Sau khi nhận được giấy thông báo trúng tuyển, thí sinh cần chuẩn bị một số giấy tờ để tiến hành nhập học. Vậy hồ sơ nhập học đại học cần những gì? Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn viết hồ sơ nhập học đại học và cách viết sơ yếu lý lịch nhập học đơn giản, dễ dàng.
> Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng đại học sau khi biết điểm năm 2019
> Hướng dẫn cách bảo lưu điểm thi THPT quốc gia 2019
1. Khi nào cần nộp hồ sơ nhập học đại học 2019?
Dự kiến trước 17 giờ 00 ngày 9/8/2019, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Đến ngày 15/8/2019 (tính theo dấu bưu điện), thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học đợt 1.
Ngoài ra, ngày làm hồ sơ nhập học đại học cũng sẽ được thông báo trên giấy báo trúng tuyển cũng như trên các phương tiện truyền thông của trường như website, fanpage, bảng thông báo tại trường… Vì thế, thí sinh cần thường xuyên theo dõi để cập nhật ngày hồ sơ nhập học đại học 2019 chính xác.
Thí sinh cần theo dõi thông báo của trường để làm hồ sơ nhập học đại học đúng ngày.
2. Hồ sơ nhập học đại học mua ở đâu?
Hiện nay, các thí sinh có thể dễ dàng mua hồ sơ nhập học đại học 2019 ở các nhà sách và văn phòng phẩm. Bên cạnh đó, nhằm tạo sự thuận tiện cho tân sinh viên tương lai, nhiều trường đã thiết kế website với phần đăng ký nhập học online. Trong đó, tên đăng nhập và mật khẩu sẽ được gửi đến thí sinh trong giấy thông báo trúng tuyển/ nhập học.
3. Hồ sơ nhập học đại học gồm những gì?
STT | Nội dung | Lưu ý |
1 | Giấy báo trúng tuyển/ nhập học | - Bản chính do trường ĐH gửi về địa chỉ của thí sinh. - Thời gian nhập học đại học của từng trường sẽ khác nhau, trong giấy báo nhập học sẽ ghi rõ, yêu cầu thí sinh đến đúng trong khoảng thời gian này. |
2 | Học bạ THPT | Bản photo có chứng thực. |
3 | Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời/ Bằng tốt nghiệp THPT | Bản photo có chứng thực. |
4 | Giấy khai sinh | Bản photo có chứng thực. |
5 | Giấy tờ pháp lý để xác nhận đối tượng ưu tiên (nếu có): giấy chứng nhận con liệt sĩ, thẻ thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh của bản thân hoặc cha mẹ. | Bản photo có chứng thực.
|
6 | Hộ khẩu đối với thí sinh trúng tuyển thuộc diện ưu tiên. | Bản photo có chứng thực. |
7 | CMND/ Thẻ căn cước công dân | Bản photo có chứng thực. |
8 | Ảnh nhỏ 3×4 hoặc 4×6 | Tối thiểu 4 ảnh. |
9 | Hồ sơ trúng tuyển theo mẫu Bộ giáo dục | Lý lịch học sinh/ sinh viên phái dán ảnh, đóng dấu giáp lai ảnh và có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú). |
10 | Sổ đoàn viên (nếu có). |
|
Lưu ý:
- Thí sinh và phụ huynh cũng cần chuẩn bị các chi phí để nhập học. Chi tiết cụ thể và hình thức nộp cũng sẽ được nhà trường hướng dẫn cụ thể trên giấy báo trúng tuyển/ nhập học, website và fanpage.
- Thời gian đến làm hồ sơ nhập học đại học 2019 tối đa 15 ngày kể từ ngày ghi trong giấy triệu tập trúng tuyển. Đối với những thí sinh có lý do chính đáng như: đau ốm, tại nạn,… phải có giấy xác nhận của bệnh viện từ quận huyện trở lên và sẽ được xem xét nhập học hoặc bảo lưu sang năm sau. Ngược lại sẽ bị xem như bỏ học.
- Thí sinh ở địa phương khác cần phải có giấy xin phép tạm vắn ở địa phương để tạm trú tại địa phương nơi bạn thuê trọ.
> Hướng dẫn cách tính điểm thi trung học phổ thông quốc gia 2019
4. Hướng dẫn cách viết sơ yếu lý lịch nhập học 2019
Dưới đây là mẫu sơ yếu lý lịch cho sinh viên nhập học và hướng dẫn cách viết cho từng trang:
Trang 1: Lý lịch học sinh, sinh viên
- Họ và Tên: Viết in hoa có dấu.
- Ngày, tháng, năm sinh: Viết đầy đủ ngày, tháng, năm sinh của mình.
- Hộ khẩu thường trú: Viết địa chỉ nhà mình trên hộ khẩu
- Khi cần báo tin cho ai? Ở đâu?: Có thể ghi tên bố hoặc mẹ và ghi kèm theo địa chỉ nhà.
- Điện thoại liên hệ (nếu có): Ghi số điện thoại gia đình hoặc di động của cha, mẹ.
Trang 2: Phần Bản thân học sinh, sinh viên
- Thí sinh dán ảnh 4×6 (ảnh chụp không quá 3 tháng) vào góc bên trái, đóng dấu giáp lai vào ảnh.
- Họ và tên: Viết in hoa có dấu
- Ngày tháng và năm sinh: Điền 2 số cuối ngày tháng năm sinh của mình vào 6 ô trống bên cạnh.
- Dân tộc: Nếu thí sinh là dân tộc Kinh thì điền 1 vào ô trống, dân tộc khác điền 0.
- Tôn giáo: Thuộc tôn giáo nào thì ghi tôn giáo đó, không thuộc tôn giáo nào thì ghi không. Lưu ý không được để trống.
- Thành phần xuất thân: Nếu là công nhân viên chức ghi 1, nông dân ghi 2, Khác ghi 3 vào ô trống bên cạnh.
- Đối tượng dự thi: Ghi giống trong giấy báo dự thi thuộc đối tượng nào thì điền đối tượng đó, nếu không thuộc đối tượng ưu tiên thì để trống.
- Ký hiệu trường: Viết mã trường mà mình chuẩn bị nhập học vào 3 ô trống bên cạnh. Ví dụ: Bạn nhập học trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thì điền DCN.
- Số báo danh: Là số báo danh của bạn dự thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.
- Kết quả học lớp cuối cấp ở THPT, Trung học Bổ túc, Trung học Nghề, Trung cấp Chuyên nghiệp: Là phần ghi thông tin kết quả học tập lớp 12 của sinh viên. Trong đó, sinh viên phải ghi rõ xếp loại học tập và xếp loại hạnh kiểm của mình. Đối với phần yêu cầu ghi xếp loại tốt nghiệp thì bạn bỏ qua vì từ năm 2016, Bộ GD&ĐT đã quyết định bỏ xếp loại tốt nghiệp.
- Ngày vào Đoàn TNCSHCM: Ghi theo sổ đoàn của mình
- Ngày vào Đảng CSVN: Ghi theo sổ Đảng viên của mình, nếu chưa thì để trống.
- Khen thưởng, kỷ luật: Ghi thông tin được khen thưởng của mình, nếu không có ghi không
- Giới tính: Nếu nam thì ghi 0, nữ ghi 1.
- Hộ khẩu thường trú: Ghi chính xác địa chỉ như ở sổ hộ khẩu gia đình của mình. Trong đó ghi rõ số nhà, thôn, xóm, xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố).
- Thuộc khu vực tuyển sinh nào: Thí sinh thuộc khu vực nào điền khu vực đó, giống giấy báo dự thi: 1; 2; 2NT, 3.
- Ngành học: Ngành mà bạn đỗ vào trường, trong đó bạn cần phải viết rõ tên ngành ra và điền mã ngành vào các ô ở bên cạnh.
- Điểm thi tuyển sinh: ghi rõ tổng điểm 3 môn xét tuyển vào trường và điểm thi của từng môn.
- Điểm thưởng: Nếu có điểm thưởng thì điền không có thì bỏ qua.
- Lý do để được tuyển thẳng và được thưởng điểm: Nếu có thì ghi rõ lý do, không thi bỏ qua
- Năm tốt nghiệp: Là năm tốt nghiệp THPT ghi 2 số cuối. Nếu bạn tốt nghiệp THPT năm 2016 thì điền 16
- Số chứng minh thư nhân dân: Điền đúng số CMND của mình
- Tóm tắt quá trình học tập, công tác và lao động: Ghi rõ thời gian học tiểu học, trung học cơ sở, THPT.
Trang 3 + 4: Thành phần gia đình
1. Cha: Ghi rõ họ và tên cha, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo và hộ khẩu thường trú
- Hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội: Ghi rõ thời gian, địa điểm. Nếu không có bỏ qua.
2. Mẹ: Thí sinh ghi rõ họ và tên mẹ, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, hộ khẩu thường trú
- Hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội: Ghi rõ thời gian, địa điểm, nếu không có bỏ qua.
3. Vợ hoặc chồng: Nếu có thì ghi đầy đủ các thông tin, chưa có thì bỏ qua.
Cuối trang 4: Xác nhận
4. Họ và tên, nghề nghiệp, nơi ở của anh chị em ruột:
- Ghi rõ thông tin họ và tên anh trai, chị gái, em trai, em gái (nếu có) đang làm gì và ở đâu.
- Cam đoan của gia đình về lời khai của học sinh, sinh viên: Thí sinh cần xin chữ ký của phụ huynh (bố, mẹ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng) để xác nhận.
- Học sinh, sinh viên ký tên vào góc bên phải.
- Sau khi điền đầy đủ các thông tin, thí sinh cần đến chính quyền địa phương xã, phường đang cư trú để xác nhận thông tin bằng cách ghi rõ họ tên, ký và đóng dấu.
Trên đây là những thông tin về hồ sơ nhập học đại học gồm những gì và cách viết sơ yếu lý lịch nhập học. Ngoài ra, thí sinh và phụ huynh cần thường xuyên theo dõi các thông tin từ phía nhà trường để tránh bỏ lỡ thời gian nhập học. Chúc thí sinh và phụ huynh thành công.
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp