Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo
Trong hai ngày 30 và 31.10, Nhà xuất bản Giáo dục VN tổ chức hội thảo “Đổi mới và hiện đại hóa chương trình và sách giáo khoa (SGK) theo định hướng phát triển bền vững”.
Học để sống một cuộc sống phù hợp
GS Đinh Quang Báo, bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau 2015, thông tin: “Sách mới sẽ phải có cấu trúc gồm 2 phần, bao gồm cả nội dung kiến thức lẫn phương pháp nhận thức. Ngoài thông tin nội dung chủ yếu, cơ bản do chương trình quy định còn có các câu hỏi, bài tập, các kênh hình, bài đọc thêm, tài liệu tham khảo, sự kiện minh chứng...”. Trong khi đó, PGS Nguyễn Kế Hào, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ giáo dục (NXB Giáo dục VN), đề nghị nội dung chương trình học thể hiện cụ thể ở SGK cần đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống hiện đại - học để sống một cuộc sống phù hợp với lứa tuổi. “SGK vẫn rất cần những nội dung cơ bản có tính hàn lâm làm nền tảng. Vấn đề là làm thế nào để đảm bảo được sự hài hòa, cân đối giữa nội dung có tính hàn lâm và nội dung có tính ứng dụng”, ông Hào nói.
Chương trình đổi mới sách giáo khoa sau 2015
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng: Sách không chỉ chủ yếu là văn bản cung cấp thông tin kiến thức môn học như hiện nay mà kiến thức sẽ chú trọng vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hằng ngày. Lấy ví dụ cụ thể từ môn tiếng Việt ở tiểu học, GS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra một hình dung về SGK của môn học này trong tương lai: Sách đặt học sinh vào những tình huống giao tiếp thật. Trong quá trình này, người học buộc phải sử dụng ngôn ngữ để trình bày ý kiến của mình nên giáo viên sẽ đánh giá được nhu cầu về từ ngữ và cấu trúc để cung cấp cho người học thay vì áp đặt trước cho họ như các chương trình cấu trúc truyền thống.
TS Dương Quang Ngọc, Viện Khoa học giáo dục VN, đề nghị: “Sách cần giúp học sinh liên hệ với cuộc sống bên ngoài nhà trường”. Sách phải có ví dụ từ cuộc sống, vận dụng kiến thức giải quyết tình huống thường gặp trong cuộc sống; khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động ngoài nhà trường để mở rộng và áp dụng những gì đang học.
Chưa thống nhất một hay nhiều bộ
Vấn đề một chương trình, một hay nhiều bộ SGK chưa tìm được tiếng nói chung trong hội nghị này.
GS Nguyễn Lộc đề xuất: “Với một chương trình quốc gia nên có nhiều bộ SGK. Bộ GD-ĐT là cơ quan trực tiếp thẩm định và cho phép sử dụng nếu đảm bảo chất lượng”. Tuy nhiên, theo ông Lộc số bộ không nên quá nhiều, có thể biên soạn các bộ theo 3 vùng: đô thị, nông thôn và vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
Chung quan điểm, PGS Nguyễn Kế Hào cũng đề nghị mỗi cấp học cần có vài ba bộ khác nhau để học sinh, giáo viên lựa chọn. Minh họa cho việc cần nhiều bộ sách, TS Hoàng Thị Tuyết, Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định: “Việc thực hiện dạy học lấy học sinh làm trung tâm bị hạn chế của chính sách giảng dạy thống nhất theo một bộ SGK quốc gia”.
Với tư cách là thành viên của bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau 2015, GS Đinh Quang Báo phân tích: nếu chương trình chuẩn quốc gia được thiết kế đủ chi tiết và tường minh thì có thể dạy học theo các bộ SGK, tài liệu khác nhau để đạt được hiệu quả giáo dục đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình. Theo phương án này, trình độ giáo viên phải tinh thông về kỹ năng tổ chức quá trình sư phạm. Phương án này cũng đòi hỏi phải xây dựng các bộ công cụ kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục một cách khách quan, công bằng và chính xác. Ngoài ra, việc này còn cần một cơ chế quản lý tự chủ, tự chịu trách nhiệm với chất lượng và sản phẩm đào tạo theo yêu cầu xã hội của các cấp quản lý giáo dục, đặc biệt là của từng trường phổ thông.
Từ những phân tích trên, ông Báo cho rằng: “Với những yêu cầu như vậy, hiện tại nhà trường phổ thông của chúng ta chưa hoàn toàn đáp ứng được, vì vậy phải có một bước quá độ tiệm cận đến phương án một chương trình nhiều bộ SGK”.
Chưa có người viết SGK chuyên nghiệp
Theo GS Đinh Quang Báo, ở nước ta không có cơ sở (viện hoặc trung tâm) nghiên cứu biên soạn SGK riêng biệt như ở một số nước khác trên thế giới, cho nên không có đội ngũ các nhà sư phạm chuyên sâu về SGK, hoạt động chuyên nghiệp biên soạn SGK. Phần lớn các tác giả tự rút kinh nghiệm qua tham gia nhiều đợt biên soạn sách nên tuy rất uyên bác về chuyên môn nhưng còn hạn chế về tri thức giáo dục học. Lần biên soạn chương trình và SGK tới đây sẽ là cơ hội để hình thành đội ngũ tác giả có thể hoạt động lâu dài, có tính chuyên nghiệp và biên soạn.
***Sách giáo khoa sai nhiều do "đẻ" ngược
Theo tác giả Tuệ Nguyễn, báo thanh niên