Việc chọn ngành nghề ‘trái dấu’ với tính cách của bản thân là vấn đề khiến một số sinh viên băn khoăn với định hướng trong tương lai.

Nên đi làm tại văn phòng hay làm online tại nhà?

Nên đi làm tại văn phòng hay làm online tại nhà?

Bạn đang phân vân không biết nên lựa chọn ưu tiên đi làm tại văn phòng hay làm tại nhà? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn nắm rõ ưu điểm và khuyết điểm của...

1. Tính cách hướng nội nhưng chọn ngành hướng ngoại

Chọn học truyền thông vì bản thân yêu thích sự sáng tạo, P.T (sinh viên ngành Quan hệ công chúng, Trường ĐH Văn Lang) gặp khó khăn vì tính cách nghiêng về hướng nội. Cô chia sẻ: "Học ngành này phải tiếp xúc, làm việc với nhiều người nhưng với người lạ thì tôi không thể hiện bản thân được nhiều nên đây là điểm hạn chế".
P.T chia sẻ việc ngại giao tiếp, kết nối là do không biết người khác nghĩ gì về mình. Nữ sinh viên cũng lo lắng những suy nghĩ của bản thân không cùng "tần số" với người lạ nên sinh ra tâm lý dè chừng. "Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng thích nghi theo thời gian và vẫn sẽ theo ngành vì yêu thích", cô nói.
Tương tự, M.A (sinh viên năm 3 khoa Báo chí, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) gặp khó khăn vì cho rằng tính cách hoàn toàn trái ngược với yêu cầu của ngành. "Người học truyền thông nói chung và báo chí nói riêng cần tính cách hướng ngoại, quảng giao. Điều đó làm tôi gặp rất nhiều trở ngại trong học tập, tham gia làm việc nhóm và các hoạt động ngoại khóa, đôi lúc chỉ vì tính cách khép mình, ngại giao tiếp mà tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội quan trọng", M.A chia sẻ.
Tuy nhiên, M.A cho biết, một trong những lý do chọn ngành hiện tại là do môi trường học tập rất tốt, nhiều cơ hội việc làm, các bạn xung quanh luôn hỗ trợ và động viên trong quá trình học. Nữ sinh viên nói thêm: "Cá nhân tôi cảm thấy không có ngành nào hoàn toàn dành cho người hướng nội cũng như dành cho người hướng ngoại. Tính cách sẽ ảnh hưởng nhiều nhưng nó không hoàn toàn chi phối sự thành công của bản thân".
Nữ sinh viên quan điểm, học ngành trái với tính cách sẽ giúp bản thân bước ra khỏi vùng an toàn, có được nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị. "Ngành học đã giúp tôi cải thiện nhiều về kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, được thầy cô truyền đạt kinh nghiệm sống, nhiều kiến thức xã hội mà sách vở không ghi chép. Tư duy của tôi cũng không ngừng sáng tạo, đổi mới".
Trong khi đó, L.N (tân sinh viên Trường Du lịch-ĐH Huế) cho biết vì muốn thay đổi bản thân nên đã chọn ngành du lịch dù tự nhận mình là một người hướng nội. "Trước giờ tôi khá tự ti, trong trường lớp cũng ít tham gia hoạt động. Vì thế, có nhiều thứ bất lợi nên tôi nhận ra mình phải mạnh dạn hơn", tân sinh viên chia sẻ.
L.N cho biết, ngành du lịch đòi hỏi phải đi nhiều, giao tiếp nhiều nên bản thân cũng nghĩ đến những khó khăn mà mình sắp đối mặt. "Do tôi khá rụt rè nên lúc đi học hoặc đi thực tập có thể sẽ bị thua thiệt so với các bạn", cô nói.
Tuy nhiên, L.N cho biết đã chuẩn bị tâm thế để vượt qua trở ngại và rèn luyện sự tự tin. Nữ sinh viên chia sẻ: "Vào đại học, tôi sẽ tham gia các câu lạc bộ của trường, đi làm thêm ở các quán cà phê để giao tiếp, trải nghiệm và kiếm thêm thu nhập".

Chuyện chọn sai ngành: Chấp nhận hay phá bỏ hiện thực? - Ảnh 1

Chọn ngành nghề là một quyết định vô cùng quan trọng của đời người

2. Nhiều hệ lụy khi chọn ngành không phù hợp

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết mỗi năm có từ 10-20% sinh viên bị buộc thôi học. Thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 5% không kham nổi học phí, 5% vướng vào các tệ nạn.
"10% sinh viên bị buộc thôi học, bỏ học do chọn sai ngành, vào học mới nhận ra ngành không phù hợp. Hầu hết những sinh viên này đều thi lại vào trường khác. Đây là hệ quả của công tác hướng nghiệp kém, chọn ngành theo gia đình hoặc bạn bè mà chưa tìm hiểu kỹ" - ông Dũng nói thêm.
Từ kinh nghiệm nhiều năm tư vấn tuyển sinh, ông Dũng cho biết 50% thí sinh chọn ngành theo tâm lý đám đông, chọn theo bạn bè. Nhiều thí sinh vì áp lực từ gia đình phải vào đại học bằng mọi giá, bất kể đó là ngành nào, trường gì. Do đó, thí sinh đăng ký rất nhiều nguyện vọng, trúng tuyển nguyện vọng không mong muốn và phải theo học.
"Có sinh viên năm nhất đã nhận ra mình chọn sai và bỏ thi lại. Nhưng cũng có sinh viên học đến năm 4, 5 vẫn không ra trường được vì không có động lực, gượng ép. Điều này làm lãng phí thời gian, tiền bạc của sinh viên và gia đình" - ông Dũng nói.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng số sinh viên bỏ học, bị buộc thôi học hằng năm khá nhiều. Trong số này có không ít sinh viên không thích ngành học.
Lý giải về việc sinh viên chọn sai ngành, ông Thắng cho rằng tỉ lệ cha mẹ ép con chọn ngành theo ý mình vẫn còn rất nhiều. Điều này khiến xác suất thí sinh phải chọn ngành không theo sở trường và mong muốn của mình khá cao.
"Chọn ngành không đúng sở trường, việc học sẽ rất khó khăn. Có những bạn cố gắng có thể hoàn thành chương trình học nhưng cũng có người bỏ giữa chừng để chuyển ngành khác. Những người vượt qua được nhưng khi ra trường, đi làm khó phát huy năng lực của mình trong nghề" - ông Thắng nói thêm.

Chuyện chọn sai ngành: Chấp nhận hay phá bỏ hiện thực? - Ảnh 2

Chọn ngành nghề không phù hợp đồng nghĩa với việc có rất nhiều hệ lụy liên quan

3. Chọn nghề không chỉ dựa vào tính cách

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan (Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết việc chọn ngành nghề phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công tác hướng nghiệp, yêu cầu của nghề và thị trường lao động...
Về việc một số sinh viên chọn ngành có đặc thù trái với tính cách, ông Phan lý giải, mỗi người ai cũng có những lúc hướng nội hoặc hướng ngoại, nhưng trong những tình huống quan trọng thì có mặt tính cách sẽ nổi bật hơn. "Khi đó, ta sẽ thành công trong những công việc thiên về hướng nội hay hướng ngoại chứ không thể định khuôn sẵn một ngành nghề nào đó dành cho người có tính cách hướng ngoại hoặc hướng nội", tiến sĩ Phan chia sẻ.
Theo ông Phan, việc chọn ngành "trái dấu" với tính cách cũng mang đến những lợi ích thiết thực cho sinh viên. "Điều quan trọng nhất là vượt qua giới hạn của bản thân, nỗ lực thực hiện tốt công việc dù không phù hợp với tính cách cá nhân. Điều này rất cần ở các bạn trẻ, vì không thử sức thì không thể khám phá giới hạn của chính mình và đạt được thành công", ông Phan nói.
Ông Phan chia sẻ, việc chọn nghề không chỉ dựa vào tính cách, trường hợp cụ thể như người hướng nội nhưng phải làm việc, tiếp xúc thường xuyên với nhiều người thì phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người có kiểu tính cách hướng ngoại.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Phan đưa ra lời khuyên dành cho sinh viên ngại ngùng, rụt rè khi tương tác xã hội: "Chúng ta nên tập tiếp xúc với nhiều người, từ bạn bè, người quen sau đó là người lạ. Tính cách, kiểu người có sự ổn định, khó mất đi nên đây là một quá trình lâu dài, cần nỗ lực rèn luyện và đặt mục tiêu".
Đối với sinh viên đã, đang hoặc sắp chọn ngành có những đặc thù trái với tính cách, ông Phan chia sẻ: "Ngoài sở thích thì các bạn cần rèn luyện để bản thân phù hợp với ngành nghề đã chọn, nếu thật sự đam mê thì hãy nỗ lực để làm tốt công việc. Con người không sinh ra để phù hợp với tất cả các nghề và chúng ta không thể đòi hỏi công việc phải phù hợp với cá nhân".

Chuyện chọn sai ngành: Chấp nhận hay phá bỏ hiện thực? - Ảnh 3

Khi lựa chọn ngành nghề cần quan tâm và cân nhắc trên nhiều yếu tố

4. Làm gì khi chọn sai ngành?

TS tâm lý Bùi Hồng Quân, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng nếu xác định mình chọn sai ngành, sai trường từ năm 1, 2, sinh viên nên chuyển sang ngành, trường phù hợp nhưng cần đánh giá khả năng có thể chuyển hay không. Nếu đã học đến năm 3 và 4, cần cân nhắc có thể học xong rồi học ngành mình thích sau. Có thể học song ngành, song trường nếu đủ khả năng.
"Sinh viên cần trao đổi kỹ với gia đình để có sự thống nhất. Gia đình nên lắng nghe, phân tích và đồng hành với sinh viên để đưa ra quyết định" - ông Quân tư vấn.
Tương tự, ông Thắng cho rằng khi muốn bỏ ngành đã chọn, sinh viên cần cân nhắc mình sẽ được gì và mất gì trước khi quyết định bỏ hay cố gắng học tiếp.
"Giờ phương thức tuyển sinh của các trường đa dạng và linh hoạt hơn chứ không khó khăn như trước, cơ hội rẽ sang ngành và trường khác thuận lợi hơn. Tôi sẽ khuyên sinh viên nếu chọn sai ngành thì nên thay đổi, thi lại vào ngành, trường phù hợp hoặc chuyển sang ngành khác. Bởi nếu chọn sai ngành, không chỉ học khó khăn do không hứng thú mà ngay cả khi ra trường được, làm công việc mình không thích sẽ không mang lại hiệu quả cao" - ông Thắng nói thêm.
Trong khi đó, ông Dũng đề xuất Bộ GD-ĐT cần có quy định phù hợp hơn trong tình hình thực tế hiện nay. Theo ông Dũng, dù bộ đã có quy định cho sinh viên đủ điều kiện học song ngành trong cùng trường, sinh viên có thể chọn học thêm ngành học phù hợp với mình.
Tuy nhiên, điều này rất khó cho sinh viên vì nhiều lý do. Chi phí học tập sẽ tăng lên rất nhiều. Vì không thích ngành thứ nhất, chán học nên nếu học tiếp ngành thứ hai sinh viên sẽ khó hoàn thành cả hai chương trình do quy định phải hoàn thành chương trình thứ nhất mới được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai.
"Bộ nên có quy định cho phép sinh viên được chuyển ngành trong cùng trường để họ có thể chọn lại ngành phù hợp, không mất thêm thời gian và tiền bạc thi lại từ đầu" - ông Dũng đề xuất.