Visa du học là một trong những yếu tố quan trọng khi đi du học. Để hoàn thành hồ sơ visa du học, bạn cần chứng minh tài chính. Vậy chứng minh tài chính là gì? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng minh tài chính.

Tổng hợp những điều bạn cần biết về chứng minh tài chính khi đi du học - Ảnh 1

Bạn đã nắm được những cách chứng minh tài chính khi du học chưa?

1. Chứng minh tài chính du học là gì?

Chứng minh tài chính du học là việc bạn chuẩn bị mọi giấy tờ để chứng mình với đại sứ quán rằng bạn hoặc gia đình bạn có khả năng tài chính để chi trả trong thời gian đi du học, Bởi vì chỉ khi gia đình có khả năng tài chính đủ mạnh thì mới có thể cho con em mình theo học ở trường quốc tế được, không cần phải sang lao động kiếm tiền hay trốn ở bên đó.

Hiện nay việc xin visa đi du học, du lịch, thăm người thân, khám chữa bệnh … Lãnh Sự Quán các nước sẽ yêu cầu Khách hàng phải cung cấp các giấy tờ để chứng minh năng lực tài chính như : sổ tiết kiệm, giấy xác nhận số dư tài khoản ngân hàng với số tiền từ 10.000 USD đến 100.000 USD trước thời điểm xin visa từ 01 đến 06 tháng để đảm bảo khả năng chi trả học phí, chi phi cho chuyến đi.

Chứng minh tài chính gồm có 2 phần chính đó là số tiền trong sổ tiết kiệm và nguồn thu nhập định kỳ hàng tháng của bạn, Những nguồn tài sản khác, giấy tờ khác như bất động sản, giấy tờ sở hữu xe, nhà đất,… chỉ là phần phụ bổ sung thêm các phần chứng minh thu nhập cho chứng minh tài chính thêm vững vàng.

2. Vì sao phải chứng minh tài chính khi du học?

Việc chứng minh tài chính nhằm giúp bạn thiết lập sự cam kết với Đại sứ quán các nước về khả năng kinh tế của bạn và gia đình. Theo đó, tài chính của bạn đủ mạnh đồng nghĩa với việc bạn có đủ kinh phí để trang trải cho việc học tập tại nước ngoài. Bạn có thể tập trung cho việc học tập thay vì phải lo lắng đi làm thêm để trang trải học phí, chi phí sinh hoạt,... Điều này cũng nhằm hạn chế tình trạng mượn danh nghĩa đi du học để sang làm việc, cư trú bất hợp pháp hay có bất cứ ý định nào khác.

3. Chứng minh tài chính bao nhiêu là đủ?

Sẽ không có một câu trả lời chung cho việc chứng minh tài chính bao nhiêu là đủ bởi điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quốc gia bạn dự định du học, trường đại học/ khóa học bạn đăng ký, hay thậm chí là thành phố bạn sinh sống.

Lấy ví dụ, việc chứng minh tài chính xin visa du học Anh sẽ phụ thuộc vào các yếu tố:

  • Thành phố bạn dự định du học (London hay ngoài London) quyết định mức chi phí sinh hoạt tại Anh 
  • Học phí khóa học bạn dự định theo học.

Thông thường, bạn cần chuẩn bị đủ số tiền học phí và sinh hoạt phí trong năm học đầu tiên để chứng minh tài chính xin visa du học Anh. Nếu bạn đã đóng một phần học phí cho trường đại học thì bạn có thể trừ số tiền đó khỏi khoản tiền chứng minh tài chính du học, với điều kiện đã nộp kèm bằng chứng chuyển khoản tiền học cho nhà trường.

Hiện nay, có một số quốc gia không yêu cầu chứng minh tài chính (ví dụ như Canada). Tuy nhiên, trên thực tế, bạn vẫn cần chuẩn bị một số giấy tờ bắt buộc hoặc đóng đầy đủ học phí trước khi theo học để chứng minh khả năng tài chính của mình.

4. Bạn có thể chứng minh tài chính như thế nào?

Bản chất của chứng minh tài chính du học các nước thường giống nhau, gồm 2 phần cơ bản là sổ tiết kiệm và hồ sơ chứng minh thu nhập, ngoài ra còn có chứng minh tài sản sở hữu. Thực tế, 2 phần này có liên quan và bổ sung cho nhau. Nếu như sổ tiết kiệm chứng minh khả năng chi trả học phí, chi phí đi lại, sinh hoạt phí thì hồ sơ chứng minh thu nhập sẽ cho thấy nguồn gốc thu nhập hàng tháng, hàng quý hay hàng năm, đồng thời sẽ trả lời cho câu hỏi tiền trong sổ tiết kiệm ở đâu ra.

4.1. Sổ tiết kiệm

Đây là một trong những phương thức chứng minh tài chính cơ bản nhất khi làm hồ sơ du học. Thực chất, đây cũng là một loại tài sản. Lãnh sự cần xem xét những tài sản có tính thanh khoản cao (hay còn gọi là tính lưu động), trong đó tiền mặt là loại tài sản lưu động có tính thanh khoản cao nhất. Dù vậy, họ lại không thể yêu cầu người nộp đơn xin visa mang toàn bộ số tiền mặt theo quy định lên để đếm, và giải pháp thay thế là sổ tiết kiệm. Sổ tiết kiệm có tính thanh khoản chỉ kém tiền mặt và được ngân hàng xác nhận, do đó có độ tin cậy cao. Vì vậy, Lãnh sự các nước đều yêu cầu chứng minh tài chính thông qua sổ tiết kiệm. Bạn sẽ cần xuất trình sổ và xác nhận số dư của ngân hàng trong tài khoản tiết kiệm.

Số tiền cần có trong sổ tiết kiệm sẽ khác nhau tùy quy định của quốc gia lẫn khóa học của bạn. Bạn cũng cần lưu ý về thời hạn mở sổ tiết kiệm. Thời hạn mở sổ ở đây được tính từ lúc bạn lập sổ cho đến lúc nộp hồ sơ visa. Úc, New Zealand, Mỹ, Canada tương đối giống nhau, bạn cần mở trước 3 tháng khi nộp hồ sơ xét duyệt visa hoặc lý tưởng nhất là 6 tháng. Đối với nước Anh thì chỉ cần mở sổ trước khi nộp hồ sơ 28 ngày là hợp lệ.

4.2. Hồ sơ chứng minh thu nhập

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc là vì sao đã có sổ tiết kiệm rồi mà vẫn phải chứng minh thu nhập. Rất đơn giản, Lãnh sự muốn biết nguồn gốc của số tiền đó là từ đâu. Hồ sơ chứng minh thu nhập sẽ cho thấy thu nhập hàng tháng, hàng quý, hàng năm của bạn hoặc bố, mẹ, người bảo trợ tài chính cho bạn. Nguồn thu nhập này có thể đến từ tiền lương hàng tháng, lợi nhuận kinh doanh, tiền cho thuê nhà/đất, thu nhập từ cổ phần/cổ phiếu hay góp vốn kinh doanh, thu nhập từ nông – lâm – ngư nghiệp… Các khoản thu nhập phải bắt nguồn từ các hoạt động hợp pháp, có tính ổn định. Đó cũng là nguồn tích lũy để hình thành sổ tiết kiệm, tài sản khác.

Bạn phải có giấy tờ giải trình nguồn gốc thu nhập của bản thân hoặc những người sẽ hỗ trợ tài chính cho bạn trong suốt quá trình du học. Qua đó phải cho thấy tính minh bạch, hợp pháp, hợp lệ.

Ngoài ra, những tài sản sở hữu có giá trị như nhà đất, bất động sản, xe hơi… cũng là yếu tố giúp hồ sơ của bạn đẹp hơn, tăng tỉ lệ thành công trong việc chứng minh tài chính. Dù những tài sản giá trị có thể không phải là nguồn ngân sách để bạn du học nhưng sẽ giúp khẳng định khả năng tài chính vững vàng, có tính ổn định, nhờ đó độ tin cậy sẽ cao hơn và hồ sơ của bạn cũng có khả năng thông qua thuận lợi hơn.

Tùy thuộc vào mức độ phức tạp lẫn quy trình xét visa của mỗi nước mà yêu cầu xét hồ sơ tài chính cũng sẽ khác nhau. Một số quốc gia chỉ cần bạn trình sổ tiết kiệm, cũng có quốc gia xét đồng thời cả sổ tiết kiệm lẫn nguồn thu nhập. Chẳng hạn như khi du học Úc hay New Zealand, số tiền trong sổ tiết kiệm phải đủ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí, chi phí đi lại cho 1 năm (lý tưởng là 1 – 1,2 tỉ đồng), cộng với chứng minh thu nhập khoảng 50 – 60 triệu đồng/tháng. Lãnh sự quán cũng sẽ căn cứ vào từng hồ sơ cụ thể để yêu cầu bổ sung thêm tài sản sở hữu khác khi cần thiết.

Đi du học sẽ lĩnh hội được những kỹ năng gì?

Làm cách nào để bạn có thể định cư sau du học ở những quốc gia hàng đầu thế giới?

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp