Theo nội dung báo cáo của Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi Quốc hội, giáo dục là một trong những ngành chịu tác động nhiều nhất của dịch Covid-19.
Đối với giáo dục phổ thông, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều địa phương chuyển sang dạy học trực tuyến. Nhưng công tác dạy học trực tuyến gặp nhiều khó khăn vì thiếu thiết bị, học liệu.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức này. Các bài dạy trên truyền hình chưa phù hợp chương trình môn học.
Giáo viên và các cơ sở còn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn ở thời gian đầu triển khai dạy học trực tuyến. Thầy, cô cũng gặp khó khăn trong việc chuyển đổi giữa kế hoạch dạy học trực tiếp sang trực tuyến, trên truyền hình.
Nhiều bài giảng trực tuyến chưa sinh động; hạn chế trong tương tác giữa học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học tuyến, đặc biệt là khi học sinh học qua truyền hình.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp thực tế và tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương.
Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường sẽ được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.
Khi học sinh mới trở lại lớp, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp các nhóm học sinh, nhất là những em không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Ngành giáo dục đang phối hợp nhiều sở, ngành để huy động các nguồn lực, trạng thiết bị để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến, học qua truyền hình.
Dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều địa phương phải tạm dừng việc học trực tiếp tại trường
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 155.080 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho hơn 1,24 triệu trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Thời gian qua, một bộ phận không nhỏ giáo viên mầm non ngoài công lập không có lương khi nghỉ dạy trong thời gian trẻ ở nhà để phòng dịch Covid-19. Điều này dẫn đến tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc. Đây sẽ là khó khăn lớn của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập khi huy động trẻ đến trường sau thời gian nghỉ tránh dịch.
Không thể học trực tuyến, nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc con khiến các bé dễ bị căng thẳng, ảnh hưởng sức khỏe. Nhiều phụ huynh phải sắp xếp công việc để chăm sóc con, mất thu nhập. Những hạn chế nêu trên dẫn đến nguy cơ trẻ mầm non ở giai đoạn hiện nay chậm phát triển.
Bộ GD&ĐT tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù để đảm bảo chế độ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục mầm non, hỗ trợ giáo viên hợp đồng ổn định cuộc sống, động viên thầy cô quay trở lại trường tiếp tục thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Cụ thể, các đối tượng được hỗ trợ là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có hợp đồng, mất việc làm tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị xem xét miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non đang tham gia đóng từ năm 2020 đến nay.
Cơ sở mầm non ngoài công lập cũng được đề xuất, xem xét miễn, giảm các loại phí, lệ phí; giãn thời gian nộp thuế, kéo dài thời gian quyết toán thuế từ năm 2020.
> COVID-19: Học sinh khối 9 và 12 của một huyện tại Tiền Giang trở lại trường
> Một huyện tại Khánh Hoà chuyển sang học trực tuyến do COVID-19
Theo ZING News