Sự kiện: Điểm thi 2013, Diem thi dai hoc, điểm thi đại học
Để “tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao phát triển”, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất mức học phí bậc trung học cơ sở và THPT đối với trường công lập chất lượng cao ở mức 3,4 triệu đồng/tháng/học sinh.
Quy định mức học phí trường chất lượng cao
Theo tờ trình về việc ban hành quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô gửi các ĐB HĐND TP trong kỳ họp thứ 7, UBND TP Hà Nội cho biết mức thu học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được xác định căn cứ vào tổng chi phí (chi hoạt động bộ máy và các khoản chi khác), không được vượt quá mức trần được đưa ra.
Theo đó, mức trần học phí mà UBND TP Hà Nội xây dựng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao như sau: Trong năm học 2013-2014, với trường mầm non và tiểu học, trần học phí là 2,9 triệu đồng/tháng/người. Với trung học cơ sở và trung học phổ thông là 3 triệu đồng/tháng.
Năm học 2014-2015, mức trần sẽ được nâng lên: Mầm non và tiểu học học phí 3,2 triệu đồng/tháng; trung học cơ sở và trung học phổ thông học phí 3,4 triệu đồng/tháng.
Hàng năm, thủ trưởng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao sẽ căn cứ điều kiện kinh tế xã hội của khu vực cùng với cam kết thực hiện chất lượng giáo dục để quyết định mức thu học phí (trong khung trần quy định như trên).
Theo quy định, khung trần mức học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được xây dựng và quy định trong thời gian dài (tối thiểu 5 năm). Lý giải cho việc chỉ xây trần cho 2 năm học chứ không xây “dài hơi” hơn, UBND TP Hà Nội cho biết học phí các năm học sau sẽ được điều chỉnh cùng với việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách và thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định.
Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND TP Hà Nội) cho biết thống nhất với UBND TP về việc xây dựng và ban hành khung mức trần học phí song cần ban hành khung trần học phí tương ứng với 3 cấp độ kiểm định trường chất lượng cao để tránh trường hợp người học vẫn chấp nhận mức học phí cao không phải do chất lượng dịch vụ cao mà do ở khu vực đó nhu cầu lớn hơn khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.
UBND TP cho biết mức học phí này được thu trên nguyên tắc tự nguyện song HĐND TP cũng đề nghị UBND TP làm rõ cơ sở để tính mức khung trần học phí, mức độ kiểm định so với khung trần học phí để HĐND có cơ sở thảo luận rồi quyết định.
HĐND TP cũng đề nghị UBND TP cần cân nhắc tên gọi “học phí” đối với cấp tiểu học vì theo quy định của Luật Giáo dục, học sinh tiểu học không phải đóng học phí (nên sửa đổi theo hướng quy định mức thu hoạt động dịch vụ), đồng thời quy định rõ ngoài khoản thu này, học sinh tiểu học không phải đóng thêm bất kỳ khoản tiền nào khác theo ý kiến của Bộ Tài chính.
Nếu được thông qua, quy định này sẽ có hiệu lực ngay trong năm học này. Hiện Hà Nội có tổng cộng 18 trường công lập chất lượng cao (toàn phần và từng phần).
Đây là kết quả bước đầu của Hà Nội. Trong kế hoạch của mình, Hà Nội sẽ thí điểm chuyển 30-35 trường công lập có điều kiện phát triển, thực hiện đảm bảo chi phí thường xuyên và hoạt động cung ứng dịch vụ chất lượng cao. Dự kiến sẽ có 20 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 5 trường THCS, 3 trường THPT, 2 trường TCCN.
Danh sách các trường công lập chất lượng cao của Hà Nội: 13 trường chất lượng cao toàn phần, gồm: Mầm non B Hà Nội, Mẫu giáo Việt Triều hữu nghị, Mầm non 20/10, Mẫu giáo Tuổi thơ, Mẫu giáo Quang Trung, Mầm non Bà Triệu, Mầm non A, Tiểu học Tràng An, Mầm non Việt-Bun, Mầm non Mai Dịch, THCS Cầu Giấy, THCS Từ Liêm, Tiểu học Tiền Phong. |
Kênh tuyển sinh: Theo baomoi