Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh, Thông tin tuyển sinh

 

Tin liên quan:

dtdd_van_duoc_hoc_sinh_su_dung_trong_lop_hoc

Sử dụng ĐTDĐ trong giờ học

 

Theo quy định của hầu hết các trường THCS và THPT trên khắp cả nước, học sinh không được sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong giờ học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều học sinh tỏ ra rất thờ ơ với quy định này, dẫn đến việc sử dụng ĐTDĐ mọi lúc mọi nơi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của các em và dẫn đến nhiều hệ lụy khác.


Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhiều phụ huynh đã sắm cho con em mình chiếc ĐTDĐ để tiện liên lạc, hoặc quản lý giờ giấc. Không thể phủ nhận tiện ích của ĐTDĐ trong việc sử dụng liên lạc, trao đổi thông tin, bài vở cho nhau ngoài giờ lên lớp hoặc giúp giáo viên liên lạc với học sinh khi có những thông báo đột xuất. Nhưng việc sử dụng điện thoại vô tội vạ, ngay cả khi đang giờ lên lớp đã mang lại những hệ lụy không nhỏ đối với các em học sinh.

Do quy định của hầu hết các trường học là chỉ cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, nên chỉ cần nghe trống báo hiệu giờ giải lao, nhiều học sinh đã vội vã cầm điện thoại để nhắn tin, gọi điện, hoặc chơi game, lướt web. Mỗi người một góc, dọc theo hành lang, ban công, ghế đá, chỉ toàn thấy ánh mắt các em lăm lăm nhìn vào màn hình điện thoại, thay vì tham gia những trò chơi sinh hoạt tập thể, chơi thể thao hoặc tán gẫu cùng bạn bè... Thậm chí có trường hợp dù đã vào tiết học, nhưng các em vẫn lén lút để điện thoại trong ngăn bàn tiếp tục nhắn tin, không chú ý đến bài giảng.

 

Không chỉ dừng lại việc tiện liên lạc, tiêu chí chọn điện thoại của học sinh bây giờ còn phải sành điệu, thời trang, nhiều tiện ích. Học sinh nào sử dụng điện thoại chỉ để nghe, gọi, nhắn tin thông thường được cho là quá lỗi thời. Vì thế, các em đua nhau chạy theo mốt mới, nghĩa là điện thoại phải thời trang và đẳng cấp, phải quay phim rõ nét, tốc độ lướt web cực đỉnh, thậm chí còn xem được tivi... Do vậy, thay vì chú tâm vào học tập, các em (đa phần là những học sinh con nhà giàu) lại lo khoe ĐTDĐ. Nhiều học sinh có gia cảnh khó khăn cũng cố đua đòi mua điện thoại xịn cho bằng bạn, bằng bè, dù ba mẹ phải thắt lưng buộc bụng lo mưu sinh từng ngày.

Không chỉ thế, ảnh hưởng từ ngôn ngữ chát chit từ việc nhắn tin, nhiều học sinh nói chuyện với nhau theo kiểu cộc lốc, bổ bả, dùng từ ngữ rất khó hiểu để trao đổi, thậm chí các em còn viết tắt ngay cả trong bài vở của mình. Do vậy, tiếng Việt dần dần bị biến dạng ngay trong môi trường giáo dục. Hơn nữa, ĐTDĐ ngày càng có những ứng dụng hiện đại nên việc lướt web, chơi game, xem phim đều rất dễ dàng. Điều này đã ảnh hướng không nhỏ tới việc học và cả lối sống của học sinh. Nhiều em nghiện chơi game hơn cả việc học, dẫn đến kết quả học tập bị sa sút.

Ngoài quy định cấm sử dụng điện thoại trong trường, các trường cần phải quản lý chặt chẽ, có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm, nhằm răn đe cho các học sinh khác. Để học sinh chú tâm vào học hành, gia đình cũng cần phải phối hợp với nhà trường trong việc kiểm soát vấn đề sử dụng điện thoại của  các em sao cho hợp lý, đúng nơi, đúng lúc.

 

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (CAND)

Bài: ĐTDĐ vẫn được học sinh sử dụng trong lớp