Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

giang_vien_trai_nganh

Minh hoạ DAD:  Giảng viên trái ngành

 

Để hợp thức hóa bằng cấp, nhiều giảng viên cố học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ dù không đúng với chuyên ngành mình giảng dạy.

 

Dù bằng cấp cao nhưng trình độ chuyên môn của các giảng viên này thực chất vẫn chỉ là cử nhân, kỹ sư khi giảng dạy ĐH.

Học ngành này, dạy ngành kia

Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, có trường hợp một giảng viên tốt nghiệp cử nhân tâm lý học, sau đó học và lấy bằng thạc sĩ giáo dục học, rồi lại quay về làm tiến sĩ tâm lý học. Dù vậy, giảng viên này vẫn được trường nói trên mời giảng dạy và hướng dẫn luận văn thạc sĩ về giáo dục học, tham gia giảng dạy tiếng Anh và giảng dạy về lĩnh vực đo lường đánh giá ở trường khác…

 

Lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM nhận định: “Tâm lý học và xã hội học mặc dù gần nhau nhưng là hai ngành khác nhau và các chuyên ngành lại càng khác xa. Nếu được phân giảng dạy như trên, về bằng cấp thì đạt yêu cầu nhưng thực chất chuyên môn thì chưa ổn. Đó là chưa nói giảng viên hướng dẫn luận văn cao học ở lĩnh vực mình không có nền tảng ở bậc ĐH thì lại càng khó”.

 

Ở một số ngành nghề đặc thù do chưa có mã ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước nên muốn học cao hơn giảng viên đành “rẽ” sang một lĩnh vực khác. Ví dụ ngành bảo tàng học và kinh doanh xuất bản phẩm tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, nhiều giảng viên trong khoa đều tốt nghiệp trình độ ĐH ở các lĩnh vực này, nhưng học lại lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ ở ngành văn hóa học rồi quay về dạy bảo tàng học và kinh doanh xuất bản phẩm.

 

Trường hợp khác tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, giảng viên tốt nghiệp kỹ sư ngành công nghệ in, học thạc sĩ và tiến sĩ ngành giáo dục học và vẫn được phân công giảng dạy các môn học trong lĩnh vực công nghệ in. Điều đáng nói là dù bằng cấp thạc sĩ hay tiến sĩ nhưng khi giảng dạy các môn học không đúng với ngành, các chuyên ngành của bằng cấp cao nhất thì thực chất cũng chỉ là ĐH dạy ĐH mà thôi.

 

Trước tình trạng thiếu giảng viên, nhiều trường vẫn sử dụng giảng viên là cử nhân, kỹ sư trái ngành trong giảng dạy bậc CĐ. Ví dụ tại Trường ĐH Văn Hiến, theo báo cáo công tác thanh tra Bộ GD-ĐT vừa qua, hầu hết giảng viên của trường đều là cán bộ thỉnh giảng được mời từ các trường khác. Bởi vậy mới có thực trạng giảng viên tốt nghiệp ĐH ngành điện tử viễn thông và quản trị kinh doanh lại được phân dạy công nghệ thông tin bậc CĐ của trường cả lý thuyết và thực hành, các môn như: tin học căn bản, lập trình C…

Quản lý lỏng lẻo

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng: “Các quy định hiện nay của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT về vấn đề này quá chung chung và xưa cũ. Do không có quy định cụ thể về việc người học gì sẽ được dạy gì nên đây sẽ là kẽ hở để nhiều người hợp thức hóa bằng cấp của mình. Đành rằng với những đối tượng này, khi học cao hơn ở một ngành khác sẽ được yêu cầu học chuyển đổi kiến thức ở lĩnh vực ban đầu, nhưng thực tế vẫn không sâu rộng bằng giảng viên được đào tạo bài bản từ nền tảng đến chuyên sâu trong lĩnh vực đó”.

 

Ở góc độ khác hoàn cảnh của người giảng viên trong trường hợp này cũng rất éo le. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM nói: “Với những lĩnh vực trong nước chưa có mã ngành đào tạo nếu muốn người học phải đi nước ngoài học. Tuy nhiên, người học chỉ được cấp học phí với các chương trình trong nước. Còn với chương trình dài hạn ở nước ngoài, giảng viên phải chia sẻ gánh nặng kinh phí với nhà trường: 60% nhà trường và 40% giảng viên. Với mức kinh phí đó, không phải giảng viên nào cũng có điều kiện để đi học. Trong trường hợp này, việc phải học sang một chuyên ngành khác cao  hơn là điều không mong muốn của giảng viên”.

 

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hội Liên hiệp các trường ĐH, CĐ ngoài công lập) thì cho rằng: “Cần phải có sự quy định rõ về trình độ chuyên môn gắn với văn bằng của người giảng viên với các lĩnh vực họ giảng dạy. Bởi lẽ, nếu chỉ để hợp thức hóa văn bằng, người thầy có thể học lĩnh vực này nhưng dạy lĩnh vực khác thì rất tội cho sinh viên. Hệ quả để lại sẽ rất nghiêm trọng với người học, với chất lượng giáo dục nói chung”.

Trích luật Giáo dục

Luật Giáo dục năm 2005 điều 70, quy định nhà giáo phải đạt tiêu chuẩn rất chung chung: “đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ”. Tại điều 77 của luật này, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo cũng rất sơ sài: “Có bằng tốt nghiệp ĐH trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy ĐH, CĐ; có bằng thạc sĩ trở lên đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận văn thạc sĩ; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận văn tiến sĩ”.



Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (thanh niên)


Giảng viên trái ngành