Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước.
> Việc lạm thu gây mất niềm tin của phụ huynh và nhà tài trợ, ai chịu trách nhiệm?
> Mở nhiều đại học tư thục để phục vụ cho học sinh nên hay không?
Đề xuất này được đưa ra khi hiện nay có 122.440 giáo viên mầm non ở 31 tỉnh, thành phố (22 tỉnh phía Bắc và 9 tỉnh phía Nam) nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ.
Hầu hết họ đều có quá trình công tác, làm việc tương đối lâu dài trong những năm gian khó của đất nước, tâm huyết với nghề, chịu đựng khó khăn, vất vả để thực hiện nhiệm vụ.
Trong số hơn 122.440 giáo viên này, có 17.673 người công tác trong thời kỳ từ năm 1975 về trước.
Từ năm 1975 đến 1995 là 58.810 người và từ sau 1995 đến 2015 là số giáo viên còn lại.
Số giáo viên mầm non không được hưởng chế độ do không được chuyển tiếp dạy tiểu học là khoảng 47.000 người, số giáo viên mầm non không được hưởng chế độ do hoàn cảnh gia đình hay các hoàn cảnh khác là khoảng 72.000 người.
Tại hội thảo đề xuất chính sách, chế độ cho đội ngũ giáo viên mầm non nghỉ công tác mà chưa được hưởng chế độ ngày 14/08, đại diện của Hội cựu giáo chức Việt Nam cho biết:
Qua khảo sát, số giáo viên nghỉ công tác chưa hưởng chế độ đều có quá trình công tác, làm việc tương đối lâu dài trong những năm gian khó của đất nước.
Nhiều giáo viên vào ngành những năm 1970, sau 20-30 năm công tác không được hưởng bất cứ chế độ, chính sách nào.
Đa số giáo viên mầm non thời kỳ này, do yêu cầu cấp thiết của nhân dân, được dân phát hiện, tiến cử làm giáo viên mầm non, không được đào tạo bài bản, không được biên chế, dạy ở các nhà kho hoặc nhờ nhà dân, được trả công bằng thóc (những năm 1980 được trả khoảng 10 kg thóc/tháng, những năm 1990 được trả khoảng 20 kg thóc/tháng).
Hoặc thù lao do cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp (những năm 1990 được trả thù lao khoảng 40.000- 50.000 đồng/tháng), trong đó các cô giáo phải tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.
Như vậy có nghĩa là, đời sống hiện nay của hầu hết các giáo viên mầm non này đều không có lương hưu, không có chế độ bảo hiểm xã hội.
PGS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định:
“Do cơ chế lúc bấy giờ còn khó khăn nên những giáo viên mầm non công tác trong thời kỳ đó, phục vụ ngành mấy chục năm nhưng đến độ tuổi về hưu thì không chế độ nào”.
Đến nay, chắc chắn đời sống của hầu hết của các giáo viên mầm non này đều gặp nhiều khó khăn.
Không có lương hưu, không có chế độ BHXH trong khi họ dành cả tuổi thanh xuân để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ngay ở độ tuổi xế chiều, khó có thể lao động nặng nhọc do đó việc đề xuất có chế độ cho những giáo viên là việc làm phải đạo, nhân văn và vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, ông Nhĩ cho rằng, nói như vậy nhưng không có nghĩa mọi giáo viên thời kỳ đó được hưởng chế độ đồng loạt như nhau mà cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở giáo viên đó phục vụ ngành được bao nhiêu năm, mỗi năm đảm bảo được bao nhiêu phần trăm công việc.
Cụ thể hơn, ông Nhĩ nói, với một giáo viên phục vụ ngành giáo dục từ khi ra trường đến khi về hưu phải có chế độ khác với những người chỉ phục vụ ngành vài năm rồi nghỉ.
Dựa vào các tiêu chí đó và xuất phát từ thực tế ngân sách nhà nước để xem xét phụ cấp như thế nào vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động đã và đang phục vụ ngành giáo dục.
"Nói cách khác là hãy “liệu cơm gắp mắm", ông Nhĩ nhấn mạnh.
Theo Giáo dục Việt Nam - Kênh tuyển sinh
> Bộ GD&ĐT đưa ra 9 nhiệm vụ chủ yếu trong năm học 2018-2019
> Hà Nội: 10 trường Tiểu học có sĩ số lớp 1 cao nhất