Giáo dục là động lực phát triển xã hội. Tuy nhiên đến nay giáo dục vẫn chưa phát huy được vai trò quan trọng bởi mang nặng căn bệnh thành tích.
Liệu ngày càng có nhiều bạn trẻ phải đối mặt với căn bệnh thành tích trong học tập?
Ngày 1.6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Trong chỉ thị này có nội dung: “Nghiên cứu rà soát, sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định, các loại chuẩn, tiêu chuẩn có tính hình thức, cứng nhắc, không phát huy được tính sáng tạo, chủ động ở các cấp cơ sở giáo dục, không phù hợp với thực tiễn, dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục”.
Bãi bỏ những quy định mầm mống sinh ra thành tích ảo
Để trị bệnh này, cần bãi bỏ hình thức khen thưởng giáo viên có “chất lượng giảng dạy vượt trội”, những thầy cô giáo đạt “hiệu quả giảng dạy cao” có nhiều học sinh khá giỏi, không có học sinh yếu. Tức là phải bỏ mầm mống sinh ra thành tích ảo và những con điểm ảo, trả lại cho trường học chất lượng giảng dạy thực chất, lành mạnh, ở đó học sinh khá giỏi thật sự xứng đáng, không có hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Bộ GD-ĐT cần ra văn bản có tính chất pháp lệnh: không tính thi đua, khen thưởng một giáo viên, một cơ sở giáo dục, một địa phương bằng số lượng học sinh thi đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; bãi bỏ quy định điểm thi tốt nghiệp được tính bằng tỷ lệ 70% của điểm thi, 30% điểm của học bạ vì đó là những nguyên nhân khiến tình trạng coi thi, chấm thi lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng “giải phẫu thẩm mỹ” cho học bạ.
Năm 2018, Bộ GD-ĐT có công bố nội dung Dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng liệu có đủ sức răn đe khi chỉ xử phạt bằng tiền từ 8 - 15 triệu đồng đối với hành vi sửa chữa học bạ, sổ điểm, phiếu điểm, làm sai lệch kết quả học tập của người học (Điều 30 của Dự thảo)? Thử hỏi trước đây cho đến nay có mấy thầy cô và cán bộ quản lý giáo dục bị xử lý kỷ luật vì làm đẹp học bạ?
Là một giáo viên, tôi biết vẫn còn không ít giáo viên thực sự là những tấm gương sáng. Họ không chấp nhận nâng khống điểm cho học sinh, họ chấp nhận kết quả thực chất của việc dạy và học dù việc đó không làm đẹp hồ sơ giảng dạy của họ, không làm vui lòng, không làm đẹp lòng các cấp lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, để chấm dứt bệnh thành tích trong giáo dục, đề nghị Bộ GD-ĐT nên thể chế hoá quy định không đánh giá thi đua, khen thưởng một giáo viên, một cơ sở giáo dục bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học. Ngoài ra, nên có chế độ hậu kiểm việc thực hiện Thông tư 22/ 2021/TT- BGDĐT (một thông tư có nhiều yếu tố mới) ở các cơ sở giáo dục.
Thay đổi nội dung, hình thức thi cử
Mạnh dạn thay đổi nội dung, hình thức thi cử. Theo đó, đề thi tốt nghiệp THPT không chạy theo số lượng học sinh thi đỗ, nói cách khác là không quá dễ (dễ từ khâu ra đề cho đến khâu ra đáp án, biểu điểm). Có như thế bằng cấp của Việt Nam mới được thế giới công nhận, để học sinh Việt Nam thực sự là những cô cậu tú có học lực xứng đáng được ngưỡng mộ, để xã hội có nguồn nhân lực lao động có chất lượng cao chứ không phải là sản phẩm của một nền giáo dục học giả, thi giả.
Nên chuyển đổi lực lượng giám thị và giám khảo, nói cách khác giáo viên ở địa phương này phải coi thi và chấm thi ở địa phương khác. Nên đặt camera ở tất cả các địa điểm thi...
> Hơn 2.800 thí sinh thi vào chuyên Khoa học Tự nhiên
> Gần 4.000 sĩ tử tranh vào lớp 10 chuyên Ngoại ngữ dù chỉ có 500 suất
Theo Thanh Niên