Đi du học Mỹ dễ hay khó?
Với những học sinh phổ thông suất sắc, trình độ tiếng Anh giỏi, có nhiều thành tích cao (thí dụ đạt các giả thi quốc gia hay quốc tế), và điểm số các kỳ thi chuẩn (như SAT, TOEFL) đặc biệt cao, việc đi Mỹ không khó. Các bạn trẻ này dễ xin được học bổng, và khi có học bổng du học Mỹ, rất dễ xin visa. Tuy nhiên số học sinh thuộc nhóm này không nhiều.
Với các gia đình đặc biệt có điều kiện, việc đưa con đi Mỹ du học cũng không khó, kể cả khi thành tích học tập không xuất sắc. Các phụ huynh thuộc nhóm này có thể cho con học tại các trường quốc tế ở Việt Nam, sau đó cho con đi học sớm từ bậc PTTH ở Mỹ (thí dụ hết lớp 11 bắt đầu sang Mỹ). Với khả năng tài chính mạnh, việc xin visa sang Mỹ cũng khá dễ dàng. Tuy nhiên số các gia đình thuộc nhóm này cũng không nhiều.
Đa số các bạn trẻ muốn đi du học Mỹ rơi vào nhóm tiếng Anh chưa giỏi để giành điểm cao trong các kỳ thi chuẩn như SAT và TOEFL, thành tích học tập vừa phải, và điều kiện kinh tế của gia đình cũng không quá tốt. Câu chuyện của các học sinh thuộc nhóm này là làm thế nào đi du học ở Mỹ được trong khả năng ngân quỹ có hạn và thành tích học tập ở PTTH vừa phải. Đây là một bài toán thực sự khó.
Du học Mỹ có khó không?
Làm thế nào để đi du học Mỹ trong khả năng ngân quỹ và kết quả học tập PTTH vừa phải?
1. Học Cao đẳng Cộng đồng để giảm chi phí: Ngoài các trường đại học thông thường, Mỹ có hệ thống các trường Cao đẳng Cộng đồng (community colleges). Các trường này có chính sách nhập học tự do (open admission). Có nghĩa là bất kỳ ai xin học, nếu đã tốt nghiệp PTTH, thì đều được nhận. Sau khi tốt nghiệp các trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ), học sinh có thể chuyển tiếp lên các trường Đại học để học nốt 2 năm còn lại và nhận bằng cử nhân. Vì thế, xin vào học ở các trường trong hệ thống này là rất dễ dàng, kể cả khi trình độ tiếng Anh chưa tốt.
Xin vào dễ không có nghĩa là học CĐCĐ đồng là không tốt. Tuy đầu vào mở, nhưng đầu ra của CĐCĐ không hề mở. Các sinh viên tiếng Anh chưa đạt phải học tiếng Anh dự bị tới khi nào đạt đủ trình độ để vào học chính khóa. Sinh viên học chính khóa cũng phải học trong môi trường học thuật nghiêm khắc. Việc chuyển tiếp lên các trường đại học cũng thường là chấp thuận có điều kiện, tức là đương nhiên được chuyển tiếp đến một số trường đại học nhưng phải với điểm số trung bình toàn khóa (điểm GPA) đạt mức đủ cao theo yêu cầu của các trường đại học đó.
Ngoài chuyện đương nhiên được nhận vào học, học phí tại trường CĐCĐ cũng thường thấp hơn từ 2-3 lần so với các trường đại học tại Mỹ theo US News. Điều này giúp phụ huynh giảm tải đáng kể chi phí du học phải trả cho con em mình.
Như thế, lựa chọn này giúp giải quyết được hai vướng mắc lớn: khả năng được nhận vào học và giảm chi phí, ít ra là trong 2 năm đầu tiên. Chính vì thế, có tới 60% du học sinh Việt Nam qua Mỹ chọn bước đệm là học CĐCĐ trước khi chuyển tiếp vào đại học, theo Viện Giáo Dục Quốc Tế IIE.
Thế nhưng giải pháp này vẫn có hai điểm vướng. Thứ nhất là xin visa đi Mỹ học. Thứ hai, đối với nhiều gia đình, mặc dù học CĐCĐ làm giảm đáng kể chi phí, nhưng tổng chi phí cho 5 năm học (bao gồm một năm học tiếng Anh) cũng là quá đắt đỏ.
2. Học theo mô hình 2+2: Có một con đường khác có thể giúp giải quyết hai vướng mắc này. Ở nhiều nước, con đường này đã có từ lâu, còn ở Việt Nam nó mới chỉ xuất hiện gần đây. Đó là việc chọn học tại các trường đại học hoặc cao đẳng quốc tế ở Việt Nam có thỏa thuận công nhận kết quả học tập với các trường đại học của Mỹ.
Để giải thích rõ hơn, một số trường đại học có các thỏa thuận công nhận kết quả học tập của nhau. Khi có các thỏa thuận này, học sinh học một môn, thí dụ môn Nhập môn Kinh tế Vi mô ở Việt Nam, sẽ được miễn học lại môn này ở một trường đại học ở Mỹ khi trường đại học ở Mỹ có thỏa thuận với trường ở Việt Nam mà học sinh theo học. Như vậy, sau 2 hoặc 3 năm học ở Việt Nam, học sinh sẽ sang Mỹ để học nốt 2 năm còn lại ở đại học Mỹ và lấy bằng cử nhân.
Lựa chọn này giải quyết được cả hai vấn đề chi phí và xin visa du học Mỹ. Học sinh học giai đoạn đại cương ở Việt Nam sẽ rẻ hơn rất nhiều so với ngay cả học CĐCĐ tại Mỹ vì học phí rẻ hơn và chi phí ăn ở không mấy tốn kém. Sau giai đoạn học tiếng Anh và học chương trình đại cương ở Việt Nam, sinh viên cũng có đủ khả năng ngôn ngữ và trình độ, vì thế, khi được một trường đại học ở Mỹ nhận vào học, vấn đề xin visa không còn là vấn đề khó khăn nữa.
Vấn đề nằm ở chỗ khi muốn các trường đại học Mỹ chấp nhận kết quả học tập ở trường đại học ở nước ngoài, thí dụ như Việt Nam, họ phải nghiên cứu hệ thống chương trình, chất lượng giảng dạy, và các quy chuẩn sư phạm khác, và chỉ chấp nhận khi các trường ở nước ngoài đạt tiêu chuẩn của họ. Vì thế, rất ít trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam có được các thỏa thuận công nhận kết quả học tập với các đại học ở Mỹ.
Lâu đời nhất có lẽ là trường Đại học Quốc tế và Viện Đào tạo Quốc tế thuộc Đại học Quốc Gia thành phố HCM. Là các cơ sở của Đại học Quốc Gia TPHCM, hai đơn vị này đào tạo chương trình đại cương và sau đó sinh viên có thể chuyển tiếp sang một số đại học của Mỹ để lấy bằng cử nhân. Hiện nay có tới hơn 2000 sinh viên đang theo học theo dạng này tại Đại học Quốc Gia TP HCM.
Gần đây hơn, có hai lựa chọn tốt nữa với du học sinh là Đại học Broward College (bang Florida) và Troy University (bang Alambama) của Mỹ. Cả hai trường đại học này đều là trường được kiểm định vùng ở Mỹ có cơ sở đào tạo tại Việt Nam và đều đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đại học Troy tập trung đào tạo cử nhân tại chỗ ở Việt Nam hoặc chuyển tiếp sang học 2 năm tại đại học này tại Hoa Kỳ. Có vẻ như Troy không khuyến khích học sinh chuyển tiếp sang các trường đại học khác của Mỹ tại nước Mỹ.
Đại học Broward, trái lại, chưa thực hiện đào tạo cử nhân ở Việt Nam. Học sinh của Broward College sau khi học xong 2 năm ở Việt Nam sẽ chuyển tiếp sang Broward College ở Mỹ hoặc bất kỳ trường đại học nào trong hệ thống các trường đại học công lập ở Florida hoặc các tỉnh bang miền nam của nước Mỹ.
Broward College là một trong những trường công lập hàng đầu của bang Florida và hệ cao đẳng của trường này được xếp trong 10 trường tốt nhất nước Mỹ theo Aspen Institute.
Những thông tin mới nhất về kỳ thi SAT dành cho những bạn đang thực hiện giấc mơ du học Mỹ
Những đoạn văn trong phần SAT mới thậm chí còn khó hơn so với những bài trong đề thi SAT cũ.
Đối với các học sinh có nhu cầu du học Mỹ, kỳ thi chuẩn hóa SAT trở nên quá quen thuộc. Vào tháng 3/2016 tới, College Board sẽ sử dụng đề thi SAT mới. Phần thi khó khăn nhất đối với học sinh Việt Nam từ trước tới giờ thường là đọc (Reading Section). Về mặt thời gian, phần Reading của SAT mới sẽ kéo dài 65 phút. Học sinh sẽ phải xử lý thông tin của 4 bài đọc đơn và một bài đọc kép, thuộc các lĩnh vực: văn học Mỹ và văn học thế giới (một đoạn), lịch sử và xã hội học (hai đoạn đơn, một đoạn kép) và khoa học (hai đoạn đơn, một đoạn kép). Tuy nhiên, khối lượng công việc học sinh phải làm trong khoảng thời gian này là rất nhiều, dù lượng câu hỏi được giảm xuống còn 52 câu thay vì 67 câu.
Đăng ký ngay khóa học Lập kế hoạch du học tại cổng đào tạo trực tuyến Academy.vn
Các câu hỏi trong đề thi SAT mới bao gồm:
Vocabulary in context: Phần câu hỏi này quen thuộc với các em đã học qua SAT cũ. Về cơ bản, đề thi sẽ yêu cầu học sinh xác định nghĩa của một từ trong một đoạn văn ngắn. Học sinh sẽ dựa vào hoàn cảnh ngôn văn để suy ra được đáp án đúng.
Command of Evidence: Trong những câu hỏi này, College Board yêu cầu học sinh phải suy luận từ một phần nhỏ trong đoạn văn để trả lời được câu hỏi đề thi đưa ra. Phần này đòi hỏi học sinh phải đọc thật kỹ càng và phải có tư duy logic để trả lời đúng. Tuy nhiên, phần khó nhằn hơn chính là câu thứ hai trong dạng câu hỏi này. College Board sẽ hỏi học sinh: "Dựa vào đâu để bạn đưa ra được đáp án cho câu hỏi trên?". Vì vậy, nếu học sinh đưa ra câu trả lời trước sai thì thường sẽ kéo theo sai cả câu hỏi tiếp theo.
Rhetoric: Đây là một trong những dạng câu hỏi khó đối với học sinh thi SAT – khi đề thi yêu cầu các em phải tự suy luận để đưa ra câu trả lời.
Synthesis: Đây là một phần cải tiến của SAT mới, đưa những bảng thống kê, số liệu vào trong bài đọc và yêu cầu học sinh phải đọc, suy luận từ những bảng đã cho để đưa ra đáp án.
Theo thecollegesolution.com, những đoạn văn trong phần SAT mới thậm chí còn khó hơn cả những bài trong đề thi SAT cũ và thường chỉ thấy trong các phần khó của bài thi SAT Critical Reading. Những bài đọc về chính trị cũng như về văn học, sẽ là trở ngại lớn đối với các học sinh không có kỹ năng đọc nhuần nhuyễn. Về phần các câu hỏi, dạng câu hỏi Command of Evidence sẽ gây nhiều khó khăn cho học sinh vì chúng đòi hỏi các em phải đọc và tìm kiếm thông tin chi tiết trong một đoạn văn dài với lượng thời gian chỉ vỏn vẹn gần một phút 30 giây cho một câu hỏi.
Một thay đổi lớn trong phần "reading" là việc College Board đã bỏ toàn bộ phần "Sentence Completion" của hầu hết học sinh trong kỳ thi này. Học sinh sẽ không còn phải học từ mới phức tạp bằng thẻ từ và rồi sẽ quên hết ngay sau khi các em kết thúc bài thi. Đề thi SAT mới sẽ giúp học sinh luyện khả năng đọc hiểu tốt hơn. Đồng thời, thecollegesolution.com còn nhấn mạnh, các đoạn văn trong phần đọc đòi hỏi một sự hiểu biết nhuần nhuyễn về bộ máy chính trị của Mỹ. Học sinh quốc tế, hay ngay cả các học sinh nội địa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi không có kiến thức về phần này. Tuy nhiên, đề thi SAT mới cũng có phần "dễ thở" hơn với học sinh, các em không bắt buộc phải học tới 3.000 từ như những người đi trước. Đồng thời, các câu trả lời sai sẽ không bị trừ điểm. Các câu hỏi cũng như các đoạn văn sẽ chỉ giới hạn trong các vấn đề gần gũi với cuộc sống cũng như môi trường sư phạm, mang tính thực tế cao hơn.
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, việc làm thêm khi chọn du học Mỹ có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các công ty tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.