Tốt nghiệp Đại học sớm khi đi du học sẽ giúp bạn tiết kiệm khoảng chi phí khá lớn. Nhưng làm thế nào để đảm bảo được điểm số? Những chia sẻ sau đây sẽ giúp ích cho bạn.

Hành trình tốt nghiệp sớm Đại học Mỹ của hai nữ sinh Việt với điểm xuất sắc - Ảnh 1

Bạn mong muốn được tốt nghiệp sớm khi đi du học để tiết kiệm chi phí?

1.Kỳ Duyên và hành trình tốt nghiệp sớm đại học Mỹ với điểm xuất sắc

Học xong trong ba thay vì bốn năm với tổng điểm tốt nghiệp 3.95/4.0 và nhận bằng danh dự xuất sắc, Kỳ Duyên không có gì nuối tiếc về ba năm tự lập vất vả ở Mỹ.

Sau khi biết điểm thi môn cuối cùng hồi tháng 8, sau ba năm đại học ở Mỹ, Lê Thị Kỳ Duyên (23 tuổi) chạy một mạch đến nơi làm thêm trong khuôn viên trường. Không bắt tay vào làm ngay, Duyên mở một chai champagne, uống mừng vì biết mình vừa đạt GPA tuyệt đối 4.0/4.0 trong một năm học ngành Marketing ở Đại học Texas tại San Antonio, bang Texas. Cộng với điểm GPA trong hai năm tại Đại học công lập Angelo (Angelo State University) trước đó, Duyên tốt nghiệp với 3.95/4.0 điểm.

"Đó là mục tiêu khi đến Mỹ. Mình tự hào vì đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đạt được", Duyên nói. Trong lễ tốt nghiệp giữa tháng 12, Duyên được trường trao bằng danh dự xuất sắc - Summa Cum Laude. Chỉ những sinh viên đạt 3.9 điểm trở lên mới nhận được vinh hạnh này.

Duyên tới Mỹ tháng 3/2018 và nhập học Đại học công lập Angelo. Vì muốn trải nghiệm thành phố khác, cô làm hồ sơ chuyển sang Đại học Texas tại San Antonio. Lúc bấy giờ, Duyên đã học được khoảng 80 tín chỉ ở trường cũ và trường mới công nhận 77 trong số đó. Chuyển trường vào tháng 9/2020, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, nữ sinh hoàn thành khoảng 50 tín chỉ còn lại trong gần một năm, và tốt nghiệp sớm so với phần lớn sinh viên.

Mục tiêu tốt nghiệp sớm được Duyên xác định ngay khi đến Mỹ bởi đó là cách giúp cô tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong bối cảnh gia đình không khá giả, học bổng lại chỉ hỗ trợ học phí. Ngay từ kỳ đầu tiên, Duyên đã đăng ký tối đa số tín chỉ cho phép và duy trì khối lượng học tập nặng như vậy cho đến khi tốt nghiệp.

Học dồn thay vì dàn trải trong bốn năm khiến Duyên gần như ngày nào cũng có deadline (hạn nộp bài tập, dự án). Giai đoạn thi giữa hay cuối kỳ, hầu như ngày nào cô cũng ngồi một mình ở thư viện đến 2h sáng.

Để đạt điểm cao ở tất cả các môn và tiết kiệm thời gian, Duyên nhắc nhở bản thân phải hiểu bài ngay sau khi tiết học kết thúc. Chỉ cần chưa hiểu phần nào, cô nhất định ở lại lớp cuối cùng, nhờ giáo sư giảng lại. "Không chỉ hiểu bài hơn, mình còn được nhiều giáo sư nhớ mặt bởi hôm nào cũng ở lại sau cùng", Duyên chia sẻ.

Mỗi môn có 2-4 bài thi, Duyên chỉ cho phép mình đạt điểm thấp hơn mong đợi ở bài thi đầu. Khi không hài lòng về kết quả, cô lên văn phòng giáo sư để hỏi trực tiếp lý do nhằm cải thiện ở những bài sau. Sự "chủ động để tiến bộ" này giúp Duyên gần như đạt điểm tuyệt đối ở các bài sau đó. Kết quả là kỳ nào, cô cũng được nhận thêm học bổng.

Dù vậy, những gì được hỗ trợ không đủ để cô gái sinh năm 1998 trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu. Không muốn thành gánh nặng cho bố mẹ nên dù bận học, Duyên vẫn làm thêm 20 tiếng mỗi tuần ở trường - mức tối đa dành cho du học sinh. Công việc khiến Duyên thường phải thu hẹp thời gian nghỉ trưa và luôn trong trạng thái vội vã. Bù lại, bây giờ cô không còn phải dè dặt từ chối ăn kem cùng bạn khi nhìn thấy giá một cốc lên tới 5 USD như những ngày đầu sang Mỹ.

Học và làm chiếm gần hết thời gian, Duyên vẫn tham gia hai câu lạc bộ ở trường, triển khai hoạt động gây quỹ, thậm chí đi chơi hàng tuần. Cô giữ nguyên tắc "phải đuổi kịp deadline chứ không để deadline đuổi mình" nên luôn tính toán kỹ để hoàn thành công việc trước khi tham gia hoạt động hay đi chơi.

Nhìn lại ba năm học ở Mỹ, Duyên không chỉ tự hào về thành tích học tập mà còn về những gì được trải nghiệm, những con người cô đã trở nên gắn bó. Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc cho một công ty ở Austin, Texas. Duyên cũng mới nhận được học bổng bậc thạc sĩ tại trường Emlyon Business School của Pháp. Tháng 8 tới, cô sẽ chuyển sang Paris, sau đó có vài tháng học ở Thượng Hải theo chương trình học và nửa năm thực tập tại một quốc gia khác.

"Mình trải nghiệm ở Mỹ như vậy là đủ nên quyết định đến châu Âu để học bậc cao hơn", Duyên nói. Dù chương trình học vẫn bằng tiếng Anh, Duyên đang vừa đi làm, vừa học thêm tiếng Pháp để có những trải nghiệm trọn vẹn trong thời gian ở Paris sắp tới.

2. Trúc Linh – cựu học sinh THPT Lê Qúy Đôn tốt nghiệp đại học sớm, chinh phục 4 trường Dược tại Mỹ

Trúc Linh vừa trở thành tân sinh viên trường Dược ở Đại học Texas ở Austin (The University of Texas at Austin College of Pharmacy).

Theo đuổi ngành Dược là điều bất ngờ với người thân và bạn bè, và với chính bản thân Linh. Năm 2017, khi vừa bước vào lớp 11 ở Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), Linh có cơ hội tham dự chương trình trao đổi học sinh tại Mỹ. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, nữ sinh dần hòa nhập và yêu thích môi trường học tập tại đây. Vì thế, Linh quyết định xin gia đình để tiếp tục ở lại Mỹ, hoàn thành bậc THPT tại Central High School.

Điều ấn tượng nhất với Linh khi đó là học sinh được định hướng lựa chọn nghề nghiệp từ rất sớm và khá rõ ràng, trong khi thời điểm mới sang, bản thân Linh cũng chưa có định hướng cụ thể về nghề nghiệp trong tương lai.

Năm 2018, nhận thấy bản thân có lợi thế về môn Toán và Hoá học nên Trúc Linh quyết định nộp hồ sơ vào chuyên ngành Hóa Sinh và nhận được học bổng hỗ trợ một phần học phí tại Đại học Bang Washington (Washington State University - WSU).

Sau năm thứ Nhất tại WSU, Linh xác định rõ ràng sẽ theo đuổi ngành Dược. Vì thế, nữ sinh đẩy nhanh tốc độ học hành để tốt nghiệp sớm, đặt mục tiêu đạt điểm trung bình tích lũy (GPA) cao.

“Kỳ nào em cũng đăng ký 18 tín chỉ, học xuyên suốt các mùa hè. Bên cạnh đó em còn làm trợ giảng môn Toán và tham gia nghiên cứu khoa học về thuốc, tế bào ung thư tuyến tuyền liệt trong phòng thí nghiệm của một giáo sư trong trường”, Linh nói.

Mặc dù vậy, Linh vẫn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng như làm Chủ tịch Hội Sinh viên người Việt ở WSU, tình nguyện viên tại bệnh viện, làm thêm tại hiệu thuốc…

Nhớ lại thời đại học, Linh cho biết thời gian biểu luôn kín lịch. Em thường tranh thủ ghi nhớ bài từ trên lớp, tối về sẽ xem lại và đọc thêm để nhớ lâu hơn.

4 lầm tưởng về du học Mỹ khiến bạn bất ngờ

Danh sách các giấy tờ cần chuẩn bị để đi du học Úc

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp