Trong suốt buổi tọa đàm, GS Hồ Ngọc Đại kể về con đường đưa ông đến với công nghệ giáo dục cũng như những lý do để trường Thực nghiệm ra đời vào năm 1978. Đối với bản thân, ông thu nhận rằng tham vọng của mình là có một nơi để thực hành lý thuyết giáo dục của bản thân, từ đó tạo cơ sở để ông xây dựng một nền giáo dục mới, một nền giáo dục hiện đại cho đất nước để sánh ngang với các cường quốc năm châu.
GS Hồ Ngọc Đại bày tỏ quan điểm của mình: “Nền giáo dục hiện đại là nền giáo dục mà trước đó chưa hề có. Phương châm giáo dục cũ là noi gương các bậc thánh hiền, phấn đấu theo cái này khác. Tôi thì không. Mỗi người phải trở thành chính nó. Một nền giáo dục hiện đại là làm sao để mỗi người trở thành chính nó, xứng đáng với chính nó, không noi gương ai cả, không
thành ai cả”.
Theo như GS Đại, khi thành lập trường Thực nghiệm, ông muốn xây dựng một nền giáo dục mới trên cơ sở một lý thuyết không thể bắt bẻ được, trên một kỹ thuật không thể có kỹ thuật nào hơn được. Nhưng GS Đại cũng lưu ý thêm, tất nhiên mỗi thời đều có kỹ thuật của nó. Điều quan trọng là kỹ thuật đó có giá trị như thế nào trong lịch sử phát triển của vấn đề, nó tạo nên bước ngoặt lớn hay chỉ là một bước cải tiến, kế thừa các thành tựu trước đó. GS Đại tự đánh giá, nếu xét từ góc độ này thì công nghệ giáo dục là một bước ngoặt lớn trong nền giáo dục nước nhà.
“Việc tôi mở trường Thực nghiệm, hành vi đó là có trách nhiệm nhất với đất nước. Tôi lấy cá nhân làm cơ bản, mà những tư tưởng như thế dễ bị phản ứng lắm”, GS Đại nói, đồng thời cho hay việc làm của ông là “có công”, bởi ông đã dỡ bỏ cái cũ để xây dựng cái mới.
GS Đại chia sẻ: “Ngày xưa có khẩu hiệu thầy giảng thật hay, trò dễ ghi nhớ. Tôi mở trường Thực nghiệm thì đưa ra khẩu hiệu: Chừng nào thầy không giảng, và trò không cần cố gắng thì nền giáo dục ấy mới lành mạnh”.
GS Đại tự đặt câu hỏi “có phi lý không?”, rồi tự trả lời bằng một ví dụ: “Như lúc anh ngồi trên ô tô để di chuyển chẳng hạn, anh có cần cố gắng hơn? Trẻ con làm sao mà học không có cảm giác là học, nhưng thực ra là học, thì mới gọi là học. Tức là những việc đó phải tự nhiên, như hít thở không khí. Và muốn tự nhiên nhất thì phải hợp lý nhất, phải đúng nhất”.
Mấy chục năm qua, ông bị nhận nhiều tiếng chê nhưng không “ai” làm được gì, Thực nghiệm vẫn tồn tại. Vì thế, với ông, “cơn bão mạng” mấy tuần nay với cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục là một “vụ vớ vẩn”, và ông không chấp.
Trong cuộc tọa đàm, nhiều lần GS Hồ Ngọc Đại nhắc lại câu nói: “Khi người ta không biết gì mà người ta vẫn cứ nói thì đừng có chấp. Không nên bực tức vì điều đó".
Tất cả những điều trong sách là những thứ đã có trên thế giới
Theo GS Hồ Ngọc Đại, trong cuốn Tiếng Việt 1 thì ông là người viết lại cái bản thảo cuối cùng và ký tên ông. Nhưng nó là sản phẩm có sự đóng góp của hàng chục, hàng trăm và thậm chí hàng ngàn người tiến sĩ, giáo sư.
Ông ký tên mình là để tự chịu trách nhiệm về nó. Đối với bản thân ông, việc người dân Việt Nam, cho dù đã học đến lớp 10, thậm chí đại học, viết sai chính tả là vô lý. “Trẻ con 6 tuổi nói sõi, 7 tuổi nói đúng, 8 tuổi nói chuẩn, 9 tuổi nói hay, can cớ gì viết sai? Viết sai là do anh không biết dạy, do anh dạy sai”, GS nhận định.
GS Đại khẳng định: “Tôi dạy trẻ con học hết lớp 1 công nghệ giáo dục, bất cứ ở vùng nào của đất nước này, miền xa xôi hẻo lánh nhất, anh có ra khỏi nhà hay không không quan trọng, đến trường hay không không quan trọng, biết tiếng Việt hay không không quan trọng, miễn là 6 tuổi, đến học với tôi 1 năm, đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả, không thể tái mù chữ. Đọc thông viết thạo nghĩa là thế nào? Là viết ra đọc được, là nghe người ta đọc thì anh viết được".
"Tôi dùng những gì nhân loại đã có, chứ tôi không có sáng kiến gì đâu. Thí dụ tiếng Việt lớp 1 là thành tựu 300 năm nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt, tổng kết lại làm giáo trình cho SV năm 3 trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 1977.
Vào năm 1978 tôi đưa vào lớp 1 dạy khóa đầu tiên, mà học trò khóa đó có Ngô Bảo Châu", GS Đại nói. Rồi ông nêu một ví dụ khác :"Phát âm chữ a, bờ, cờ không phải là tôi, mà là ông Hoàng Xuân Hãn đưa ra. Ở lớp bình dân học vụ người ta dạy, i tờ có móc là 2, i ngắn có chấm tờ dài có ngang. Chứ trước kia là a bê xê, nên mới đọc là bê a ba. Đã bê lại còn a ba được, ngớ ngẩn thế mà người ta vẫn cho là đúng".
GS Đại cho biết, ngay từ lớp 1 của Ngô Bảo Châu hồi đó học kỳ 1 các học sinh không học chữ, học toàn hình vuông hình tròn hình tam giác. "Bởi học sinh phải nắm được tiếng, mà tiếng thì biểu thị gì chẳng được. Cho nên học sinh của tôi biết 2 cái quan trọng nhất : vật thật và vật thay thế. Vật thật là cái gì, và cái gì là vật thay thế", GS Đại nói.
Theo lời giải thích của GS Đại, vật thật là tiếng nói, là âm nghe được. Chữ là một trong những vật thay thế chứ không phải vật thay thế duy nhất, vì có nhiều vật thay thế. Vật thay thế là trò chơi, là quy ước, mà quy ước thì có luật lệ của quy ước. Học tiếng Việt của công nghệ giáo dục, trẻ con ngay từ lớp 1 phải biết được những điều đó. Biết âm a được thay bằng một chữ a. Âm bờ được thay bằng một chữ b. Gờ được thay bằng 2 chữ g và gh. Ngờ được thay bằng 2 chữ ng, ngh. Một âm cờ thay bằng 3 chữ c, k, q.
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ: “Nếu học tiếng Việt theo sách của tôi, anh mở trang 24 thì tôi biết 23 trang trước học thế nào. Chỗ nào làm tốt, chỗ nào chưa làm tốt. Đến trang 124 thì tôi biết 123 trang trước anh học như thế nào… Như thế nghĩa là học sinh phải làm thế nào để mỗi một thành tựu trong quá khứ phải được nuôi sống đứa trẻ cả đời chứ không phải học xong, thi xong là thôi. Chương trình thiết kế công phu đến thế, nhất là chữ Việt. Anh học chữ nào chắc chắn chữ đó. Cho nên không thể tái mù được”.
Đối với bản thân GS. Hồ Ngọc Đại, việc dạy học không nên theo những quy tắc nhất định, trong thời đại ngày nay phải biết bắt kịp thế giới, không thể dậm chân tại chỗ, đặc biệt trong vấn đề giáo dục.
Những ý kiến trái chiều
Sau khi những lời chia sẻ của GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, phản đối nhận định của GS. Hồ Ngọc Đại là sai trái như 1 tài khoản với nickname KHANH TRAN đưa ra ý kiến:
"Tôi không phản đối sách CNGD vì sách và chương trình dạy nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm riêng. Nhưng nếu một chương trình dạy có quá nhiều vấn đề và khuyết điểm thì tôi có nên tin tưởng và đặt cược cả tương lai của con, cháu, em tôi vào đó không? Sau đây tôi xin nêu ra 1 số thắc mắc về chương trình CNGD:
- Thứ nhất: c, k, p đều là "cờ", vậy làm sao phân biệt được sự khác biệt giữa các cặp từ quá-cóa, qua-coa, quan-coan, quốc-cuốc, quả-cỏa... (Lấy giọng của 1 số địa phương để áp dụng với học sinh toàn quốc???)
- Thứ 2: quả xoài gọi là quả quéo, con lợn gọi là chú ỉ, quả muỗm, gà qué... Trẻ em 6 tuổi đang học hỏi nhiều thứ, đặc biệt từ thầy cô và sách giáo khoa là trong sách. Vậy những thông tin sai lệch đó ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của các em?
- Thứ 3: sách dùng nhiều từ địa phương như quện nhau, chú ỉ, con yểng..., nếu địa phương của các em không sử dụng những từ đó thì giáo viên và phụ huynh giải thích bằng cách nào để tất cả các em đều hiểu rõ? (Trẻ con rất tò mò, học chữ phải biết nghĩa rõ ràng chứ không phải chỉ cần biết đọc thôi là đủ).
- Thứ 4: lúc nào các bác cũng nói phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, vậy sách dùng nhiều từ Hán Việt khó hiểu trong khi những từ ấy đều có từ thuần Việt để thay thế. Nên giải thích thế nào với các em?
- Thứ 5: khi các em chỉ vào các ô vuông, tròn, tam giác thì đọc được cả bài thơ, khi không có ô thì dù học đến cuối học kỳ 2 của lớp 1 vẫn chưa thể đọc được các bài thơ ấy bằng chữ. Như vậy có được gọi là đọc thông viết thạo không?
- Thứ 6: những bài văn, bài thơ ngày xưa dù trích 1 đoạn hay chép nguyên bản đều ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Những bài thơ trong sách này đã được "chế" thêm, vừa dài dòng vừa không diễn đạt hết ý của các giả, đã vậy còn sử dụng tên của tác giả mà không có 1 lời giải thích là "đã chỉnh sửa". Các tác giả có còn được tôn trọng nữa không?
- Thứ 7: việc phân tích ra các ô vuông nhằm mục đích giúp các em phân biệt tiếng và từ, có lẽ là cho những em chưa biết chữ. Tại sao sau khi phân tích xong lại phân tích từng từ ra thành nhiều chữ cái (như trong 1 clip trên mạng đã giải thích)? Làm vậy người lớn còn rối chứ đừng nói đến học sinh lớp 1.
- Thứ 8: trong khi phân tích từ thành các chữ cái thì lại dùng chữ in hoa!? Vậy các em đã phân biệt được chữ hoa và chữ thường chưa? Tại sao lại là chữ hoa chứ không phải chữ viết thường dùng? Tại sao trong sách có 1 số chỗ cần viết hoa lại không viết trong khi dạy các em lại dùng cả chữ hoa lẫn chữ thường?"
Việc "Ai đúng, ai sai" là là 1 câu hỏi khó chưa có câu trả lời thoả đáng đối với tất cả trong thời gian này. Chắc chúng ta lại phải tiếp tục đợi câu trả lời chính xác nhất từ Bộ GD&ĐT, đòi lại công bằng đối với các phụ huynh có con học ở trường và các giáo sư, tiến sĩ dày công làm lên bộ sách "Công nghệ giáo dục".
> Việt Nam xuất sắc đạt 4 huy chương trong kỳ Olympic Tin học Quốc tế 2018
> Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hòa Bình tổ chức họp kiểm điểm sai phạm điểm thi
Theo Thanh niên - Kênh Tuyển Sinh