Số học sinh đăng ký nguyện vọng vào ban KHXHNV rất ít ỏi, nhiều trường không tuyển đủ một lớp, thành ra tại nhiều trường, ban KHXHNV đã biến mất hoàn toàn. Rồi, sau khi học 1- 2 năm, theo quy chế của Bộ GDĐT, học sinh có quyền tự chọn lại ban, các môn mà mình có thế mạnh, tình hình cũng chẳng mấy sáng sủa, học sinh vẫn “lao vào” các môn tự nhiên.
Hình minh hoạ
Chúng tôi còn nhớ, trong lần phân ban vào các năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, ban KHXHNV cũng bị đẩy vào tình thế chông chênh, dở khóc, dở cười như bây giờ. Có điều là khi ấy, ngành giáo dục và báo chí "ngại" nói tới, mọi chuyện đã được chìm xuống, rơi vào quên lãng trong “ốc đảo” bình yên.
Đương nhiên, khi xây dựng chương trình phân ban lần này, hội đồng biên soạn, Bộ GDĐT cũng ít nhiều lường tính đến chuyện đó, nên tạm thời khắc phục nó bằng cách bồi thêm môn Ngoại ngữ vào ban KHXHNV, thành 4 môn chính: Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ. Nhưng những cố gắng ấy vẫn chưa đủ lực, sức mạnh để cứu ban KHXHNV thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay.
Thêm một bằng chứng nữa, theo tìm hiểu của người viết, hầu hết con cái của giáo viên dạy môn xã hội, khi học lên THPT, thi đại học... thì bố mẹ thường định hướng hoặc bắt buộc con em mình vào ban tự nhiên và những ngành kinh tế, chứ chẳng ai dại gì khuyên con em mình vào ban KHXHNV, bởi như đã phân tích, cơ hội học, thi ĐH-CĐ, kiếm việc làm đều thua xa khối tự nhiên. Và nhiều em học sinh bây giờ cũng có cái nhìn thực tế hơn về công việc, tương lai của bản thân.
Chúng tôi nghĩ vấn đề này sẽ được giải quyết ổn thỏa chỉ khi công việc, cuộc sống của bộ phận cán bộ, giáo viên... làm lĩnh vực xã hội, dạy môn xã hội được coi trọng, được đảm bảo chắc chắn. Do đó, Bộ GDĐT cần xem xét lại chương trình phân ban, ở ban KHXHNV một cách nghiêm túc, thực tế.
kenhtuyensinh ( nguồn Danviet.vn)