3 kì thi đầu vào của các trường ĐH Mỹ bạn phải tham gia khi du học Mỹ
1. Thi Placement Test
Placement Test là các kì thi được tổ chức bởi các trường đại học Mỹ để đánh giá trình độ của học sinh trong những môn học cụ thể, để giảm thiểu việc học lại những kiến thức học sinh đã học, và để giảm thiểu việc học sinh vào học các môn học vượt quá khả năng của học sinh, dành cho học sinh sắp nhập học hoặc mới nhập học vào các đại học Mỹ và bắt buộc đối với các học sinh này. Các môn học thường được kiểm tra trong các kì thi này là các môn khoa học tự nhiên, một môn về kĩ năng đọc, và một môn về kĩ năng viết.
Ở phần lớn các trường đại học, các kì thi này được tổ chức trên mạng, vào mùa hè trước lúc nhập học hoặc trong những tuần đầu của năm học đầu tiên. Các kì thi này không đem lại tín chỉ và không được dùng để hoàn thành các yêu cầu về môn học hoặc tín chỉ để tốt nghiệp.
Kết quả các kì thi này tác động đến các môn học bạn được học. Cụ thể hơn, nếu kết quả của bạn cao hơn các ngưỡng nào đó được quy định trước, bạn sẽ được miễn học một số môn học cấp thấp và được vào học các môn học cấp cao hơn, và nếu kết quả của bạn thấp hơn các ngưỡng nào đó được quy định trước, bạn phải học một số môn học bổ trợ hoặc các môn học cấp thấp trước khi học các môn cao hơn.. Các trường đại học Mỹ đều ghi rõ các quy định và các ngưỡng trong thông báo dành cho học sinh sắp nhập học.
Nhìn chung bạn chỉ cần ôn lại các kiến thức bạn đã học ở chương trình phổ thông và không cần học thêm kiến thức gì mới, vì như đã trình bày, các kì thi này chỉ được dùng để đánh giá trình độ của bạn, hoặc nói cách khác là kiểm tra những kiến thức bạn đã biết.
Trong trường hợp kết quả các kì thi đầu vào của bạn thấp hơn trình độ thực sự của bạn hoặc bạn bị bắt học các môn học mà bạn tin là thấp hơn khả năng của bạn, bạn có thể liên lạc với trường để trình bày trường hợp của bản thân và xin tham gia lại các kì thi này. Ở nhiều trường đại học, vào đầu các môn học ở đầu năm nhất, các giáo viên vẫn yêu cầu học sinh làm các kì thi đầu vào du học Mỹ để xác nhận một lần nữa các học sinh học môn học phù hợp. Bạn cũng có thể tận dụng cơ hội này để đạt kết quả tốt hơn.
Du học sinh Mỹ cần tham gia những kì thi đầu vào nào?
2. Thi Test Out
Thi Test Out là tham gia các kì thi của các khoa trong trường để vượt qua các môn học cụ thể thuộc các khoa đó. Các kì thi này là không bắt buộc. Nếu bạn vượt qua các kì thi này, bạn không phải học các môn học mà bạn thi Test Out, được điểm A hoặc S cho các môn học này, được hưởng tín chỉ của các môn học này và dùng các kết quả này để hoàn thành các yêu cầu về môn học hoặc tín chỉ để tốt nghiệp. Nếu bạn không vượt qua các kì thi này, kết quả các kì thi này không được tính vào bảng điểm, và vì vậy không ảnh hưởng đến điểm trung bình (GPA) của bạn.
Việc thi Test Out có các ưu điểm:
- Bạn có thể chọn thi Test Out cho các môn học nằm trong khả năng của bạn. Nhiều môn học trong chương trình năm nhất, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên, có khối lượng kiến thức giống với khối lượng kiến thức ở các môn học tương tự trong chương trình phổ thông Việt Nam.
- Bạn có thể chọn thi Test Out cho các môn tự chọn (General Electives). Nhiều môn học tự chọn hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn, và bạn hoàn toàn có thể tự học. Sau khi thi Test Out các môn tự chọn, bạn có thể tập trung hoàn toàn vào các môn chuyên ngành.
- Nếu bạn vượt qua các kì thi này, thời gian học ở trường của bạn sẽ giảm xuống. Bạn có thể tốt nghiệp và bắt đầu con đường sau đại học sớm hơn thường lệ.
- Nếu bạn vượt qua các kì thi này, chi phí cho việc học của bạn sẽ giảm xuống. Chi phí này bao gồm cả tiền học phí và tiền ăn ở. Ở một số trường, học phí phụ thuộc vào số môn học và số tín chỉ của bạn trong một học kì, và nếu bạn được miễn học các môn bằng cách vượt qua các kì thi Test Out, bạn không phải trả tiền học phí cho các môn này. Chi phí ăn ở của bạn giảm xuống vì thời gian học ở trường của bạn giảm xuống.
- Nếu bạn không vượt qua các kì thi này, điểm trung bình của bạn không bị ảnh hưởng.
- Nếu bạn muốn giảm thời gian học ở trường, hoặc muốn giảm chi phí cho việc học ở đại học Mỹ của bạn, bạn nên thi Test Out. Tuy nhiên, nếu bạn muốn dành thời gian để thích nghi với môi trường sống của việc học tập tại Mỹ, hoặc muốn có thêm thời gian rèn luyện tiếng Anh, hoặc muốn học tất cả các môn học để nắm vững cơ bản, bạn không nên thi Test Out.
Nếu bạn quyết định thi Test Out, bạn nên chuẩn bị theo các bước sau:
- Lên danh sách tất cả các môn học bạn muốn học và phải học trong quá trình học đại học của bạn.
- Tìm danh sách nội dung, kiến thức (syllabus) cho tất cả các môn học đó.
- Xác định môn học bạn muốn thi Test Out, dựa vào kiến thức có sẵn và khả năng của bạn.
- Tìm hiểu chính sách và quy định của trường về việc thi Test Out trên Google và trên website của trường. Khi tìm trên website, bạn có thể tìm bằng các cấu trúc từ khóa như sau:
- Tên trường + môn học + credit by exam.
- Tên trường + môn học + test out.
- Tên trường + môn học + accreditation examination.
Ở nhiều trường đại học, các thông tin về thi Test Out không được công bố trên mạng. Trong trường hợp đó, bạn nên tìm email của Undergraduate Advisor, Department Chair, hoặc Dean of Department.
Khi tìm hiểu thông tin, bạn cần tìm hiểu rõ các vấn đề sau:
- Các khoa trong trường có tổ chức thi Test Out không.
- Đối tượng thi Test Out. Một số trường chỉ cho phép học sinh chuyển tiếp (transfer student) tham gia các kì thi này.
- Thời gian thi Test Out. Một số trường chỉ tổ chức thi Test Out vào một khoảng thời gian nhất định trong năm, ví dụ như trong một tháng hoặc hai tháng đầu năm học.
- Các kiến thức cần cho bài thi Test Out. Các kiến thức này có thể có khác biệt với các kiến thức xuất hiện trong môn học mà bạn thi Test Out.
- Chi phí thi Test Out gồm: Chính sách về học phí và tín chỉ. Một số trường miễn tiền học phí cho các môn bạn được miễn bằng cách thi Test Out, nhưng một số trường vẫn tính học phí các môn đó. Chính sách về điểm thi và điểm trung bình. Bạn cần xác định rõ nếu bạn vượt qua kì thi Test Out, bạn có được tính điểm cho môn học bạn đã thi Test Out vào điểm trung bình và bảng điểm hay không, và nếu có thì được tính điểm gì.
3. Thi CLEP
Kết quả CLEP được chấp nhận quy đổi sang tín chỉ môn học ở khoảng 2900 trường đại học. Phần lớn các trường đại học chấp nhận quy đổi kết quả CLEP sang tín chỉ của môn học tương đương với môn học bạn thi nếu kết quả môn thi CLEP là trên 20, nhưng nhiều trường đặt ra ngưỡng tối thiểu riêng. Nếu kết quả CLEP được quy đổi sang tín chỉ cho môn tương đương, bạn không phải học các môn học mà bạn thi, điểm cho môn học đó là T (transfer) và không được tính vào điểm trung bình (GPA), được hưởng tín chỉ của các môn học này và dùng các kết quả này để hoàn thành các yêu cầu về môn học hoặc tín chỉ để tốt nghiệp. Nếu bạn không vượt qua các kì thi này, kết quả các kì thi này không được tính vào bảng điểm, và vì vậy không ảnh hưởng đến điểm trung bình (GPA) của bạn.
Trước khi thi, bạn cần tìm hiểu xem trường có chấp nhận kết quả CLEP không, và nếu có thì chính sách và quy định của trường là như thế nào. Khi tìm hiểu thông tin, bạn cần tìm hiểu rõ các vấn đề sau:
- Chính sách về học phí và tín chỉ. Một số trường miễn tiền học phí cho các môn bạn được miễn bằng cách thi CLEP, nhưng một số trường vẫn tính học phí các môn đó.
- Chính sách về điểm thi và điểm trung bình. Bạn cần xác định rõ nếu bạn vượt qua kì thi Test Out, bạn có được tính điểm cho môn học bạn đã thi CLEP vào điểm trung bình và bảng điểm hay không, và nếu có thì được tính điểm gì.
- Yêu cầu phần bài luận không bắt buộc. Một số trường quy định rằng để điểm CLEP được chấp nhận thì học sinh phải hoàn thành phần bài luận không bắt buộc trong bài thi.
Hướng dẫn mua sách giáo khoa học tập tại Mỹ vừa rẻ vừa chất lượng
Sau khi bạn chọn môn học cho một học kì, trường sẽ cung cấp tên sách, tên tác giả cho các sách bạn cần. Tuy nhiên, bạn không nên mua sách trước khi bắt đầu vào học. Thay vào đó, bạn nên mua sách sau khi đã đi học tuần đầu tiên và biết được những hướng dẫn cụ thể của giáo viên về sách. Các hướng dẫn có thể là về ấn bản (edition) được dùng trong môn học, về việc bạn có bắt buộc phải có sách giáo khoa hay không, hoặc về việc môn học sẽ dùng bao nhiêu phần của những quyển sách. Nói cách khác, nếu bạn mua sách trước khi vào học, bạn có thể mua sai ấn bản, hoặc tiêu phí một số tiền vì giáo viên không bắt buộc bạn phải có sách giáo khoa.
Trước khi mua sách, bạn cần nắm vững tất cả các thông tin sau về sách:
- Tên đầy đủ của sách
- Tên đầy đủ của các tác giả
- Ấn bản (edition) mà giáo viên yêu cầu
- Năm xuất bản
- Mã ISBN
- Khi mua, bạn nên chọn ấn bản cho du học sinh quốc tế (International Edition) hoặc ấn bản cũ, vì ấn bản này có nội dung giống với ấn bản thường nhưng có giá rẻ hơn. Tuy nhiên, bạn cần hỏi giáo viên trước khi mua xem các ấn bản này có phù hợp với môn học không.
Bạn cũng có thể lên trang ratemyprofessors.com để xem kinh nghiệm mua sách cho môn học của những giáo viên cụ thể.
Nhìn chung bạn không nên mua sách ở hiệu sách của trường, vì bạn có thể mua sách giáo khoa từ các nguồn khác với giá rẻ hơn nhiều.
- Nếu bạn mua sách mới, bạn nên mua sách trên các trang web bán sách thay vì sách ở các hiệu sách ở trường, vì sách ở các trang mạng trực tuyến rẻ hơn thường sẽ rẻ hơn. Các trang mua bán và cho thuê sách trực tuyến nổi tiếng nhất là Amazon, Chegg, Barnes & Noble, BookByte, Cash4Books, Valore, Half.com, AbeBooks và Alibris. Bạn cũng có thể tham khảo trên trang Dealoz vì trang này sẽ giúp bạn so sánh giá sách được bán trên các trang web khác nhau và giá của các ấn bản, từ đó tìm được sách rẻ và phù hợp với nhu cầu của bạn nhất. Tuy nhiên, khi mua sách trên mạng, bạn cần tính cả tiền vận chuyển (shipping) vào giá sách khi đưa ra quyết định. Nói cách khác, giá của những quyển sách trên mạng có thể thấp hơn giá của những quyển sách ở hiệu sách trường, nhưng giá của những quyển sách trên mạng cộng với chi phí vận chuyển có thể cao hơn.
- Bạn có thể mua sách cũ, vì sách cũ rẻ hơn sách mới. Đối với lựa chọn này, bạn có thể mua ở hiệu sách trường, mua trên các trang web bán sách, hoặc mua từ học sinh các khóa trước trong trường. Để mua từ học sinh các khóa trước, bạn có thể tham gia các diễn đàn dành cho học sinh ở các đại học Mỹ như collegeconfidential, tham gia các Facebook group của học sinh các thế hệ trước trong trường, hoặc tham gia các Google groups về việc mua bán sách và đồ dùng cũ của học sinh trong trường bạn. Các học sinh khi muốn bán lại sách hoặc vật dụng cá nhân cũng thường mass email (gửi thư cho học sinh toàn trường) để rao bán, nên bạn cũng có thể sử dụng kênh thông tin này trong việc mua sách cũ.
- Bạn nên kiểm tra xem bạn có thể mượn những quyển sách bạn cần từ thư viện trường không. Sau khi mượn sách, bạn có thể scan sách thành file pdf, photocopy sách, hoặc chụp ảnh lại sách. Bạn chỉ nên sử dụng cách này khi môn học của bạn không sử dụng hết cả quyển sách mà chỉ sử dụng một số phần trong quyển sách.
- Bạn có thể tải sách về trên mạng. Tuy nhiên, không phải sách nào cũng có bản pdf trên mạng, và trong trường hợp có thì bạn có thể vẫn phải trả tiền để tải sách. Nếu sách bạn cần tìm có ở dạng link torrent, bạn nên tải khi ở Việt Nam hoặc nhờ người ở Việt Nam tải về và gửi cho bạn, vì bạn không được phép sử dụng torrent khi ở Mỹ.
- Bạn có thể thuê sách từ hiệu sách của trường. Lựa chọn này có một bất lợi là bạn không thể bán sách bạn đã dùng để lấy tiền được.
Nói chung, sách giáo khoa có vai trò quan trọng cho việc học, nhưng bạn cũng không cần tốn quá nhiều tiền cho nó.
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, học bổng du học Mỹ, visa du học mỹ việc làm thêm khi chọn du học Mỹ có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các dich vu tu van du hoc uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.