GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | BAO GIAO DUC | KHOA GIÁO | GIÁO DỤC QUỐC TẾ

Gần 8 tháng nữa các bé sinh năm 2007 mới vào lớp 1 nhưng trên các diễn đàn đã "sôi sùng sục" chuyện các mẹ thảo luận, tìm hiểu chọn trường cho. Thậm chí có bé mới 4 tuổi, mẹ đã lo..."chạy trường" từ bây giờ.

Trên các diễn đàn dành cho cha mẹ như webtretho, lamchame... những “topic” xin lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm về việc chọn trường cho con ít khi “nguội”. Nhiều ông bố bà mẹ vẫn băn khoăn lựa chọn giữa trường đúng tuyến và trái tuyến, giữa trường điểm và trường thường hay tìm lớp học trước cho con. Tuy nhiên, dường như năm nay các bậc phụ huynh quan tâm kĩ tới chương trình học, hoạt động của từng trường hơn là những cái tên.

Trường thường lên ngôi?

Chia sẻ với nỗi lo của bà mẹ Quynhviet ‘sợ trường thường môi trường không tốt bằng trường điểm’ mặc dù đã phân tích thiệt hơn khá kĩ, một số mẹ đã đưa ra những quan điểm khá thoáng. Mẹ Cuamit cho rằng trường điểm tất nhiên là tốt nhưng không phải 100% lớp hoặc 100% học sinh trong lớp đều tốt, trường thường cũng không phải không có lớp tốt, cô dạy tốt. Theo chị, tiếng tăm của trường cũng chỉ là một phần, quan trọng là tìm được giáo viên tốt để gửi gắm thì cái tốt mới trực tiếp có lợi cho con mình.

 

Trăn trở chọn trường cho con của phụ huynh | Tư vấn chọn trường

Trường Mẫu giáo Tương Mai, Hà Nội. (Ảnh có tính chất minh họa: Bích Ngọc)

 

Chị Phương Thảo, Nguyễn Nhung thì lại nghĩ phải tùy theo sức học của con để chọn trường. “Hàng năm bao nhiêu bạn thi đỗ thủ khoa vào các trường đại học có được mấy bạn học trường điểm đâu ạ!” - chị chia sẻ quan điểm.

Hồng Nhung - một cô giáo hiện dạy trường quốc tế phân tích thiệt hơn của cả trường điểm và trường thường: Ở trường thường có nhiều học sinh hư hỏng đua đòi, ít nhiều bé cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ở các trường dân lập, song ngữ… nhìn chung đào tạo các kỹ năng, ngoại ngữ tốt nhưng các môn còn lại thì lại rất tệ. “Toán, Lý, Hóa, Văn… nói chung là trên lớp cô chỉ dạy cho có... Kiến thức cơ bản không nắm được, bài tập sách giáo khoa và sách bài tập không đụng đến và cũng không làm đươc....”

Đồng tình với ý kiến này, một bà mẹ cũng cho rằng học trường điểm trẻ có khả năng phát triển đầy đủ và toàn diện hơn, tuy nhiên nếu bé có năng lực thực sự thì lên cấp 2 học trường điểm cũng chưa muộn. “Cấp 1 mà gây nhiều áp lực cho trẻ cũng không tốt”.

Tham khảo lời khuyên của nhiều người và rút kinh nghiệm từ cô con gái lớp 5 suốt ngày cắm đầu vào bàn học, không có cả ngày cuối tuần, cuối cùng bà mẹ Quynhviet quyết định cho con vào trường thường nhưng chọn thầy cô tốt để bé có thời gian chơi, hòa đồng vào cuộc sống.

Trường công là lựa chọn hàng đầu của các mẹ không có điều kiện cho con học trường dân lập, quốc tế. Tuy nhiên, chọn trái tuyến hay đúng tuyến cũng là một vấn đề khó. Mẹ Meocon cho rằng đều là trường công, giáo trình cũng giống nhau, không có gì đặc biệt. Độ “hot” chỉ phụ thuộc vào tên tuổi các trường. Chọn trường “hot” hơn thì phải chấp nhận lớp đông, phụ huynh nào cũng muốn cô quan tâm con mình là điều không thể. Vả lại, cũng theo phụ huynh này, trường “hot” cũng có nhiều phụ huynh “hot”, các khoản đóng góp cũng cao hơn, sẽ khó ganh đua.

Quan điểm của chị là chọn trường gần nhà, ít học sinh để cô chăm tốt và về nhà phụ huynh phải kèm bé là chính.

Tiếng Anh được ưu tiên

Với các mẹ dự định cho con học trường dân lập thì mối quan tâm lớn nhất là chương trình tiếng Anh và các hoạt động ngoại khóa. “Có mẹ nào có thể làm cái so sánh giữa NS, ĐTĐ, LQĐ được không? Chương trình học bên nào tốt hơn, số tiết tiếng Anh người bản ngữ dạy/ tuần?...”

Thông tin về chương trình học tiếng Anh ở các trường được các mẹ quan tâm kĩ lưỡng, cụ thể. “Ở NS, tiếng Anh giáo viên bản ngữ + trợ giảng 4/5 tiết/ tuần, 1 tiết GV Việt Nam hệ thống lại kiến thức trong tuần (tiếng Anh học cả Ngôn ngữ, Toán và Khoa học theo chuẩn Cambridge)”.

“ĐTĐ bắt đầu dạy thêm môn Khoa học và Toán bằng tiếng Anh cho các con từ năm hình như là lớp 4. Giáo trình tiếng Anh của ĐTĐ hiện nay khó và hay hơn, thi tiếng Anh của ĐTĐ đề thi cũng thông minh hơn, chứ không học gì thi đúng như vậy ở LQĐ.

Các hoạt động phong trào của ĐTĐ rất nhiều và involve (thu hút) các con thực sự nên bọn trẻ con thích” - một mẹ chia sẻ.

“Ở NS, con lớn của mình 2003 được học Toán và Khoa học tiếng Anh từ lớp 3, còn cậu em 2005 thì học từ lớp 1 rồi nhé! Ở lớp con mình, có cái hay là GV bản ngữ dạy ngôn ngữ, toán, khoa học là 3 giáo viên riêng biệt ạ. Đương nhiên GV ngôn ngữ và GV trợ giảng người Việt là sát sao nhất với các con”.

Học trước vẫn là thượng sách

Trên các diễn dàn có tiếng như webtretho, lamchame, nhiều bậc phụ huynh cũng đang nhộn nhịp tìm lớp học trước cho con. Các mẹ thường chia sẻ thông tin về nơi ở, sau đó tập trung các bé ở gần nhau, chọn cô dạy trước cho con để vào lớp 1 các con đỡ bỡ ngỡ, thua kém bạn bè. Nhiều mẹ dự định ra Tết (âm lịch) sẽ là thời gian lý tưởng để các con bắt đầu làm quen với sách vở.

Một thành viên có nickname “Mẹ Pig” lo lắng “con mình chỉ học đơn thuần ở mẫu giáo thì thi thố làm sao đây?” Một phụ huynh khác chia sẻ về kế hoạch cho con học trước: “Nhà tớ chắc ra tết mới cho đi học chữ, đứa đầu tớ để đến 15/6 mới đi học chữ mà cũng chẳng làm sao cả , đứa thứ 2 con gái cảm thấy còn bình chân hơn í, nhưng giờ con gái có vẻ thích học chữ lắm rồi nên chắc sẽ cho đi học sau tết”.

“Con gái tớ cũng chưa biết đọc gì đây, đang tìm lớp cho học chữ để đọc viết mà không biết tìm ở đâu đây. Mẹ nào biết ở khu vực Mỹ Đình, Mễ Trì chỉ tớ với nhé. Tớ vẫn muốn cho con đi học trước để lúc đi học đỡ vất vả...” - mẹ Yến lo lắng.

“Cu nhà mình cũng ngô nghê lắm, chẳng biết vào lớp 1 có theo được không vì cháu sinh cuối năm nên non hơn các bạn khác. Mẹ nào cho con đi học luyện chữ ở đâu giới thiệu nhà cháu với nhé!”. Những tâm sự như thế này vẫn là lo lắng chung của các bậc phụ huynh có con sinh năm 2007.

 


Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây.