Tại khu vực tư vấn tâm lý - gỡ rối hướng nghiệp của Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2011 ở TP.HCM ngày 19-2, gần 50% câu hỏi của các học sinh lớp 12 tập trung vào nội dung: “Làm sao để chọn được một nghề phù hợp với mình?”. Có phải thi cử cũng may rủi?
TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Điều quan trọng nhất trong việc chọn trường, chọn ngành là các bạn phải biết mình đang ở đâu, mình muốn trở thành người như thế nào, mình thích nghề gì, nếu thi đại học sẽ được bao nhiêu điểm...”.

Cơ hội cho học sinh trung bình

“Câu “học tài thi phận” chỉ để an ủi người học giỏi thi rớt chứ không phải an ủi người học dở. Khi thi thử bạn được 16 điểm mà chọn trường có điểm chuẩn 18 trở lên là quá sức mình rồi, tỉ lệ rớt là rất cao. Rớt sẽ có tâm lý chán nản. Thế nên cần phải lượng sức mình trước khi thi. Hãy bắt đầu chọn nghề trước, đến ngành học rồi sau đó đến chọn trường. Trước khi chọn, cần bình tĩnh, tự tin, lắng nghe ý kiến nhiều người xung quanh nhưng chính các bạn phải là người quyết định chứ không ai khác” - TS Đinh Phương Duy chia sẻ tại buổi tư vấn.

“Em có học lực trung bình nên không biết chọn ngành nào?” - một thí sinh đặt câu hỏi. Thông tin từ ban tư vấn: “Đại học là mục tiêu phấn đấu của các bạn học sinh nhưng không phải con đường duy nhất dẫn tới thành công. Bạn có thể học trung cấp chuyên nghiệp rồi sau đó học liên thông lên cao đẳng, đại học. Ngày nay, đã có nhiều giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng xuất thân từ trường trung cấp chuyên nghiệp. Có nhiều con đường để vào đại học là vì thế. Hiện nay, nhiều công nhân lành nghề nhưng vẫn được tôn là sư phụ vì họ lành nghề và thu nhập rất cao”.


Giải tỏa mọi băn khoăn chọn ngành - Ảnh 1

Hình minh hoạ

Những ngành học “nóng”

Trong khi đó, ở khu vực tư vấn nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ - y dược - nông lâm liên tục nóng lên với rất nhiều câu hỏi liên quan cơ hội việc làm ngành xây dựng. TS Nguyễn Thanh Nam, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), khẳng định: ngành xây dựng là một trong những ngành hấp dẫn hiện nay. Và điều đặc biệt, ngành này sẽ rất nóng trong vài năm tới.

Nhiều thí sinh rất quan tâm đến việc một số ngành có tên tương tự nhau như khoa học môi trường và công nghệ môi trường, khi học có khác nhau không. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng trả lời: “Đúng là ngành môi trường có rất nhiều tên khác nhau. Kỹ thuật môi trường nghiên cứu các kỹ thuật để xử lý môi trường. Công nghệ môi trường là ứng dụng các kỹ thuật đó để xử lý các vấn đề môi trường. Ngoài ra còn có ngành quản lý môi trường. Tốt nghiệp có thể làm ở sở tài nguyên - môi trường, khu công nghiệp, công ty... tùy theo hướng em chọn học như thế nào”. TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, ví von: “Ngành kỹ thuật môi trường học để biết môi trường ô nhiễm như thế nào, trong khi ngành công nghệ môi trường đi xử lý các vấn đề về môi trường”.

Đặc biệt trong ngày hội, rất nhiều thí sinh đặt câu hỏi liên quan đến các ngành y dược. Một thí sinh hỏi tại Trường đại học Y dược TP.HCM có hệ cử nhân, học cử nhân xong có thể học lên bác sĩ hay không? TS, BS Trương Tấn Trung cho biết: trường có tám nhóm ngành cử nhân và tốt nghiệp sẽ cấp bằng cử nhân đại học. Khi tốt nghiệp các bạn có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ theo chuyên ngành đã học chứ không thể học ngang qua bác sĩ.

Chọn ngành theo đam mê

Trong khi đó, cả hội trường tư vấn nhóm kinh tế - xã hội nhân văn - sư phạm - luật - báo chí - quân đội công an chiều 19-2 sôi lên với những tràng pháo tay giòn giã từ hàng ghế học sinh khi một bạn ở Củ Chi mạnh dạn bày tỏ ước mơ muốn làm nhà thơ, nhà văn phải học gì? Sống có đam mê và dám bày tỏ đam mê của mình, đó là điều đáng quý - TS Phạm Tấn Hạ chia sẻ. Có đến ba thành viên ban tư vấn trả lời câu hỏi này. Câu hỏi của bạn gợi mở câu chuyện “sống theo đam mê, sở thích có phần... khác người của mình có tốt không?”. ThS Lâm Tường Thoại cho rằng sở thích có thể thay đổi theo thời gian, sống theo đam mê nhưng cũng đừng chạy theo điều quá xa vời, cần tính đến những điều cần thiết cho đời mình, trong tầm tay mình.

Buổi tư vấn chiều 19-2 kéo dài như... bất tận khi ban tư vấn đã lên xe đi Bình Phước, chuẩn bị cho buổi tư vấn sáng chủ nhật 20-2, nhiều bạn học sinh vẫn tiếp tục vây quanh với những thắc mắc vào đời. Các thầy cô lại tiếp tục chia sẻ, tư vấn cho các bạn.

Kỹ năng mềm là gì?


Một số thí sinh băn khoăn nghe nói nhiều ngành cần có kỹ năng mềm nhưng các bạn không rõ kỹ năng mềm của từng ngành là gì. TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, tư vấn: Nhiều bạn cũng quan tâm đầu ra của mỗi ngành, đó là cơ hội việc làm. Kỹ năng mềm quyết định đến việc tuyển dụng của bạn, dựa vào những kỹ năng ngoài chuyên môn của bạn. Đặc biệt, nếu đi vào những ngành chuyên sâu nghiên cứu, bạn cần bàn tay khéo léo để sử dụng các thiết bị tinh vi, cần cù chịu khó là những kỹ năng mềm.

Với những ngành xã hội thì cần giao tiếp tốt, sử dụng thành thạo ngoại ngữ, ứng dụng tin học. Một số ngành khác còn đòi hỏi kỹ năng lập trình, tính toán... Các nhà tuyển dụng, đặc biệt nhà tuyển dụng nước ngoài, yêu cầu rất cao ở kỹ năng mềm.

Nguyện vọng 1B vào ĐHQG TP.HCM


TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Nguyện vọng (NV) này tạo điều kiện cho thí sinh chưa trúng tuyển được xét tuyển vào ngành khác cùng trường. Phía sau giấy báo dự thi sẽ có hướng dẫn đăng ký NV1B. Tuy nhiên, chỉ có một số ngành khó tuyển mới có NV1B. NV này là tự nguyện, không ép buộc, chỉ xét đối với những thí sinh có NV. Việc đăng ký sẽ được xét tuyển ngay tại phòng thi. Những trường nào của ĐHQG TP.HCM có xét tuyển NV1B sẽ được thông báo rõ trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2011. Nếu thí sinh không trúng tuyển NV1B vẫn được cấp giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh để xét tuyển NV2, 3 như khi dự thi vào các trường ĐH khác”.



NHÓM PV GIÁO DỤC - Tuoitre