Để tránh dịch Covid-19, học sinh nghỉ học ở nhà nên các trường đã lên kế hoạch dạy học từ xa. Từ đây, nhiều nỗi khó khăn cho thầy cô, nhà trường xảy ra.
> Tuyển sinh 2020: TPHCM dự kiến lịch thi lớp 10 tổ chức ngày 17-7
> Bộ GD-ĐT có nên dừng thi THPT quốc gia, thay bằng xét tốt nghiệp?
Một số giáo viên lúc đầu còn khá ngần ngại
Câu nói "Tôi không thể làm được" là của một giáo viên Trường THCS Minh Đức, Q.1, TP.HCM khi ban giám hiệu nhà trường gợi ý về việc dạy học trực tuyến (online). Nhưng sau đó bà Trần Thúy An, hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, cho biết "Cuối cùng cô ấy đã lên tiết và dạy rất khá. Kể ra như vậy để thấy rằng trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin đối với giáo viên ở trường công lập không đồng đều. Thế nên họ rất ngại khi phải soạn bài rồi dạy online".
Nhà trường khuyến khích thầy cô nào tự tin thì soạn giáo án trực tuyến rồi dạy thử, ban giám hiệu nhà trường sẽ dự giờ và góp ý. "Thời gian đầu rất ít giáo viên tự nguyện giảng dạy theo cách này. Nhưng khi UBND TP.HCM có quyết định cho học sinh nghỉ học đến ngày 5-4, ban giám hiệu nhà trường đã quyết định dạy trực tuyến cho học sinh tất cả các khối 6, 7, 8, 9 từ ngày 16-3.
Không ngờ là các giáo viên rất nhiệt tình. Mùa dịch, các thầy cô có thể dạy ở nhà nhưng nhiều người vào trường dạy để có trục trặc gì thì được hỗ trợ ngay. Nhiều thầy cô không đứng lớp nhưng cũng vào dự giờ của đồng nghiệp để học hỏi kinh nghiệm" - bà An kể.
Giáo viên tại một trường THCS đang giảng bài trực tuyến cho học sinh.
Trên thực tế không phải trường công lập nào cũng cương quyết thực hiện như Trường Minh Đức.
Thầy H., giáo viên vật lý lớp 10 ở TP.HCM, kể: "Trường chúng tôi chỉ động viên giáo viên lớp 12 dạy online, còn giáo viên khối lớp 10, 11 thì không đả động gì. Tuần đầu tiên rồi tuần thứ hai học sinh được nghỉ học, tôi chỉ giao bài qua email cho học sinh.
Nhưng rồi thấy thời gian nghỉ học kéo dài mãi mà không biết dịch bệnh bao giờ mới hết. Tôi sốt ruột, sợ học trò quên kiến thức nên soạn giáo án dạy trực tuyến. Tuy nhiên tôi hơi buồn khi chỉ có 60% học sinh đăng ký học. 40% còn lại trả lời rằng nhà không có máy tính nối mạng".
Thầy H. cho rằng việc dạy học online có hiệu quả hay không phụ thuộc vào ý thức tự giác của học sinh.
Dạy học online vẫn đang trong quá trình "xem xét tổng quan, từng bước tìm hiểu"
Ở Hà Nội, sau Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, bắt đầu có những trường công lập triển khai việc dạy online theo đúng thời khóa biểu.
Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) trong suốt tháng đầu tiên học sinh nghỉ phòng dịch đã không thể triển khai được dạy học qua Internet. Nhưng từ ngày 20-3, trường bắt đầu dạy những tiết online đầu tiên.
Trường Yên Hòa ban đầu cũng không nghĩ tất cả giáo viên đều dạy online được, nhưng bây giờ tất cả sẵn sàng" - cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, cho biết.
Theo cô Nhiếp, khối 12 của trường vẫn học qua truyền hình. Ban giám hiệu nhà trường đã có kế hoạch chi tiết yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải nắm lịch dạy học trên truyền hình để ngay sau đó trao đổi với học sinh trên nhóm lớp, giải đáp tất cả thắc mắc của học sinh và ra bài tập, chấm bài, chữa bài thông qua các group trên Zalo.
Riêng khối 10, 11, giáo viên đang tập huấn, dạy thử online cho nhau góp ý, giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ thực hiện các tiết dạy online đầu tiên với lớp chủ nhiệm vào ngày 20-3, sau đó tất cả học sinh khối 10, 11 sẽ triển khai học online theo thời khóa biểu.
"Để giáo viên dạy online được và quan trọng hơn là quản lý được việc dạy và học, kiểm soát 100% học sinh tham gia học nghiêm túc là khó khăn" - vị hiệu trưởng của 1 trường cho biết.
Theo Tuổi Trẻ