Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Nhiều ý kiến đã nêu bật lên yêu cầu và giải pháp cần có khi đổi mới chương trình, SGK.

Tuần qua, tại Hà Nội, Nhà xuât bản giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế: “Đổi mới và hiện đại hóa chương trình và sách giáo khoa (SGK) theo định hướng phát triển bền vững”.

Hội thảo tập trung vào bốn mục tiêu chính: Những định hướng trong đổi mới và hiện đại hóa SGK phổ thông; Xây dựng, phát triển, sử dụng SGK và học liệu điển tử; Xây dựng và phát triển mô hình SGK mới và hiện đại; Đánh giá và sử dụng SGK trong nhà trường phổ thông hiện đại.

Đổi mới và những khó khăn cần gỡ

Theo GS.TS Nguyễn Lộc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, việc biên soạn và phát triển SGK phổ thông phải tuân theo định hướng xây dựng chương trình sau năm 2015, kiến thức sẽ chú trọng vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Cụ thể, chỉ  lựa chọn một số nội dung cơ bản, gần gũi với cuộc sống nhằm hình thành năng lực, giúp học sinh biết giải quyết các vấn đề và tình huống trong cuộc sống thường nhật.

Vì vậy chương trình phải được thiết kế thuận lợi cho việc tổ chức quá trình giáo dục bằng các hoạt động của chính người học, ông Lộc bày tỏ.

sách giáo khoa sau năm 2015

Đổi mới sách giáo khoa sau 2015

Đồng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội lại đưa ra dẫn chứng về mô hình SGK Tiếng Việt.

“SGK không còn mô phỏng con đường hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của con người nữa mà đặt học sinh vào những tình huống giao tiếp thật. Giáo viên sẽ đánh giá được nhu cầu  về từ ngữ và cấu trúc để cung cấp cho người học thay vì áp đặt như trong cấu trúc truyền thống”- ông Thuyết cho hay.

Hiện trong những mô hình SGK được áp dụng ở các nước trên thế giới, thích hợp nhất với bộ SGK Tiếng Việt tiểu học sau 2015 là mô hình giao tiếp, ông Thuyết nêu ý kiến.

**Hiện đại hóa sách giáo khoa

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng đặt ra vấn đề rằng: Công việc giảng dạy sẽ gặp khó khăn khi thay đổi chương trình.

Theo GS. Nguyễn Lộc, không chỉ là người truyền thụ kiến thức, nhiệm vụ chính của người giáo viên sẽ là tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học, tự khai thác kiến thức, vận dụng kiến thức để hình thành năng lực, phẩm chất, kĩ năng và khả năng thích ứng với môi trường.

“Về bản chất, việc giảng dạy chứa đựng yếu tố bảo thủ. Trong thực tiễn, phương pháp giảng dạy tương đối khó thay đổi”- GS.TS Mike Horsley, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu quốc tế về SGK và phương tiện giáo dục (IARTEM) cho hay.

Ông Mike cho biết thêm, việc thay đổi có ảnh hưởng đến một số khía cạnh trong cách thức giảng dạy chuyên môn của giáo viên khiến cho họ có phần bảo thủ hơn và có thể phản đối. Việc sử dụng SGK đòi hỏi sự trợ giúp về mặt chuyên môn và các nguồn lực mới hỗ trợ và đầu tư.

Là một trong nhưng người tham gia biên soạn bộ sách Đại số nâng cao lớp 10 đến lớp 12, ông Nguyễn Huy Đoàn, nguyên chủ biên, cho biết: “Chính vì tính bảo thủ nên nhiều giáo viên cứ mang nhưng nội dung quá khó ra để giao bài tập cho học sinh”.

Ông Đoàn cũng cho rằng, ý kiến giáo viên vẫn còn bảo thủ trong phương pháp dạy là hoàn toàn chính xác. “Đặc biệt ở Việt Nam, tính bảo thủ của giáo viên còn rất nặng nề. Mặc dù có sách mới, yêu cầu đổi mới nhưng nhiều giáo viên còn mang giáo án cũ ra để dạy”, ông Đoàn nêu ví dụ.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Đoàn, cần phải thay đổi ở khâu ở đào tạo và quản lý, SGK chỉ có thể tham gia phần nào. Để khắc phục sự bảo thủ của giáo viên, cần đổi mới thi cử, nhất là thi ĐH.

“Lâu nay chúng ta cứ căn cứ vào chương trình SGK, rồi giáo viên nào luyện thi có đề luyện sát với đề thi ĐH nhất, nhiều học sinh đỗ ĐH nhất thì học sinh theo nhiều, như vậy khó đổi mới được phương pháp dạy của giáo viên”.

Một hay nhiều bộ sách?

Cũng tại Hội thảo, vấn đề nên có nhiều hay chỉ có một bộ SGK cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

GS.TS Nguyễn Lộc cho rằng, trên cơ sở chương trình giáo dục quốc gia, có thể có nhiều bộ SGK và Bộ GD & ĐT trực tiếp thẩm định, cho phép sử dụng nếu đạt chất lượng.

Ngoài ra ông Lộc cũng nêu ý kiến, có thể biên soạn SGK theo ba vùng: vùng đô thị, vùng nông thôn và vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

***SGK cũng cần sự cạnh tranh

Đồng quan điểm trên, GS.TS Olena Pometun, Viện Hàn lâm khoa học sư phạm Ukraine cho hay: “Khi có nhiều bộ SGK, học sinh sẽ có nhiều sự lựa chọn những cuốn sách tốt nhất. Việc này sẽ giúp chất lượng sách giáo khoa tăng lên và học sinh sẽ có hứng thú tiếp cận với những bài học thú vị thay vì những bài viết theo lối mòn truyền tải kiến thức”.

GS.Olena cũng cho biết, ngoài cung cấp kiến thức, muốn phát triển kỹ năng cho học sinh thì SGK cũng phải thay đổi. Nếu mục tiêu là hỗ trợ phát triển tính cách cá nhân, lấy học sinh làm trung tâm như của Việt Nam thì SGK cần chứa đựng những yếu tố tác động đến tình cảm, giá trị, suy nghĩ, văn hóa của học sinh.

Còn GS.TSKH Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, về lí luận, lấy tài liệu nào phải trao quyền cho giáo viên. SGK là nguồn tư liệu trong những nguồn tư liệu, nguồn thông tin để đến với học trò và cũng là nguồn để giáo viên sử dụng để tổ chức cho học trò tiếp nhận thông tin. Vì vậy, SGK là nguồn đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin khi mà thông tin đại chúng rất nhiều, các ấn phẩm vô cùng đa dạng.

GS.Báo cũng cho biết, “hiện nay chương trình SGK ở Việt Nam vừa quá tải, vừa chưa đến tải. Chúng ta chưa trang bị được cho học sinh những kiến thức để vận dụng vào cuộc sống, đó là chưa đến tải. Nhưng chúng ta quá tải về những kiến thức nhiều khi quá cao, quá thừa. Chúng ta phải gọt rũa bớt để hình thành năng lực ứng dụng vào đời sống cho học sinh”.

Liên quan tới vấn đề này, được biết, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức một buổi hội thảo mang tầm quốc gia.

Theo tác giả Đăng Huy, tổ quốc