Cô Lê Hoàng Anh là một trong 7 giáo viên trên cả nước giành học bổng Fulbright TEA. Nữ giáo viên cũng có thành tích Tiếng Anh ấn tượng với IELTS 8.0.
> Cô gái Việt chuyên 'săn' học bổng của các tỷ phú
Nhiều lần thất bại
Cô Lê Hoàng Anh (1987) là giáo viên dạy Tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM. Trước khi giành học bổng Fulbright TEA, nhiều năm trước nữ giáo viên đã nộp hồ sơ ở một vài chương trình khác. Có chương trình được hỗ trợ 50% học phí, có chương trình vào tới vòng phỏng vấn thì Hoàng Anh phải dừng chân. Không nản, nữ giáo viên vẫn giữ vững suy nghĩ: “Cứ thất bại nhưng phải biết rút ra bài học để lớn lên và thành công về sau”.
Cô Hoàng Anh gọi con đường giành học bổng Fulbright TEA “không trải hoa hồng” mà đòi hỏi bản thân phải có nhiều nỗ lực, quyết tâm.
Cô Lê Hoàng Anh, 1 trong 7 giáo viên cả nước giành học bổng của Fulbright TEA
Nữ giáo viên chia sẻ, ở vòng hồ sơ ngoài các thông tin cá nhân, kinh nghiệm, thành tích giảng dạy thì phải thể hiện mức độ hiểu biết về giáo dục, văn hóa, giải quyết các vấn đề được đặt ra thông qua 7 bài luận. Thông thường mỗi bài luận cô Hoàng Anh viết đi viết lại 3 - 4 lần đến lúc ưng ý nhất.
Vượt qua vòng hồ sơ, cô Hoàng Anh nhận được email gọi phỏng vấn trước 2 ngày diễn ra. Đọc lại các bài luận, nghiên cứu về chương trình, tập luyện trả lời như thế nào cho thuyết phục, đặc biệt chú trọng các câu hỏi sâu và chi tiết về giáo dục là cách cô Hoàng Anh chinh phục vòng phỏng vấn.
Sau vòng thi này, cô Hoàng Anh tiếp tục thi TOEFL iBT. Có nhiều năm dạy luyện thi IELTS và TOEFL iBT, nữ giáo viên thấy mình may mắn nhưng vẫn không chủ quan mà cố gắng luyện 20 bộ đề trước ngày thi chính thức. Cuối cùng, nữ giáo viên vỡ òa cảm xúc nhận được thông báo khi Đại sứ quán Mỹ gửi danh sách đề cử các thí sinh xuất sắc nhất qua Washington (Mỹ) để hội đồng Fulbright xem xét và duyệt lại.
> Các kỹ năng được kiểm tra trong bài thi IELTS
Học tiếng Anh như một cái bình rỗng, mỗi ngày có một ít nước thì lâu ngày bình sẽ đầy
Cô Hoàng Anh kể, lúc nhỏ đã làm quen với Tiếng Anh thông qua các bài hát thiếu nhi trong đĩa Let’s Go. Lớn hơn một chút, cô xem phim hoạt hình. Lớn hơn chút nữa thì đọc truyện đọc sách bằng Tiếng Anh. Hơn 15 năm trước, khi sách Tiếng Anh còn đắt đỏ và Internet chưa phổ biến, thư viện ở trường học là “kho trí thức” của Hoàng Anh.
Cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM nhớ lại, thư viện là nơi cô ghé nhiều thứ hai sau nhà. Hễ ra chơi Hoàng Anh lại lên thư viện mượn sách. Hoàng Anh cũng luyện Tiếng Anh bằng cách đọc từ mới rồi so sánh ra Tiếng Việt trên những vật dụng nhỏ, từ các chữ trên bịch bánh hay dầu gội đầu…
“Tôi vẫn nhớ cảm giác đọc truyện dịch và sau đó tìm đọc nguyên bản Tiếng Anh rất hay và thích thú vô cùng. Từ đó tôi cố gắng trau dồi Tiếng Anh để đọc bản gốc mà không cần phụ thuộc vào người dịch nữa. Lúc đọc, tôi ghi chú những câu, đoạn văn hay thành ngữ, tục ngữ Tiếng Anh hay ra giấy” nữ giáo viên chia sẻ.
Lúc là sinh viên hệ Cử nhân Tài năng, khoa Ngữ Văn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Hoàng Anh tham gia chương trình homestay dành cho sinh viên Mỹ đến sinh sống tại nhà của sinh viên Việt Nam. Hoàng Anh có cơ hội trau dồi Tiếng Anh khi sinh hoạt chung, giới thiệu các địa điểm tại TP.HCM cho các bạn.
Trở thành giáo viên trường THPT, Hoàng Anh vẫn giữ thói quen sử dụng những lá thăm với những cụm động từ (phrasal verbs) hoặc những từ khó. Một mặt của lá thăm là từ cần học, một mặt là giải thích. Học sinh bốc lá thăm nhìn mặt này và nêu nội dung mặt còn lại. Sau một vài tuần cho học sinh ôn lại như vậy, dần dần các em sẽ thuộc và nhớ rất lâu những cụm từ cần học.
“Hãy kiên nhẫn, bền bỉ và đừng bao giờ nóng vội. Học Tiếng Anh cũng như có một cái bình rỗng. Nếu hằng ngày đổ 1 ít nước vào bình thì từ từ bình sẽ đầy. Bình có thể nứt, rò rỉ nước khiến nó vơi đi. Học Tiếng Anh nếu không trau dồi cũng sẽ nhanh quên như mực nước trong bình vơi đi. Còn chịu khó quyết tâm và kiên nhẫn thì dần dần bình luôn đầy tràn và khó vơi”- nữ giáo viên nói.
Đến với nghề giáo từ những tiết dạy của thầy cô
Hơn 10 năm trong nghề, cô Hoàng Anh nhìn nhận giáo viên là một người nghệ sĩ đa tài khi vừa là người bạn, người thầy, người anh/người chị, người truyền cảm hứng, nhà tâm lý, trọng tài và đôi khi là người làm trò cho học sinh.
“Một số em gửi thiệp và nhắn tin cho tôi. Các em cảm ơn tôi và nói rằng: “Chính cô đã truyền động lực rất lớn để em thành giáo viên Tiếng Anh. Em cũng muốn như cô" - nữ giáo viên xúc động.
Theo cô Hoàng Anh, điều thú vị nhất khi đến với học sinh là sự trong sáng và tình cảm yêu thương của các em dành cho mình. Các em yêu thương và thể hiện 1 cách hồn nhiên và vô tư nhất, không màu mè hay giả tạo.
“Cái gì đi từ trái tim thì sẽ chạm tới trái tim, tôi tin như vậy”- nữ giáo viên tâm niệm làm hết lòng và không mong cầu thì điều gì tới sẽ tới.
Tuy nhiên cô Hoàng Anh cũng băn khoăn khi học sinh hiện nay quá phụ thuộc vào công nghệ. Các em dùng các công cụ như Google Translate để dịch Tiếng Việt và cho rằng không cần học Tiếng Anh nữa vì đã có công nghệ hỗ trợ. Quan niệm này sai lầm và các em sẽ không thể nào trở thành những người học độc lập (independent learners). Khi không có công cụ các em sẽ lúng túng ngay lập tức. Hơn nữa, giỏi Tiếng Anh sẽ mở ra nhiều cơ hội về du học, săn học bổng, du lịch, công việc.
Trước sự đổi mới chương trình, Hoàng Anh bảo cô đã chuẩn bị nên không thấy áp lực.
“Dịch bệnh Covid-19 vừa qua cho thấy giáo viên sẽ rất bị động nếu không tự trang bị cho mình những kỹ năng của thời đại như dạy học online hoặc sử dụng công nghệ vào bài giảng”.
Tôi nghĩ điều quan trọng là giáo viên không ngừng học hỏi để theo kịp xu hướng của thời đại và không bị đào thải, học sinh từ đó cũng sẽ noi gương mình”- cô nói.
Lê Hoàng Anh là cựu học sinh THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM - Thủ khoa đầu vào ngành Ngữ Văn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc Gia TP.HCM) - Tốt nghiệp Đại học loại giỏi - Tốt nghiệp Thạc Sỹ Đại học Curtin liên kết với SEAMEO RETRAC (Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các quốc gia Đông Nam Á trực thuộc Bộ GD-ĐT Việt Nam) - IELTS 8.0, TOEFL iBT 103 - Giáo viên trẻ tiêu biểu cấp quận (2013-2014 và 2014-2015) - Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở (2013-2014 và 2014-2015) - Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM - Nhiều năm phụ trách đội tuyển Olympic và Học Sinh Giỏi môn tiếng Anh cấp TP và đào tạo nhiều học sinh đạt giải cao... |
Theo VietNamNet