Trong ngày thi thứ hai, các thí sinh được làm bài môn Ngữ văn của kỳ tuyển sinh lớp 10 tại trường THPT Năng khiếu ĐHQG - TP.HCM. Đề bài được chia sẻ là không quá khó nhưng mang tính hàn lâm và không thực tế như mọi năm.
Xem thêm:
>>> THPT Năng khiếu đưa "giải cứu dưa hấu" vào đề Toán tuyển sinh lớp 10
>>> Nguyện vọng tuyển sinh lớp 10 tăng mạnh ở các trường THPT tốp giữa
>>> Sở GD&ĐT Hà Nội công bố số lượng đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10
Sáng 27/05, gần 3.000 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trường THPT Năng khiếu ĐHQG - TP.HCM với môn thi Ngữ văn. Đây là môn thi bắt buộc sau môn Toán cho tất cả thí sinh đăng ký thi vào trường.
Theo nhận xét của thí sinh làm bài, đề thi môn Ngữ văn không có yếu tố bất ngờ, nội dung các đề dẫn cũng mang tính hàn lâm. Đề bài có yêu cầu nghị luận về lựa chọn việc học nhưng câu chuyện dẫn dắt không gắn với hơi thở cuộc sống.
Theo đó câu hỏi số 2 có nội dung như sau:”Chu Bình Man học thuật giết rồng của Chi Li. Bao năm khánh kiệt cả gia sản, mất có đến nghìn vàng. Thành tài, nhưng không biết dùng làm gì cả. (Bình giải ngụ ngôn Trung Quốc, Trương Chính, NXB Giáo dục, 1999, trang 14). Từ câu chuyện trên, hãy viết một bài văn ngắn khoảng một trang giấy cho biết suy nghĩ của anh/chị về việc lựa chọn sự học trong bối cảnh hiện nay”.
Nhận xét về câu hỏi nói trên, giáo viên Phan Thị Thanh Giang, Trường THPT Phan Bội Châu (Di Linh, Lâm Đồng) nói rằng: “Phần dẫn không rõ ràng nên gây ra sự khó hiểu đối với học sinh. Có phần khó với năng lực của học sinh”.
Còn giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú, TP.HCM) nhận xét: “Nội dung trích dẫn gây lạ lẫm, ít học sinh biết đến điển tích này. Nếu không bình tĩnh và có tư duy tốt, thí sinh sẽ lúng túng, khó xoay sở. Và để làm được câu hỏi này, đòi hỏi thí sinh phải giải mã được từ khoá là thông điệp thuật giết rồng biểu trưng ý nghĩa cho nghề nghiệp xa lạ, không có thực. Do vậy, mỗi người cần học một cách thiết thực, mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội”.
Theo Thanh Niên