EQ - Emotional Quotient có nghĩa là chỉ số thông minh cảm xúc của mỗi người. Bên cạnh chỉ số IQ, EQ nhận được rất nhiều sự quan tâm trong xã hội hiện đại. Cùng Giáo sư đến từ Đại học Yale bật mí 5 phương pháp tăng chỉ số EQ ở trẻ mà bố mẹ nên biết.
Bố mẹ có thể giúp trẻ tăng chỉ số EQ bằng những phương pháp nào?
Marc Barckett, Giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển trẻ em của Đại học Yale cũng đã chia sẻ bí quyết để giúp trẻ nhỏ phát triển mạnh chỉ số EQ.
Trong suốt 20 năm sự nghiệp, GS Marc Barckett đã tập trung vào việc tìm hiểu lĩnh vực quản lý cảm xúc và trí tuệ xúc cảm. Ông cho biết, cách đơn giản nhất để phát triển chỉ số EQ của trẻ là trau dồi vốn từ vựng. Cách làm này cực kỳ dễ và bất kỳ phụ huynh nào cũng có thể làm được.
Bên cạnh đó, ông còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chỉ số EQ bằng cách đưa ra ví dụ về tiêu chí tuyển dụng được thống kê trên Linkedln. Theo đó, có 10 kỹ năng cứng và 5 kỹ năng mềm mà các công ty luôn yêu cầu ở các ứng viên.
Kỹ năng cứng chủ yếu bao gồm kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm làm việc,... Trong khi kỹ năng mềm gồm trí tuệ cảm xúc, bên cạnh khả năng sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác và kỹ năng thích ứng.
GS Marc Barckett đã tóm tắt quá trình rèn luyện chỉ số EQ thành 5 bước. Hiện phương pháp của ông đang được gần 3.000 trường mầm non ở Mỹ, Anh, Trung Quốc và các quốc gia khác áp dụng.
5 bước của phương pháp này đại diện cho 5 kỹ năng chính trong trí thông minh cảm xúc, đã được GS Marc Barckett sắp xếp từ đơn giản đến phức tạp.
Bước 1: Trẻ cần xác định cảm xúc của mình
Theo GS Marc Barckett, cảm xúc không đơn giản chỉ gồm vui, buồn, lo âu, giận dữ,… mà giữa chúng còn có các phần giao thoa với nhau. Với trẻ nhỏ, chỉ khi nào chúng hiểu được bản thân đang tức giận, thất vọng hay phẫn nộ, và loại cảm xúc nào đã dẫn đến hành vi tiêu cực thì chúng mới có thể thay đổi được thái độ của mình.
Ngoài việc đánh giá đúng cảm xúc của bản thân, GS Marc còn yêu cầu cha mẹ phải giúp trẻ phân biệt cảm xúc của người đối diện. GS Marc cho biết, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ quan sát thêm các nhân vật hoạt hình, rồi dựa vào biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể để trẻ đánh giá nhân vật đó đang có loại cảm xúc nào.
Bước 2: Học cách lắng nghe
GS Marc kể lại câu chuyện khi ông thi lên đai vàng Aikido hồi 13 tuổi, nhưng đã thất bại ngay từ lần đầu tiên. Khi lên xe, ông đã hét lên: “Con ghét mẹ! Con sẽ không bao giờ tập Aikido nữa”. Mẹ ông cũng tức giận và hét lên đáp lại: “Dừng lại ngay, sao con dám nói chuyện với mẹ như thế. Mẹ mà nói với ba con về thái độ này là con xong rồi đấy!”.
Trên thực tế, GS Marc khi ấy vừa trải qua một thất bại và rất cần sự an ủi, thấu hiểu từ mẹ. Ông đã đưa trải nghiệm này vào bài giảng và nhấn mạnh rằng người lớn luôn cần biết lắng nghe những gì trẻ đã trải qua, thay vì lập tức phản ứng lại.
Bước 3: Trau dồi vốn từ vựng
Vào năm 2019, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Ohio đã xuất bản một cuốn sách về ngôn ngữ ở lứa tuổi trẻ em. Theo họ, một đứa trẻ được nghe đọc sách mỗi ngày sẽ hiểu được nhiều hơn 290.000 từ ở độ tuổi lên 5 so với những trẻ khác.
GS Marc cho biết, ông đã gặp nhiều người thiếu thốn vốn từ vựng đến nỗi, khả năng bày tỏ cảm xúc của họ còn thua một đứa trẻ. Những người có thể mô tả cảm xúc của họ chính xác thường ít cảm thấy căng thẳng. Việc đa dạng vốn từ cũng khiến một người trở nên biết nói chuyện, từ đó tăng cường các mối quan hệ với người khác, dù ở nhà hay trong môi trường công việc.
Việc trau dồi vốn từ cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ thông qua nghe và đọc là phương pháp đơn giản nhất để cải thiện chỉ số EQ. Nhiều phụ huynh, thầy cô giáo đã thử áp dụng phương pháp này của Marc và rất bất ngờ trước hiệu quả của nó.
Bước 4: Tự tin bày tỏ cảm xúc
Một ngày nọ, cậu con trai 6 tuổi của đồng nghiệp GS Marc trở về nhà và nói: “Cô giáo nói rằng không được khóc trong lớp. Con phải mạnh mẽ hơn và luôn vui vẻ ở trường”. Câu chuyện này đã khiến giáo sư băn khoăn rất nhiều. Nếu hạnh phúc là thứ cảm xúc duy nhất được phép bày tỏ ở nơi công cộng, vậy những đứa trẻ bị trầm cảm phải làm gì? Không lẽ chúng đã bị gán cho cái mác thất bại ngay từ khi sinh ra?
GS James Pennebeck của Đại học Texas đã khẳng định trong một nghiên cứu của mình rằng, việc phải kín tiếng và giữ bí mật mọi thứ khiến con người phát bệnh. Ông nói nếu chúng ta có thể bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của bản thân bằng lời, cơ thể sẽ hoạt đồng một cách hiệu quả hơn, ví dụ như tăng cường miễn dịch, giảm huyết áp hay giảm stress,…
Vì vậy, khuyến khích trẻ lên tiếng, bày tỏ quan điểm và cảm xúc của bản thân là bước rất quan trọng trong quá trình xây dựng trí thông minh cảm xúc của trẻ.
Bước 5: Học cách giải quyết vấn đề khi bản thân bình tĩnh
Khi bạn đang tức giận bừng bừng hoặc thất vọng tột cùng vì một ai đó, hãy dừng lại, thở sâu và thư giãn một lúc trước khi quyết định chỉ trích họ. Hãy đợi đến khi bạn bình tĩnh và đủ lý trí để nghĩ cách ứng phó.
Trên thực tế, con người luôn có những cách gần như bản năng để điều tiết cảm xúc của mình, ví dụ như đánh lạc hướng bản thân hoặc trì hoãn làm những việc phiền toái. Tuy nhiên, cảm giác bốc đồng khi tức giận lại không như vậy, nó khó để kiểm soát hơn nhiều. Vì vậy, lần tới khi con bạn không chịu vâng lời, hãy dừng lại một chút để có thể bình tĩnh nghĩ ra cách giải quyết thích hợp.
> Mách bố mẹ 6 cách từ chối để trẻ không cảm thấy khó chịu
> Những tác hại từ việc bố mẹ trách mắng con thường xuyên
Theo Vietnamnet