Thoạt nghe, nhiều người đã tán đồng rằng chủ trương này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh bởi lẽ thí sinh sẽ được tham khảo số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển do các trường công bố. Thêm vào đó, thí sinh còn được tự do nộp vào, lấy lại hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác có cơ hội trúng tuyển cao hơn.
hình minh hoạ
Không bàn đến những rắc rối, lộn xộn mà các trường ĐH, CĐ phải chịu nếu những quy định này áp dụng. Bởi nếu thật sự đây là những việc làm có lợi cho thí sinh thì dù có tốn nhiều công sức hơn, vất vả hơn, các trường cũng phải ra sức thực hiện. Ở đây chỉ bàn đến khía cạnh quyền lợi thí sinh như lập luận mà Bộ GD-ĐT đưa ra để thuyết phục xã hội.
Ngay khi nhận được thông tin về những quy định mới này, đại diện rất nhiều trường ĐH đã khẳng định về yêu cầu công khai thông tin sẽ rất khó để có một thông tin thực. Vì nhiều lý do, trong đó không loại trừ lý do vì mục đích riêng, các trường sẽ đưa ra con số khác với số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển hằng ngày. Nếu chuyện này xảy ra, giá trị thông tin của những con số này không cao. Đó là chưa kể sự bất công rất lớn giữa những đối tượng thí sinh có và không có điều kiện tiếp cận với những công bố hằng ngày, nhất là thí sinh ở vùng sâu vùng xa.
Nhưng quan trọng hơn, chủ trương yêu cầu các trường công khai số hồ sơ đăng ký xét tuyển để thí sinh căn cứ vào đó đưa ra quyết định nộp vào hay lấy lại hồ sơ khiến nhiều người liên tưởng đến kiểu tuyển sinh “lấp chỗ trống” của tất cả các trường chứ không phải tuyển sinh vì sự chọn lựa của thí sinh. Khi một trường ĐH, CĐ tốt công bố đã nhận lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vượt quá chỉ tiêu, chắc chắn thí sinh sẽ không “liều lĩnh” mang hồ sơ đến nộp thêm vào.
Hình minh hoạ
Thay vào đó, họ sẽ tìm đến một trường vắng vẻ nào đó để nộp. Với cách đăng ký xét tuyển này, tiêu chí chọn ngành, chọn trường không còn nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, mục tiêu hàng đầu là tìm một chỗ học. Nếu xem đây là điều có lợi cho thí sinh thì chỉ đúng một phần, vì thế không nên khuyến khích bởi sẽ có nhiều thí sinh học trái ngành, trái nghề, không đúng với sở trường của mình. Khi có nhiều thí sinh rút lại hồ sơ với mục đích tìm chỗ học, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực sau khi đào tạo.
Mục đích tuyển sinh “lấp chỗ trống” theo kiểu rút chỗ này chạy nộp chỗ kia dựa trên số hồ sơ đăng ký nếu được thực hiện cũng sẽ phủ nhận mọi nỗ lực tư vấn, hướng nghiệp mà ngành giáo dục và nhiều tổ chức chính trị - xã hội khác đang dày công thực hiện.
Trước đây, quan niệm được vào học ĐH ở bất kỳ trường ĐH nào là một cơ hội, niềm vinh hạnh. Nhưng tuyển sinh những năm gần đây cho thấy quan niệm này đã dần đổi khác. Rất nhiều trường ĐH “tai tiếng”, đào tạo lôm côm đã không thể tuyển sinh. Thí sinh đã nhận ra rằng thà theo học các bậc đào tạo thấp hơn nhưng có chất lượng còn hơn học ĐH ở những trường ĐH này.
Và như vậy, vào học những trường ĐH chất lượng thấp, học phí cao chưa hẳn là quyền lợi của thí sinh mà chỉ có thể là vì quyền lợi của một số đối tượng khác. Xu hướng xã hội đã thay đổi, cơ chế tuyển sinh cũng cần phải được hoàn chỉnh nhưng hướng phải là khuyến khích thí sinh chọn được ngành nghề mà mình yêu thích, đúng với năng lực, sở trường và vào được trường đảm bảo chất lượng.
kenhtuyensinh (nguồn tuoitre.vn)