rút ra bài học), thực hành (kết hợp lý thuyết và thực hành) và ứng dụng (áp dụng kiến thức, kỹ năng vào tình huống thực tế).

Nhiều bộ SGK

Vấn đề “nên có nhiều bộ SGK hay chỉ nên một bộ duy nhất” lại được đưa ra trao đổi tại hội thảo. GS.TS Nguyễn Lộc cho rằng với một chương trình quốc gia nên có nhiều bộ SGK và cho phép sử dụng nếu đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên cũng có những ý kiến lo ngại vì thực tế giáo dục VN chưa đủ “tầm” và còn quá nhiều bất cập cần giải quyết để thực hiện một nền giáo dục có nhiều bộ SGK.

***Sách giáo khoa sau năm 2015: Cần hấp dẫn, thiết thực hơn

GS.TS Đinh Quang Báo khi đề cập tới hướng “nhiều bộ SGK” đã bày tỏ quan điểm thận trọng hơn: “Với phương án nhiều bộ SGK, giáo viên phải có trình độ tinh thông về kỹ năng tổ chức quá trình sư phạm, có khả năng phát hiện, giải quyết các tình huống sư phạm tác động tới đối tượng dạy học. Phương án này cũng đòi hỏi phải xây dựng được các bộ công cụ kiểm tra chất lượng giáo dục khách quan, cơ chế quản lý tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp quản lý, đặc biệt là nhà trường” - GS Báo phân tích.

GS Báo đề xuất cần có một bước đệm trước khi cho phép thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK. Giai đoạn quá độ này cần phải nghiên cứu, thiết kế chương trình tường minh, chi tiết hóa chuẩn đầu ra, tập hợp đội ngũ viết SGK chuyên nghiệp. Đặc biệt tổ chức biên soạn tài liệu dạy học bổ trợ cho SGK. Tài liệu sẽ tạo điều kiện cho việc đa dạng hóa ý tưởng, tận dụng kinh nghiệm, sáng tạo từ nhiều nguồn. Đây cũng là cơ sở thực tiễn cho việc tiến tới có nhiều bộ SGK sau này.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, những thành quả nghiên cứu, ý kiến đóng góp, thảo luận tại hội thảo trên là căn cứ quan trọng để Bộ GD-ĐT hình thành hướng đi cho việc biên soạn SGK theo mục tiêu, thiết kế chương trình mới sau năm 2015.

PGS.TS TRẦN ĐỨC TUẤN (NXB Giáo Dục):

Tiêu chí biên soạn SGK

Việc biên soạn SGK cho chương trình sau năm 2015 cần xác định các tiêu chí, như tăng cường hoạt động học (định hướng hành động và tạo điều kiện cho giáo viên tổ chức hoạt động dạy học); phù hợp học sinh (thiết kế nội dung và hình thức phù hợp với nhu cầu, hứng thú, trình độ của học sinh); chuẩn hóa (kiến thức, kỹ năng, phương pháp và giá trị được chuẩn hóa); quy trình hóa (tăng quy trình hóa hoạt động nhận thức của học sinh trong các bài học, đặc biệt là bài học về kỹ năng và phương pháp); điện tử hóa (thiết lập và tăng cường các mối liên hệ giữa khai thác kiến thức trong SGK và sử dụng máy tính, Internet); phát triển năng lực hành động, gắn với thực tiễn đời sống, khuyến khích tự học...


Theo tác giả Vĩnh Hà, báo Tuổi trẻ