PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhấn mạnh Hà Nội nên cho học sinh đi học trở lại ngay, thậm chí lẽ ra nên cho đi học sớm hơn.
1. Nhiều chuyên gia đưa ý kiến Hà Nội nên cho học sinh đến trường sớm
Không thể so sánh Hà Nội với các địa phương vừa bùng phát dịch gần đây cũng là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Ông nhấn mạnh Hà Nội nên cho học sinh đi học trở lại ngay, thậm chí lẽ ra nên cho đi học sớm hơn. Để đảm bảo an toàn, các trường dựa theo hướng dẫn cụ thể về phương án phòng, chống dịch để có kế hoạch phù hợp.
Trước những lo ngại trẻ đến trường có thể dẫn tới bùng phát dịch, PGS.TS Huy Nga cho rằng để đề phòng trường hợp đó, phụ huynh nên tiêm vaccine đầy đủ.
Với lo lắng của không ít người khi trẻ đi học trong tình trạng chưa được tiêm vaccine, ông khẳng định nếu không may mắc Covid-19, trẻ thường ít diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong rất thấp.
Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định nếu cứ chờ tiêm vaccine cho trẻ em rồi mới mở cửa trường học, phụ huynh còn phải chờ rất lâu. Chưa kể khi có vaccine, một số người vẫn không đồng ý cho con tiêm.
Ông nói thêm vấn đề bây giờ là phải cân nhắc tác hại của việc ở nhà. Các loại rối loạn tâm lý, bệnh về mắt, béo phì thậm chí còn nặng nề hơn Covid-19. Bên cạnh đó, chất lượng học online lại kém.
“Đây là việc đánh đổi, cái gì cũng có rủi ro. Có khi, trẻ ở nhà còn rủi ro hơn”, ông Huy Nga nêu ý kiến.
Trước đó, nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến Hà Nội nên cho học sinh đến trường sớm. Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị thành phố xem xét cho học sinh vùng xanh chuyển sang học trực tiếp.
Trưởng phòng GD&ĐT một số huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì chia sẻ mong muốn sớm mở cửa trường học trở lại. Sở GD&ĐT từng trình phương án cho học sinh đi học, trong đó, học sinh một số nơi, một số khối lớp có thể đến trường từ 25/10. Tuy nhiên, phương án này sau đó được sở rút lại để xem xét thêm.
Các chuyên gia nhận định học sinh tại Hà Nội có thể chuyển sang hình thức học trực tiếp
2. Tình hình học online của học sinh Hà Nội
Chị Ngọc Thảo có 2 con, một cháu học lớp 4 và một bé 5 tuổi. Trong thời gian trường mầm non đóng cửa hoàn toàn, con út của chị không thể học gì từ đầu năm học tới nay. Nữ phụ huynh đánh giá việc học online ảnh hưởng chất lượng học tập cũng như tâm lý của con.
“Tôi hy vọng các con đều được đi học, trẻ mầm non có thể đến lớp chậm một tuần và được ăn bán trú. Dịch ở đâu, chúng ta khoanh vùng chỗ đó. Nếu chờ hết dịch mới cho trẻ đến trường, tôi sợ đến năm sau vẫn chưa hết”, bà mẹ hai con đề xuất.
Chị Thanh Huyền (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đánh giá việc tính toán cho học sinh trở lại trường ở thời điểm này là hợp lý.
Người mẹ này chia sẻ 2 năm qua, với tư cách vừa là giáo viên phổ thông, vừa là phụ huynh có con học tiểu học, chị hiểu tâm thế của cả người dạy lẫn người giám sát việc học online của con tại nhà.
Chị Thanh Huyền cho rằng việc học online trong thời gian quá dài đã khiến cả người dạy, người học “bị quen” với nó. Mọi người mới chỉ chú ý đến những khó khăn trước mắt như đường truyền mạng không ổn định, thiết bị học tập chưa đảm bảo, nguy cơ trẻ cận thị… mà chưa kể đến những hệ lụy về sức khỏe, tâm lý, kỹ năng của học sinh sau này.
Không ít phụ huynh cảm thấy nên để sang học kỳ II năm học 2021-2022 mới chuyển sang dạy trực tiếp. Chị Thanh Huyền đánh giá phương án này cũng có điểm hợp lý vì lúc đó, hầu hết người lớn đã phủ hết mũi 2 vaccine, phụ huynh cũng không cảm thấy đột ngột.
Tuy nhiên, chị vẫn ủng hộ phương án sớm cho trẻ đi học trở lại. Theo chị Thanh Huyền, trong tình hình dịch bệnh, không ai nói trước được điều gì. Thời điểm này có thể triển khai mở cửa trường học, nếu bỏ qua, đến tháng một, nếu tình huống xấu, trẻ lại không được đi học trực tiếp. Thời gian online bị kéo dài hơn.
> Thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 phù hợp với diễn biến dịch bệnh
> Phương án kiểm tra đánh giá của các trường học trong thời điểm COVID-19
Theo ZING News