Sáng nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đệ trình dự án sửa đổi quy đinh về quản lý tài chính để chuyển học phí của cơ sở giáo dục đại học sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo. Trong đó, trước Quốc hội, Bộ trưởng cho biết sẽ sửa đổi và bổ sung một số quy định có trong Luật Giáo dục đại học.
Xem thêm:
>>> Bất cập trong giáo dục và phương hướng thay đổi sắp tới của Bộ GD&ĐT
>>> Thông báo thu hồi đề án đổi mới thi tuyển 749 tỷ đồng của Bộ GD&ĐT
>>> Google công bố dự án "Lập trình tương lai" cho học sinh tiểu học tại 3 tỉnh khu vực miền Nam
Những con số tuyệt vời của Luật Giáo dục đại học 2012
Theo Chính phủ, kết quả sau 5 năm thi hành luật Giáo dục đại học năm 2012 được thể hiện bằng các con số: hệ thống trường phát triển đa dạng với 170 trường công lập, 60 trường tư thục và 5 trường có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó 4 trường "ngoại" và 5 trường tư thục có chất lượng được đánh giá là góp phần phát triển lĩnh vực giáo dục đại học ngoài công lập.
Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 14% năm 2012 lên gần 23% năm 2017. Luật Giáo dục đại học 2012 cũng được đánh giá là đặt nền móng pháp lý cho tự chủ đại học, là văn bản pháp lý đầu tiên quy định rõ nét về kiểm định chất lượng đào tạo.
Những hạn chế bất cập của Luật giáo dục hiện nay
Tuy nhiên, hạn chế, bất cập cũng không ít khi luật chưa quy định rõ về quyền tự chủ đại học và quản trị đại học. Hoạt động của cơ sở giáo dục đại học vẫn còn mang nặng tính hành chính hóa, chưa thực sự chủ động, sáng tạo, kịp thời trong quản trị và tổ chức thực hiện. Vì thế, tự chủ đại học chưa thực sự hiệu quả.
Các quy định của luật cũng chưa thể hiện rõ trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Hạn chế nữa là các quy định về tài chính, tài sản chưa hoàn toàn phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học. Mức học phí chưa được tính theo cơ chế giá dịch vụ, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở giáo dục đại học.
Luật hiện hành cũng chưa quy định quyền liên doanh, liên kết, hình thành doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học. Cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ sở giáo dục đại học còn mang tính bình quân giữa các cơ sở công lập, chưa gắn với tiêu chí phản ánh chất lượng và kết quả đầu ra nên chưa phát huy được tính cạnh tranh giữa các cơ sở này.
Không chuyển tài sản chung thành sở hữu tư nhân
Sửa luật lần này, Chính phủ muốn mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học. Cụ thể, trong hoạt động chuyên môn, các trường được tự chủ mở ngành đào tạo, tự chủ liên kết trong và ngoài nước, tự chủ cấp phát văn bằng, thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Về bộ máy và nhân sự, hội đồng trường sẽ có thực quyền trong việc quyết định nhân sự, tiêu chuẩn Hiệu trưởng, Hiệu phó, giảng viên.
Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của Hội đồng trường; Hiệu trưởng trường đại học tư thục do Hội đồng quản trị quyết định. Tự chủ tài chính thể hiện ở việc trường có quyền xây dựng, quyết định giá dịch vụ đào tạo đảm bảo tương xứng với chất lượng, được quyết định đầu tư bằng nguồn thu của trường, quyết định nội dung và mức chi.
Về quản lý tài chính, tài sản, Bộ trưởng cho biết sửa đổi để chuyển học phí của cơ sở giáo dục đại học sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật giá, Luật Phí và Lệ phí. Theo đó, đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện do các cơ quan nhà nước quy định khung giá. Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định mức giá dịch vụ, công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.
Các cơ sở giáo dục được Nhà nước giao nhiệm vụ và kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản công. Tài sản của các nhà đầu tư được bảo hộ theo quy định của pháp luật. Tờ trình cũng nêu rõ, tài sản chung hợp nhất không phân chia (được viện trợ, tài trợ, hiến tặng, cho tặng và tài sản khác được pháp luật quy định là tài sản chung hợp nhất không phân chia) thuộc sở hữu của cộng đồng nhà trường.
Tài sản này do hội đồng quản trị, hội đồng trường đại diện quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người chuyển giao quyền sở hữu tài sản (nếu có), vì mục đích phát triển trường và vì lợi ích của cộng đồng, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển, không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào.
Theo VnEconomy