Học MBA: Nhu cầu thiết thực và đa dạng
Sau 3 năm làm việc ở phòng nhân sự của một công ty sản xuất tại TP.HCM, H.A. được cất nhắc lên phó phòng. Tuy nhiên, việc ở cương vị mới không hề suôn sẻ, chủ yếu mâu thuẫn nảy sinh từ các vấn đề với con người, về kỹ năng quản lý. H.A. nhận ra thăng tiến trong nghề nghiệp là một chuyện, rèn luyện bản lĩnh để xứng đáng với cương vị lãnh đạo lại là một chuyện khác. Dù trưởng phòng nhân sự khuyên H.A. đi học MBA để nâng cao năng lực xử lý vấn đề nhưng cô vẫn còn ngần ngại. Phần vì công việc khá bận rộn và 8g làm việc trong ngày đã rút cạn năng lượng, phần học phí để theo đuổi MBA cũng không phải là vấn đề nhỏ đối với một nhân viên vừa được thăng chức như cô.
Khác H.A, sau 7 năm tích góp kinh nghiệm, các mối quan hệ và kinh phí, M.L. bắt đầu nghĩ đến việc tự mình làm chủ một gara kiêm đại lý phân phối xe hơi. Chưa có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp nên anh bắt đầu bằng việc tìm kiếm khóa học MBA với mong muốn trang bị cho mình kiến thức vững vàng khi tự kinh doanh. Tuy nhiên, anh nhận thấy các chương trình MBA quốc tế thì chưa sâu sát với thực tiễn kinh doanh ở Việt Nam, còn những chương trình trong nước thì lại thiếu tầm kiến thức quốc tế. Điều anh cần là một chương trình MBA mang tính thực dụng và trung dung được cả hai điều trên.
Từ hai trường hợp trên, có thể thấy, nhu cầu học MBA ngày nay của “dân đi làm” khá đa dạng nhưng tất cả đều xoay quanh một mục tiêu rất cụ thể: Nâng cao năng lực quản lý, hệ thống hóa lý thuyết và ứng dụng vào công việc thực tiễn. Tuy nhiên, những điều ngăn trở “dân đi làm” học MBA thường là thời gian, chi phí lẫn việc khó chọn được một chương trình đào tạo đáp ứng được hết tất cả các mục tiêu của mình.
Đầu tư MBA đúng cách
Giải pháp cho những người muốn theo đuổi MBA nhưng còn nhiều băn khoăn là càng xác định rõ nhu cầu, khả năng của mình càng tốt. Nên vạch ra tầm quan trọng theo thứ tự ưu tiên mỗi tiêu chí như: Mục tiêu đào tạo, uy tín của trường, học phí, thời gian, độ sàng lọc đầu vào…
Nếu không có ý định làm việc ở nước ngoài thì theo đuổi những chương trình MBA tại Việt Nam giảng dạy bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế là giải pháp tốt để vừa nâng cao năng lực hội nhập vừa tiết kiệm chi phí học tập hơn. Bên cạnh đó, các chương trình này cũng giúp học viên tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm phong phú qua việc chia sẻ tình huống kinh doanh thực tiễn từ chính những bạn học và rất sâu sát với thị trường Việt Nam. Việc gặp gỡ, kết nối nhau còn có ý nghĩa lớn để học hỏi và mở rộng mối quan hệ kinh doanh. Nếu muốn nhẹ gánh chi phí học tập thì có thể chọn những chương trình có mức học phí cho phép đóng nhiều lần trong quá trình đào tạo.
Các học viên cũng đừng nên mong đợi sẽ được “mách nước” từ chương trình Thạc sĩ Kinh doanh, MBA cho từng vấn đề khó khăn trong công việc mà sẽ được nâng tầm tri thức để tự mình vỡ ra con đường đi và thực hiện những quyết định đúng. Đây chính là năng lực Thạc sĩ Kinh doanh mà những chương trình học muốn hướng tới.
Theo Thanh Niên