Sự kiện: Du họctư vấn du họchọc bổng du họcdu học Nhật

Tôi sẽ không kể về những hậu quả khủng khiếp mà thảm họa động đất và sóng thần đã gây ra cho nước Nhật, cũng không nói về những tòa nhà và tháp Tokyo cao trọc trời, về sự hiện đại của hệ thống giao thông cùng những nỗ lực cải thiện môi trường kinh tế của người Nhật sau “một thập niên bị đánh mất” mà chỉ kể về những chuyện cỏn con diễn ra hàng ngày ở đất nước này. Nhưng nghiệm ra người Nhật nhờ nghiêm túc, kỷ cương từ những việc cỏn con ấy, họ mới có được một nước Nhật hiện đại, văn hóa như ngày nay và nhanh chóng vươn lên vị trí số hai về kinh tế trên thế giới.

Tháng 3 đối với người Nhật tôi có cảm giác giống như tháng Chạp của ta. Cùng với hoa anh đào nở rộ đẹp ngất ngây, người Nhật tất bật chuẩn bị cho một năm mới: Năm tài chính, năm học, mùa xin việc.

Gặp bà Hori ở tỉnh Chiba, cô giáo Uchida tại Trường Đại học Hagoromo hay Giám đốc Công ty Masutani ở thành phố Wakayama – cực Nam của Nhật Bản… tôi đều nhận được câu hỏi: “Ấn tượng nào lớn nhất khi bạn tới Nhật Bản?”

Thú thật là tôi không biết trả lời thế nào bởi nếu làm phép liệt kê, tôi có thể kể ra rất nhiều từ sự sạch sẽ đến độ cả tuần đi bộ tôi vẫn chưa phải đánh lại giày, từ những lối đi, cầu thang máy, nhà vệ sinh đều được thiết kế để người khuyết tật có thể sử dụng đến ý thức của người dân ở những nơi công cộng và sự hiện đại của hệ thống giao thông… Bên cạnh đó, những cửa hàng quần áo, mỹ phẩm, siêu thị đầy hàng chuẩn bị cho một năm mới, những chiếc xe taxi Crown láng bóng lao vút trên đường… Vì vậy, để chọn một ấn tượng lớn nhất không phải là điều dễ dàng.

Làm hết việc chứ không phải hết giờ

Và tôi đã tìm cho mình câu trả lời chính xác nhất, đó là cách người Nhật thực hiện công việc của mình. Trước khi đến với đất nước này, tôi đã nghe nhiều về tính cách đặc biệt của người Nhật và phần nào cảm nhận được điều đó qua các con tôi. Chúng đều đã và đang du học, lao động và thành đạt nhờ sự giáo dục toàn diện ở nơi này. Điều mà mọi người dễ dàng nhận thấy khi đến đất nước hoa anh đào là tuân thủ giờ giấc dường như là một quy tắc tuyệt đối.

Nếu bạn nhận được lời mời tham dự cuộc họp vào lúc 10 giờ sáng có nghĩa là bạn phải xuất hiện ở phòng họp muộn nhất là 9 giờ 50. Đơn giản, vì bạn không thể đến sau các quan khách đến dự họp, mà các quan khách thì thường đến dự họp sớm hơn 5 phút so với giờ thông báo. Năm ngoái sang Việt Nam, Giáo sư Kimura, giảng viên trường Đại học Nagoya đã phàn nàn với tôi rằng thầy phải đợi 32 phút khi đến làm việc với một cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mặc dù trước đó cán bộ này đã hẹn thầy làm việc lúc 15 giờ.

Tuân thủ giờ giấc càng được tôn trọng đặc biệt với các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là tàu điện, nó chính xác đến nỗi nếu đến muộn 1 phút là bạn sẽ bị nhỡ tàu. Tại các khu phố, khu dân cư đều có cửa hàng mở cửa 24/24 giờ để người dân mua bán, rút tiền, đóng tiền điện, nước, điện thoại… Mọi thứ đều được tính toán để phục vụ tối đa cuộc sống của con người. Vì vậy, lỗi là do con người chứ không thể đổ cho bất kỳ điều gì.

Du học Nhật Bản qua cái nhìn của một phụ huynh

Du học Nhật Bản qua cách nhìn của một phụ huynh du học sinh.

Làm việc về muộn cũng là một tác phong phổ biến ở Nhật Bản, không chỉ đối với người lớn tuổi mà đối với cả các bạn trẻ. Có thể ở một nơi nào đó trên thế giới, nếu bạn đi làm về muộn có nghĩa là bạn làm việc không hiệu quả, do không hoàn thành công việc đúng giờ, nhưng ở đất nước mặt trời mọc này, trên những chuyến tàu điện ngầm, thậm chí vào lúc 12 giờ khuya, những nhân viên công ty với chiếc áo veston, cặp da mới trên đường về nhà là một hình ảnh quen thuộc.

Đến nhà máy sản xuất thiết bị lạnh ở thành phố Wakayama do ông Masutani làm Giám đốc. Lúc 20 giờ, những nhân viên trong trang phục áo xanh vẫn cần mẫn làm việc. Ông Masutani cho biết: “Từ lâu, người Nhật đã có thói quen làm hết việc chứ không phải hết giờ”.

10 giờ, tôi theo hai sinh viên Việt Nam đến gia hạn visa tại Văn phòng Cục Quản lý nhập cảnh Tokyo. Dòng người rồng rắn xếp hàng trong trật tự, yên lặng đợi đến lượt. Tôi cứ nghĩ phải cuối giờ làm việc buổi chiều các bạn trẻ này mới lấy được visa du học, song các nhân viên ở đây đã làm việc qua trưa và chỉ 12 giờ 50 phút, hai sinh viên đã cầm trong tay visa với thời hạn lưu trú 1 năm.

Ông Akimoto, một doanh nhân thành đạt cho biết, khối lượng công việc nhiều và nỗ lực vượt qua khó khăn từ lâu đã tạo ra thói quen này cho người Nhật Bản. Thậm chí, giờ đây nó còn trở thành một nét văn hóa, một hình ảnh quen thuộc ở các công sở hay văn phòng. Nếu một người thường xuyên về nhà sớm, hàng xóm sẽ nói anh ta thiếu năng lực làm việc, còn vợ anh ta sẽ lo ngại có “vấn đề gì đó” ở công ty đang xảy ra đối với chồng mình. Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng đó là sự thật hàng ngày diễn ra ở xứ sở hoa anh đào này.

Ý thức nơi công cộng

Tokyo Disneyland là một trong 5 công viên lớn nhất của thế giới và là khu vui chơi giải trí lớn nhất của Nhật Bản. Mặc dù không phải là ngày nghỉ cuối tuần nhưng người đến chơi đông như hội.

Với 5.500 yên (tương đương 50 USD) vé vào cửa, bạn có thể chơi ở đó suốt ngày với 44 trò chơi hấp dẫn, mạo hiểm phù hợp với mọi lứa tuổi. Đặc biệt trong công viên hàng ngày còn diễn ra các cuộc diễu hành rất hoành tráng, đẹp mắt của các con vật máy ngỗ nghĩnh như chuột Mickey, vịt Donald và nhiều chuyện cổ tích, hoạt hình nổi tiếng khác dành cho trẻ em. Đông người như vậy, song không một cọng rác, không một mẩu thuốc lá, từ sáng đến tối công viên Disneyland đều sạch như lau. Tôi đã chứng kiến các cháu bé cúi xuống nhặt bỏng ngô đánh rơi ném vào thùng rác hay một cụ bà Nhật đưa tay cầm giấy kẹo đi mấy chục mét bỏ vào thùng rác hộ một thanh niên ngoại quốc đang ngơ ngác đi tìm nơi để rác… Nếu bạn vô ý đánh rơi cái gì, người đi sau sẽ nhặt lên và đuổi kịp bạn để trả lại và cúi đầu cảm ơn.

Xếp hàng là một nếp sống, là lẽ thường tình rất văn minh của người Nhật Bản. Ăn sáng, ăn tối ở khách sạn cũng xếp hàng, mua hàng, lên tàu, lên ô tô buýt cũng xếp hàng. Thậm chí thanh toán và đi toilet cũng không thể thoát được cảnh đó. Song tuyệt nhiên không có cảnh chen ngang, xô đẩy nhau, từ người già đến trẻ nhỏ, tất cả đều bình thản nhẹ nhàng và kiên nhẫn chờ đợi, một sự kiên nhẫn lạ lùng.

Ý thức của người dân còn thể hiện rất rõ trên các phương tiện giao thông công cộng. Trên tàu, không ai nói chuyện to, không sử dụng điện thoại. Nếu không đọc sách hoặc ngủ thì yên lặng để không ảnh hưởng đến người khác. Sơ ý đụng nhẹ vào người nhau là cúi đầu xin lỗi. Không ai ngồi vào ghế dành riêng cho người già, trẻ em, người tàn tật. Để quên ví hay túi xách trên tàu, chỉ cần gọi điện thoại báo với nhà ga, hôm sau sẽ có người mang đến tận nhà trả đầy đủ, không thiếu một xu. Tại các ngã tư đường, tất cả lái xe đều đi chậm lại, nhường nhau qua trước, người được nhường đường cúi đầu cảm ơn trước khi nhấn ga. Ngoài hệ thống đèn tín hiệu xanh đỏ, còn có tiếng cúc cu báo hiệu qua đường cho người khiếm thị…

Hệ thống giao thông Nhật Bản không chỉ phát triển ở đô thị, ở các thành phố lớn mà còn rất đồng bộ ở nông thôn, hải đảo mà đảo Okinawa là một ví dụ. Từ Naha (sân bay của Okinawa), bạn có thể bay đến bất cứ thành phố nào trong nước. Chỉ có 1,3 triệu dân, song hòn đảo này có cả tàu điện nổi và tàu điện ngầm. Người ta còn thiết kế con đường rất thuận tiện và an toàn cho người già, người tàn tật, trẻ em để có thể vào thăm quan các hang động.

Sự giáo dục toàn diện

Trung tâm nông nghiệp Nagoya giống như một khu công viên rộng lớn với nhiều loại cây, hoa và vật nuôi. Là ngày nghỉ cuối tuần nên rất đông người đến xem, chủ yếu là trẻ em. Vừa lái xe đưa chúng tôi vào thăm khu nuôi bò sữa, Giáo sư Kimura vừa giải thích: "Để giúp trẻ em thành phố hiểu biết công việc của những người nông dân và có điều kiện tiếp xúc với các con vật cùng cuộc sống của chúng, các thành phố của Nhật đều xây dựng các trung tâm nông nghiệp. Đến đây, các em nhỏ có thể tận mắt nhìn thấy chú gà con xinh xắn chui ra từ vỏ trứng hoặc vuốt ve những chú dê con, thỏ con, rồi ngồi lên những quả bí đỏ nặng vài chục cân, ngắm nghía những bông hoa hồng đủ màu sắc do lai tạo". Nơi đây người ta cũng dạy cho trẻ biết: Cốc sữa các em uống hàng ngày là do những chú bò kia mang lại, chiếc bánh làm từ gạo các em ăn là do các bác nông dân làm ra…Giáo dục ý thức tự lập từ nhỏ và tình yêu lao động đã trở thành truyền thống trong nhà trường ở Nhật Bản. Điều này đã tạo ra nhiều lao động có trình độ học vấn cao và có năng lực giúp đất nước “mặt trời mọc” đạt được tăng trưởng kinh tế diệu kỳ, làm cả thế giới phải thán phục.

Sang Việt Nam mở Trường mầm non tư thục Hoa Anh Đào nuôi dạy trẻ em Nhật Bản tại Hà Nội, cô giáo Sakura và các đồng nghiệp đã để lại ấn tượng đẹp cho khách bởi phương pháp giảng dạy và tinh thần trách nhiệm. Chỉ ở độ tuổi 3, 4, song tất cả các cháu đều tự lập từ việc ăn, uống, rửa tay, vệ sinh cá nhân đến việc trải đệm, đi ngủ. Lễ tốt nghiệp của trường mới đây cũng được tổ chức rất trang trọng và cảm động, chẳng khác gì lễ tốt nghiệp của các sinh viên Đại học. Các bé mặc âu phục chỉnh tề, cà vạt đứng nghiêm nghe cô giáo đọc lời nhận xét quá trình học tập. Sau đó được tặng hoa, trao bằng tốt nghiệp rồi phát biểu cảm tưởng. Không chỉ có vậy, các học kỳ, trường còn tổ chức các hội thi múa hát, thể dục thể thao, vẽ tranh và triễn lãm tranh theo các chủ đề. Sakura bảo rằng, ở Nhật, lễ tốt nghiệp được coi là dấu ấn rất lớn trong cuộc đời, vì vậy phải làm rất chu đáo, trang trọng. Nghiệm ra, việc gì người Nhật cũng chi li, tinh tế, ngăn nắp.

“Các bạn đừng khen chúng tôi nhiều quá mà hãy nhìn vào cả những yếu kém của chúng tôi”, ông Fukayama, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam –Wakayama đã nói như vậy khi đưa chúng tôi đi thăm thành phố nông nghiệp Wakayama. Sau một thập niên (1993-2003), kinh tế trì trệ mà người Nhật Bản gọi là “Thập niên bị đánh mất”, đang được khôi phục lại bởi sự nỗ lực phi thường của mỗi người dân từ những việc nhỏ bé, cỏn con hàng ngày. Chương trình tái thiết tài chính, tái thiết công nghiệp nhằm áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn trong định giá tài sản, giảm nợ xấu ngân hàng, hỗ trợ xây dựng lại doanh nghiệp thông qua sắp xếp lại hoạt động đang có bước chuyển dịch lớn trong nền kinh tế của quốc gia 127 triệu dân này.

Ngồi trên tàu siêu tốc ra sân bay Nagoya – một trong những sân bay lớn được xây dựng trên biển bay về Việt Nam, tôi không khỏi trầm trồ, thán phục trước ý chí ngoan cường và sự vĩ đại của người Nhật. Bất giác, tôi nhớ tới câu nói của bà Wada gầy yếu, hơn 50 tuổi, một mình sống trên núi đang hàng ngày chống chọi với căn bệnh ung thư: “Không bao giờ được chùn bước trước khó khăn, không bao giờ được nói không làm được việc này. Tôi sẽ khỏi bệnh và tiếp tục học Đại học”. Rồi hình ảnh ông Suruki hàng ngày bật đài học tiếng Anh, tiếng Đức khi đã sang tuổi 60 để trở thành hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hình ảnh các cụ già cặm cụi làm việc trong các công viên, siêu thị hay ga tàu điện ngầm cùng những nhân viên hành chính làm việc thông trưa, những công nhân quả cảm quên mình xông vào nhà máy điện hạt nhân khắc phục sự cố phóng xạ, tinh thần và sự đoàn kết của người Nhật trước thảm họa kép năm ngoái cứ đeo đuổi tôi. Sau chuyến đi này tôi càng hiểu rằng, người Nhật nhờ nghiêm túc từ những việc tưởng như cỏn con ấy những đã tạo ra sức mạnh phi thường để đưa nước Nhật nhanh chóng gượng dậy sau chiến tranh và giờ đây đã trở thành quốc gia hùng mạnh, điển hình về tinh thần dân tộc và tính cộng đồng đã khiến cả thế giới khâm phục.


Kênh tuyển sinh (Theo GDHS)