Sĩ tử bắt đầu "cuộc đua" chọn trường ĐH

Chọn trường theo định hướng gia đình, thậm chí “đấu tranh” với bố mẹ để được lựa chọn theo ý thích… là những câu chuyện của các sĩ tử năm nay.

Chọn trường theo sở thích

Đến thời điểm này, khi chuẩn bị tiến hành làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng vào đầu tháng 3/2013, các thí sinh đều đã có những dự định riêng cho mình.

Là gia đình có truyền thống theo ngành công an, Minh Hùng (Nam Định) chia sẻ: “Bố mẹ đều là người trong ngành nên năm nay em cũng sẽ nộp hồ sơ vào Học viện An ninh nhân dân. Do điểm đầu vào khối A của trường khá cao nhưng em vẫn quyết tâm đi theo ngành mà gia đình đã định hướng”.

Đam mê hội họa từ nhỏ, Đức Tiến (Đống Đa, Hà Nội) đã từng tham gia nhiều hội nhóm mỹ thuật của thành phố. Không những thế, chàng trai này còn theo học nhiều lớp dạy vẽ tại Cung văn hóa thiếu nhi, hay của các thầy giáo uy tín. Chia sẻ về dự định chọn trường trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới, Tiến cho biết: “Em rất thích trở thành thầy giáo dạy vẽ, vì vậy ngay từ đầu cấp 3 em đã xác định mình sẽ thi vào trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Hy vong với nỗ lực trong thời gian qua, em sẽ thực hiện được ước mơ của mình”.


Chọn trường theo định hướng gia đình hay nhu cầu xã hội?

Nhiều thí sinh được chọn trường theo đúng sở trường. (Ảnh minh họa)

Bạn Ngọc Bảo (Định Công, Hà Nội) là thí sinh đã từng tham gia kỳ thi tuyển sinh năm 2012, tuy chỉ đỗ nguyện vọng 2 vào ĐH Dân lập Thăng Long nhưng chàng trai này vẫn nuôi ý chí quyết tâm thi lại theo đúng mong muốn của mình. Bảo chia sẻ: “Mình đang theo học khoa Kinh tế - Quản lý nhưng nguyện vọng của mình là trở thành kiến trúc sư. Vì vậy năm nay mình sẽ đăng ký dự thi lại vào ĐH Kiến Trúc để tiếp tục theo đuổi ước mơ”.

Chọn trường theo định hướng gia đình, nhu cầu xã hội

Do kinh tế suy thoái, những năm gần đây, một bộ phận sinh viên theo học các ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế không tìm được việc làm. Thông tin này cũng ảnh hưởng đến việc chọn trường của các thí sinh.

Minh Long (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Năm lớp 10 mình rất thích khoa Tài chính – Ngân hàng của ĐH Kinh tế Quốc dân. Tuy nhiên, do nghe được thông tin nhiều trường cắt giảm chỉ tiêu vì sinh viên không có việc nên mình đã quyết định thay đổi lựa chọn đăng ký dự thi vào ĐH Bưu chính Viễn thông”.

Chọn trường theo định hướng gia đình hay nhu cầu xã hội?

Suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến việc chọn trường của thí sinh. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh những bạn đã xác định rõ nguyện vọng, sở trường của mình, nhiều thí sinh do băn khoăn về khả năng của bản thân thường hỏi ý kiến gia đình trước khi chọn trường. Ngọc Anh (Trực Ninh, Nam Định) tâm sự: “Lực học của mình chỉ ở mức trung bình khá, nên cũng rất băn khoăn khi lựa chọn giữa ĐH Thương MạiĐH Mỏ địa chất. Tuy nhiên sau khi được anh trai đã từng thi đại học tư vấn mình đã quyết định lựa chọn ngành Hóa dầu của ĐH Mỏ Địa chất. Vì cơ hội nghề nghiệp của ngành này trong tương lai rất lớn, hơn nữa điểm đầu vào không quá cao. Hy vọng với định hướng này của gia đình sẽ giúp mình đỗ đại học”. Xem thêm:  Tư vấn chọn trường khối A

"Băn khoăn đứng giữa hai dòng nước"

Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều thí sinh vẫn chưa quyết định trường đại học, cao đẳng sẽ đăng ký dự thi, và đang tiếp tục cân nhắc đến khi hết hạn nộp hồ sơ.

Bạn Mai Lan (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Em rất thích trở thành luật sư. Tuy nhiên em đang băn khoăn nên nộp hồ sơ vào Khoa Luật (ĐH Quốc gia HN) hay ĐH Luật thì tốt hơn. Có lẽ em vẫn sẽ làm hai bộ hồ sơ và cân nhắc đến khi gần hết hạn sẽ quyết định nộp vào đâu”.

Quỳnh Chi (Nam Định) lại đang mắc phải tình huống trớ trêu khi quyết định chọn trường thi đại học. Chi là học sinh giỏi của lớp, việc thi đỗ đại học nằm trong khả năng, nên gia đình muốn hướng em thi vào ĐH Y Hà Nội khoa Răng Hàm Mặt.

Do rất cá tính và đam mê nghề báo, Chi lại dự định nộp hồ sơ vào HV Báo chí tuyên truyền. Sợ con theo nghề báo vất vả, gia đình Chi kịch liệt phản đối. Vì vậy, dù sắp đến ngày phải tiến hành làm hồ sơ thi đăng ký dự thi, Chi vẫn chưa thống nhất được với gia đình và đang tiếp tục “đàm phán”. Cô bạn này chia sẻ: “Hiện tại chắc mình vẫn đang cố gắng thuyết phục bố mẹ, có thể đến gần ngày hết hạn nộp hồ sơ mình mới làm”.

Dù chọn trường vì lý do gì, các thí sinh và gia đình cần cân nhắc yếu tố về năng lực, nhu cầu của xã hội và nguyện vọng của bản thân để cánh cửa vào đại học, cao đẳng có thể rộng mở. Nên xem:  Nội dung chương trình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp năm 2013

Ngành nào phù hợp?


Con tôi dự định thi ngành hóa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, cháu có điểm trung bình các môn thi trên 8, liệu khả năng đậu có cao không? Sinh viên ngành hóa của trường tìm việc có dễ không?

TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, trả lời: Với điểm trung bình các môn trên 8, cháu là học sinh giỏi. Ngành hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có điểm chuẩn khối A hằng năm khoảng 16, 17. Từ năm 2012 và năm nay trường tuyển thêm khối B. Học sinh khá các môn thuộc khối A hoặc B có thể trúng tuyển ngành này.

Sinh viên tốt nghiệp ngành hóa có nhiều cơ hội làm việc trong các viện nghiên cứu, cơ quan doanh nghiệp sản xuất kinh doanh liên quan đến hóa chất, ngoài ra còn có thể hội nhập và thích ứng nhanh chóng với những ngành nghề mang tính ứng dụng thực tiễn như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm hoặc các lĩnh vực khoa học có liên quan khác như công nghệ sinh học, môi trường, địa chất, vật liệu. Hầu hết sinh viên có việc làm trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến kiến thức được đào tạo tại trường.

Ngành kinh tế vận tải ở Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM có khác gì ngành kinh tế ở các trường kinh tế? Nguyên Khang (quận 7 - TPHCM)

ThS Trần Thiện Lưu, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, trả lời: Khối ngành kinh tế tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM bao gồm: Ngành kinh tế xây dựng (chuyên ngành kinh tế xây dựng và chuyên ngành quản lý dự án xây dựng), ngành khai thác vận tải (chuyên ngành quản trị logistic và vận tải đa phương thức), ngành kinh tế vận tải (chuyên ngành kinh tế vận tải biển).

Khối ngành kinh tế của trường khá đặc thù, đều là những ngành liên quan trực tiếp đến lĩnh vực giao thông vận tải. Ngoài các kiến thức về kinh tế nói chung, sinh viên các chuyên ngành này được trang bị nhiều kiến thức kỹ thuật ngành có liên quan.

Theo Báo Công Lý