Cục trưởng Cục khảo thí: Sẽ không có hiện tượng thí sinh ảo

Xin ông cho biết, phần mềm này có giải quyết được những vấn đề của tuyển sinh mà bấy lâu nay công luận băn khoăn, đặc biệt là hiện tượng thí sinh ảo?

Trước hết cần phân biệt rõ thế nào là hiện tượng thí sinh ảo? Hiện tượng thí sinh ảo có 2 dạng.

Thứ nhất, khi đăng ký dự thi, thí sinh làm nhiều bộ hồ sơ để nộp đăng ký vào nhiều trường với 2 hoặc 3 đợt thi tuyển (những năm trước) nhưng chỉ thi 1 trường gây lãng phí cho các trường trong khâu tổ chức thi vì phải thuê mượn địa điểm thi theo số hồ sơ đăng ký nhưng số thí sinh đến thi ít.

Thứ hai, nhiều thí sinh thi vào nhiều trường (2 hoặc 3 trường)  tương ứng với các đợt thi, nhiều em trúng tuyển vào nhiều trường nhưng khi nhập học thì chỉ có thể nhập học có 1 trường (ảo xét tuyển).

Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015 sẽ hầu như hoàn toàn khắc phục được hiện tượng ảo thứ nhất vì: Bộ chỉ tổ chức 1 kỳ thi duy nhất- các thí sinh sẽ không phải đăng ký thi nhiều đợt. Phần mềm quản lý thi quản lý hồ sơ đăng ký bằng chứng minh thư nên sẽ đảm bảo mỗi thí sinh chỉ có duy nhất một bộ hồ sơ đăng ký dự thi.

Với hiện tượng ảo thứ hai, theo quy định của quy chế tuyển sinh, đợt xét tuyển thứ nhất, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển vào 1 trường. Khi thí sinh đăng ký vào trường, để có dữ liệu xét tuyển, các trường phải sử dụng phần mềm quản lý thi để đăng ký xét tuyển cho thí sinh.

Khi thí sinh đã đăng ký xét tuyển, dữ liệu đăng ký dự thi sẽ được trả về trường xét tuyển đồng thời dữ liệu trên hệ thống quản lý thi sẽ được khóa lại và thí sinh không thể đăng ký ở trường khác được (do các trường này không thể lấy dữ liệu của thí sinh để xét tuyển) cho đến khi các em rút hồ sơ đăng ký ở trường đã đăng ký trước đó. Giải pháp này, khắc phục được hiện tượng ảo xét tuyển.

Vậy thí sinh được hỗ trợ thế nào khi cần thông tin tuyển sinh từ các trường?

Phần mềm sẽ hỗ trợ các trường ĐH, CĐ trong khâu xét tuyển sinh 2015. Sau khi xét tuyển, các trường phải đưa kết quả trúng tuyển của thí sinh lên hệ thống. Khi đó thí sinh có thể truy cập vào phần mềm để biết kết quả xét tuyển của mình bằng cách dùng tài khoản đã được cấp để xem thông tin.

Ngoài ra, phần mềm cũng cung cấp báo cáo (số liệu định kỳ cập nhật 3 ngày/lần) để các trường có thể công bố số liệu thống kê điểm của thí sinh đăng ký xét tuyển. Căn cứ vào thông tin này, các thí sinh có thể đánh giá được khả năng trúng tuyển của mình để có lựa chọn, quyết định phù hợp.

Thí sinh sẽ sử dụng phần mềm này để đăng ký thi, sửa thông tin cá nhân và đăng ký xét tuyển như thế nào?

Thí sinh phải nộp hồ sơ đăng ký tại các điểm tiếp nhận (thu) hồ sơ, các điểm tiếp nhận hồ sơ được cấp tài khoản để giao dịch trực tuyến với hệ thống; ở đó người có trách nhiệm sẽ giúp học sinh nhập các thông tin đăng ký.

Phần mềm có chức năng hỗ trợ các em xem thông tin đăng ký và báo sai sót (nếu có) về điểm đăng ký dự thi qua mạng internet bằng tài khoản đã được cấp. Đây là chức năng hỗ trợ thêm và rất tiện lợi cho các em trong trường hợp các em ở xa điểm đăng ký dự thi.

Chức năng này cũng giúp phát hiện và giảm tối thiểu các sai sót cho đến trước ngày thi. Sau khi được cấp tài khoản, thí sinh phải ghi nhớ mật khẩu và giữ bí mật tài khoản của mình.

Theo Tiền Phong, tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/cuc-truong-cuc-khao-thi-se-khong-co-hien-tuong-thi-sinh-ao-841398.tpo

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học, xem điểm thi tốt nghiệp, kỳ thi THPT quốc gia