Không bỏ qua ý nào của thí sinh

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định: “Thang điểm 20 trong khi đáp án vẫn chi tiết tới 0,25 điểm thì sẽ khiến người ra đề và người chấm thi vất vả hơn nhưng thí sinh lại được lợi vì chấm thi rất chính xác. Người chấm sẽ không thể bỏ qua một ý nào mà thí sinh làm được, thậm chí khi chúng ta chẻ đôi mức điểm ra như vậy thì các em làm được nửa ý thôi là đã có điểm”.

Dự thảo quy chế thi 2015: Nhiều điểm có lợi cho thí sinh

Cán bộ chấm thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Minh nói thêm việc chẻ nhỏ điểm như vậy còn có lợi cho học sinh trong quá trình xét tuyển. “Ví dụ các năm trước, trường chúng tôi có những khi tính điểm chuẩn rất khó khăn, bởi vì nếu giữ mức điểm A thì còn thiếu 20 chỉ tiêu nhưng chỉ cần hạ xuống 1/2 điểm thì lại có khoảng 100 em đạt mức điểm đó và như vậy là vượt quá chỉ tiêu cho phép. Thế nên cũng đã có trường hợp đành chấp nhận giữ mức điểm chuẩn tuyển sinh thiếu một chút còn hơn là hạ xuống mà số thừa ra lại quá nhiều. Khi chúng ta tính thang điểm 20 và chi tiết tới 0,25 thì giải quyết tình huống như trên chắc chắn sẽ dễ dàng hơn”, ông Minh nói.

Ông Trương Tiến Tùng, Phó viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội, cho biết: “Trong những thay đổi, tôi thấy việc thay đổi thang điểm 20 và đáp án chi tiết tới 0,25 điểm là một cách làm trước hết vì quyền lợi người học”. Ông Tùng giải thích việc này khiến cho bước chấm thi tăng lên gấp đôi so với trước kia. Trước kia đáp án chi tiết là 0,25 nhưng thang điểm 10, nay thang điểm tăng lên gấp đôi nhưng mức điểm thấp nhất vẫn giữ nguyên. Điều này có thể hình dung là trước kia chúng ta có 40 bước trong quá trình chấm thi thì nay tăng lên 80 bước. Bài thi của thí sinh sẽ được chấm cặn kẽ, chi tiết hơn.

Cần phương án kỹ thuật cụ thể để giảm ảo

Theo ông Minh, mỗi đợt xét tuyển thí sinh có 4 nguyện vọng vào 4 ngành khác nhau của một trường sẽ không thể tránh được số thí sinh ảo nhưng tìm phương án nào không có thí sinh ảo thì rất khó.

Theo ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, dự thảo quy chế về cơ bản là tốt. Vấn đề cần xử lý chủ yếu về mặt kỹ thuật. Ví dụ, Bộ phải làm rõ: có 4 đợt xét tuyển thì nếu trúng tuyển ở đợt 1 rồi có được đăng ký xét tuyển ở những đợt sau nữa hay không? Hay cho phép xét tuyển cả 4 đợt rồi thí sinh sẽ cân nhắc, lựa chọn trường nào phù hợp nhất với khả năng của mình?

Còn việc có 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường thì chúng ta cho thí sinh nhiều cơ hội hơn. Tất nhiên quy định này sẽ làm các trường vất vả hơn trong khâu xét tuyển và số lượng đăng ký ảo có lẽ còn lớn hơn các năm trước nhưng phần mềm tuyển sinh của trường có thể xử lý được, không có gì khó khăn. Thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường nào thì Bộ chuyển dữ liệu đó về cho các trường đó và để các trường tự xử lý các nguyện vọng vào từng ngành của thí sinh. Việc có coi trọng thứ tự nguyện vọng của từng ngành hay không sẽ do mỗi trường quyết định.

Ông Phú cũng cho rằng việc Bộ dự kiến mỗi trường không có quá 25% tổ hợp môn thi mới khác với khối thi truyền thống là phù hợp. Bởi vì học sinh định thi khối thi nào các em cần có thời gian chuẩn bị, thậm chí ngay từ khi vào lớp 10. Do đó, nếu chúng ta thay đổi tổ hợp môn thi quá nhiều thì sẽ gây sốc và học sinh không đủ thời gian chuẩn bị kiến thức phù hợp để đăng ký vào những ngành mà mình yêu thích.

Còn ông Trương Tiến Tùng nhận định ở khâu xét tuyển, việc tăng thêm cơ hội và nguyện vọng cho thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển là cần thiết. Nhưng cách làm này cũng đòi hỏi các trường phổ thông phải làm tốt hơn nữa công tác hướng nghiệp cho học sinh để tránh việc đăng ký ảo. Bên cạnh làm tốt công tác hướng nghiệp, theo ông Tùng, Bộ cũng cần sớm đưa ra được quy định về phân tầng trường ĐH, xác định rõ trường nào là ĐH nghiên cứu, trường nào là ĐH ứng dụng để thí sinh căn cứ vào đó lựa chọn trường phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình.

Thay đổi, cần có thời gian chuẩn bị

Thang điểm nào cũng có những ưu và khuyết. Mỗi thang điểm còn tác động đến quy trình biên soạn đề thi, đáp án và cách chấm điểm... Thang điểm mới cũng hợp lý nhưng tính từ lúc Bộ ban hành quy chế cho đến lúc thi thời gian chỉ tính bằng một học kỳ và không phải mỗi lần muốn thay đổi là thay đổi. Chi bằng Bộ nên lấy ý kiến rộng rãi, có thời gian chuẩn bị cho tốt để áp dụng cho kỳ thi năm sau.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc (phụ huynh Trường THPT Long Trường, Q.9, TP.HCM)

Nếu cấp bách hãy thay đổi

Học sinh lớp 12 chúng em năm nay phải đối mặt với quá nhiều thay đổi gấp gáp của các kỳ thi quan trọng. Nếu không phải là điều cấp bách, em mong Bộ sẽ không thay đổi thang điểm trong năm nay hoặc làm dần từng bước để chúng em có thể ổn định tâm lý, vững vàng vượt qua kỳ thi.

P.T.Hoài (học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Theo Báo Thanh niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/du-thao-quy-che-co-loi-cho-thi-sinh-519442.html

Từ khóa: Dự thảo quy chế, tuyển sinh 2015, xét tuyển đại học