Đào tạo giáo viên theo hình thức trực tuyến: Vẫn còn rào cản

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (GV) nói chung theo hình thức trực tuyến (E- Learning) đang được triển khai tại nhiều địa phương. Đây cũng là giải pháp được coi là hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp trong điều kiện hiện nay để cải thiện trình độ đội ngũ GV ngoại ngữ - vấn đề then chốt của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Dù vậy, thực tế vẫn còn nhiều rào cản.

Những thuận lợi: Tiện cho người dạy, người học

ĐH Mở hiện có khoảng 40 nghìn học viên theo học mô hình giáo dục từ xa tại các trung tâm từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, hầu hết các lớp đều áp dụng phương thức đào tạo truyền thống, phải mời giảng viên di chuyển tới các địa phương để giảng dạy vào ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Nhiều khi người dạy và người học khó có thể bố trí thời gian tổ chức lớp cho khớp nhau, ảnh hưởng đến tiến độ học tập. Với sự phát triển của CNTT và truyền thông, ĐH Mở và nhiều trường ĐH trên cả nước đã triển khai phương thức đào tạo trực tuyến nhằm giải quyết những khó khăn kể trên, nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả người dạy và người học, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả dạy - học.

 

Đào tạo trực tuyến: Vẫn còn nhiều rào cản

Đào tạo trực tuyến: Vẫn còn nhiều rào cản

So với phương thức đào tạo bồi dưỡng tập trung, đào tạo trực tuyến ban đầu phải mất một khoản chi phí để xây dựng hệ thống nhưng theo thời gian, cả người dạy lẫn người học đều có thể giảm tối đa chi phí về thời gian đi lại, tổ chức lớp dạy - học... Đây cũng là phương thức học phù hợp với chủ trương học tập suốt đời bởi người học có thể lựa chọn những gì cần thiết để bổ trợ cho công việc. Thực tế cho thấy, phương thức đào tạo này không chỉ phù hợp đối với những người đang theo học các chương trình giáo dục từ xa, mà còn có thể triển khai cho tất cả các loại hình đào tạo khác như chính quy, thường xuyên, bồi dưỡng ngắn hạn…

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT), người phụ trách công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ GV mầm non và phổ thông cho biết: Với GV tiểu học, THCS, điều khó khăn nhất là phải dứt công việc, xa gia đình để theo học những lớp tập trung, nhất là người phải nuôi con nhỏ hay kinh tế khó khăn. Nếu áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến, họ có thể yên tâm học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là ở những nơi xa nhau. Điển hình như ở Quảng Ninh, khoảng cách từ huyện Đông Triều đến Móng Cái là gần 300km, nếu tập trung GV về trung tâm (TP Hạ Long) hoặc tại các trường ĐH để bồi dưỡng thì hiếm khi bảo đảm số lượng. Nếu tập trung dài ngày còn ảnh hưởng đến tiến độ giảng dạy, bởi các trường phổ thông thường không đủ GV có trình độ để đảm nhiệm nhiệm vụ hằng ngày.

Nhiều rào cản cho việc đào tạo trực tuyến


Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đưa nước ta trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông, đến năm 2020 hoàn thành mạng lưới băng thông rộng tới hầu hết làng bản, 50-60% hộ gia đình có máy tính và truy cập internet băng thông rộng... Theo kết quả nghiên cứu của Liên minh Viễn thông quốc tế, số lượng người dùng internet tại Việt Nam hiện vào khoảng 31 triệu người, chiếm 34% dân số. Điều đáng nói là hầu hết người dùng internet đang ở độ tuổi 12-50, độ tuổi phù hợp cho việc đào tạo, tiếp cận với phương thức đào tạo trực tuyến.

Trong lĩnh vực GD-ĐT, 100% các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên cả nước đã được kết nối mạng internet. Đó là những điều kiện thuận lợi để đội ngũ GV nói chung và GV ngoại ngữ nói riêng có thể học tập theo phương thức trực tuyến ngay tại nơi công tác. Lý do bởi đào tạo trực tuyến là phương thức phù hợp với việc thực hành ngoại ngữ với những kỹ năng cơ bản như nghe - nói - đọc - viết. Người học có thể luyện tập nhiều lần cho một hoạt động mà không làm ảnh hưởng đến người khác, có thể tự kiểm tra, đối chiếu kết quả của mình để điều chỉnh cách học đạt hiệu quả nhất.

Rào cản từ ý thức tự học của học viên

Tuy vậy, thực tế triển khai tại các địa phương thời gian qua cho thấy, một trong những rào cản lớn nhất trong việc bồi dưỡng GV qua mạng là nhiều người chưa có thói quen học trực tuyến mà chỉ quen học tập trung, có thầy giáo trực tiếp hướng dẫn. Việc tổ chức đánh giá chất lượng phương thức đào tạo trực tuyến cũng còn nhiều hạn chế, có nơi vì thành tích mà mở rộng cả "đầu vào" và "đầu ra", dẫn đến tâm lý hoài nghi về chất lượng đào tạo trực tuyến. Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT ở các nhà trường hiện nay chủ yếu là soạn thảo văn bản và các phần mềm quản lý, chưa có GV nào được đào tạo bài bản để sử dụng CNTT ứng dụng vào giảng dạy. Thậm chí, không hiếm GV còn chưa có kỹ năng sử dụng máy tính và khai thác thông tin qua mạng internet.

Với khoảng 90% GV chưa đạt chuẩn ở cả tiểu học và trung học, Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 đang phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt mục tiêu trang bị cho đại bộ phận học sinh, sinh viên có đủ vốn ngoại ngữ để giao tiếp độc lập. Mục tiêu ấy của đề án đòi hỏi cần có sự thay đổi toàn diện việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ nói riêng và ở các môn học khác nói chung để vừa giảm chi phí, tăng hiệu quả và tạo được thói quen tích cực của người học.

Theo Hà Nội Mới