Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh

Theo đề xuất của một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, sau năm 2015, cấp tiểu học sẽ học 37 tuần/năm học thay vì 35 tuần như hiện nay. Đặc biệt, số môn học sẽ được rút gọn để lớp ít nhất chỉ học ba môn.

Tích hợp để giảm môn học

Chương trình lớp 1 hiện hành gồm 8 môn học (toán, tiếng Việt, đạo đức, Tự nhiên & Xã hội, âm nhạc, mỹ thuật, thủ công, thể dục) và hai hoạt động giáo dục tập thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp. Sau năm 2015, học sinh lớp 1 sẽ chỉ phải học ba môn: Tiếng Việt, Toán, Cuộc sống quanh ta.

chương trình tiểu học sau đổi mới

Chương trình mới cấp tiểu học sẽ giảm từ 11 môn học xuống còn 8.

Ngoài ra, các em sẽ được tham gia bốn hoạt động giáo dục: nghệ thuật, thể chất, hoạt động tập thể, tự chọn (bốn hoạt động này sẽ được duy trì trong suốt cấp học). Lên lớp 2, các em được học thêm môn đạo đức, còn môn Cuộc sống quanh ta sẽ được thay bằng môn Tự nhiên & Xã hội. Lên lớp 3, các em được học thêm ngoại ngữ.

Lớp 4 và lớp 5 cũng tương tự như lớp 3, nhưng môn Tự nhiên & Xã hội được tách ra thành hai môn Tìm hiểu Xã hội và Khoa học- Công nghệ. Như vậy, học sinh tiểu học phải học nhiều nhất là 6 môn và 4 hoạt động giáo dục trong năm học.

**Chương trình sách giáo khoa: Đổi mới và khó khăn

Thiết kế này được cho là hoàn toàn phù hợp với chủ trương tích hợp để giảm tải mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhiều lần nhắc tới khi nói về chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. “Thiết kế nội dung giáo dục phổ thông theo hướng tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên”, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết.

Bối rối với đội ngũ thiếu chuyên nghiệp

Theo GS Đinh Quang Báo, khó khăn hiện nay là ta không có cơ sở (viện hay trung tâm) nghiên cứu biên soạn sách giáo khoa (SGK) riêng biệt như ở một số nước khác trên thế giới, cho nên không có đội ngũ các nhà sư phạm chuyên sâu về SGK, hoạt động chuyên nghiệp biên soạn SGK. Phần lớn các tác giả tự rút kinh nghiệm qua tham gia nhiều đợt biên soạn SGK nên tuy rất uyên bác về chuyên môn nhưng còn hạn chế về tri thức giáo dục học. Để tham gia tư vấn hoặc trực tiếp xây dựng ý tưởng làm chương trình, biên soạn SGK, các chuyên gia chỉ còn cách học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển.

Theo PGS TS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, quan điểm thiết kế chương trình sau năm 2015 của Bộ GD&ĐT đã tiếp cận với xu hướng chủ đạo của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Do định hướng tổng thể, chương trình giáo dục chung sẽ kết thúc vào cuối lớp 9 nên nội dung tất cả các môn học đều phải nhắm tới mục tiêu giúp học sinh hình thành và phát triển các năng lực căn bản.

PGS Bùi Mạnh Hùng cũng gợi ý nếu ta muốn tích hợp mạnh ở lớp 1 và lớp 2 thì nên tham khảo mô hình giáo dục của Hàn Quốc, vì họ xử lý khá tốt vấn đề này. Ông Hùng cũng so sánh với giáo dục tiểu học của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ rồi chỉ ra thực tế là không có nước nào có môn Thủ công. Trong khi đó ở ta, đây là môn tiêu khá tốn thời gian của phụ huynh (phải làm hộ con). “Nhiều nội dung không thích hợp với cuộc sống hiện đại, vì vậy nên tính việc bỏ môn này. Nếu xét thấy có một số kỹ năng cần thiết thì tích hợp nó vào trong một môn chung là môn Công nghệ”, ông Hùng đề xuất.

Theo tác giả Quý Hiên, tiền phong