Ngày 4/12, Sở Y tế phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành hướng dẫn liên ngành để đảm bảo an toàn khi đón học sinh THPT trở lại trường.
1. Khi xuất hiện F0 trong trường học
Nếu phát hiện F0, trường học phải báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương. F0 không tự ý di chuyển, không tiếp xúc gần dưới 1 m với người xung quanh. Người nhiễm bệnh tiếp đó được đưa đến phòng cách ly tạm thời trước khi đi cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo quy định.
Giáo viên, học sinh được yêu cầu ở yên trong lớp, khai báo y tế và thực hiện 5K. Lúc này, trường học tạm thời phong tỏa để cơ quan y tế truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.
Học sinh, giáo viên học cùng lớp F0 được coi là F1, cách ly tạm thời ngay tại lớp. Những F1 còn lại trong trường được tách ra một khu vực riêng để tổ chức cách ly theo quy định.
F1 và người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh được lấy mẫu xét nghiệm đơn, còn lại sẽ xét nghiệm gộp 5-10 mẫu. Sau đó, tuỳ vào kết quả điều tra dịch tễ và mức độ di chuyển của F0, phạm vi phong toả sẽ được điều chỉnh phù hợp, có thể chỉ phong tỏa từng tầng hoặc khu vực, phòng học liên quan F0. Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương sẽ quyết định trường học có tiếp tục hoạt động hay không.
Những F0 khỏi bệnh và có giấy ra viện tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà 14 ngày, sau đó mới quay lại trường học.
Trong trường hợp F0 là học sinh, giáo viên của trường, được ghi nhận mắc bệnh ngoài giờ học, trường sẽ tạm dừng hoạt động để khử khuẩn, đặc biệt là khu vực học tập, làm việc của người bệnh, phối hợp với cơ quan y tế truy vết F1, F2 và chờ kết quả xét nghiệm.
Huyện Ba Vì là huyện đầu tiên tại Hà Nội được tổ chức học trực tiếp
2. Với người nghi nhiễm COVID-19
Nếu phát hiện người nghi mắc Covid-19 trong trường, ban giám hiệu cũng phải thông báo cho cơ quan chức năng, cách ly tạm thời người nghi nhiễm. Nếu được yêu cầu, trường sẽ đưa người này đến cơ sở y tế để khám và điều trị, không sử dụng phương tiện công cộng; đồng thời lập danh sách học sinh cùng lớp, người tiếp xúc gần để "sẵn sàng cho việc truy vết F1 nếu người nghi mắc trở thành F0".
3. Phương án khi trường học có F1
Khi trường học có F1, các trường hợp F2 tạm thời không di chuyển khỏi lớp. Nếu có biểu hiện bệnh như mệt mỏi, ho, sốt... F2 được lấy mẫu xét nghiệm PCR, cách ly tại nhà và chờ kết quả của F1. Nếu F1 âm tính, F2 được kết thúc cách ly, trường học hoạt động bình thường.
Theo quy định mới nhất do UBND TP Hà Nội ban hành ngày 19/11, F1 trên địa bàn thành phố nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà, trừ những người ở bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Văn bản hướng dẫn ban hành ngày 3/12 cũng cho phép F0 dưới 50 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine và không mang thai được xem xét điều trị tại nhà. Nhưng F0 phải có đơn đăng ký gửi ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Qua quá trình thẩm định, ban chỉ đạo ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà đối với F0.
Ngày 6/12, trường THPT tại Hà Nội nằm trong khu vực dịch cấp độ 1 hoặc 2, đạt các tiêu chí phòng chống dịch theo hướng dẫn liên ngành được mở cửa. Ngoài bậc THPT, học sinh lớp 9 tại 18 huyện ngoại thành tiếp tục học trực tiếp. Các khối còn lại học trực tuyến đến khi có thông báo mới, còn học sinh mầm non nghỉ tại nhà.
Theo đánh giá mới nhất về cấp độ dịch của UBND Hà Nội, 7 trong số 30 quận, huyện đạt cấp độ 1 gồm Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất và Ứng Hòa, còn lại cấp độ 2. Chỉ ba phường ở cấp độ 3 là Phố Huế (Hai Bà Trưng), Khâm Thiên và Trung Phụng (Đống Đa). Như vậy, chiếu theo quy định mở cửa trường học của UBND thành phố, những trường thuộc ba phường trên không đủ điều kiện mở cửa.
Tổng số ca tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ 27/4 đến nay) là 12.692, trong đó số ca cộng đồng khoảng 5.000. Khoảng hai tuần trở lại đây, thủ đô ghi nhận 300-500 ca mắc mới mỗi ngày.
> Hà Nội: Học sinh THPT sẽ quay lại trường từ ngày 6.12
> Hà Nội: Chưa có phương án mở cửa trường học với bậc mầm non
Theo VnExpress