Điểm thi cao nhưng vẫn... rớt

Trong khi nhiều trường ĐH có sự biến đổi không ngừng về điểm đầu vào thì ở các ngành khối y dược vẫn luôn ổn định với mức điểm cao. Năm 2010, ĐH Y Hà Nội có điểm chuẩn từ 18,5 đến 24;  ĐH Y Dược TP.HCM cũng dao động từ 16,5 đến 24 điểm; trường ĐH Y Dược (ĐH Huế) cũng từ 17 đến 23 điểm; trường ĐH Y Hải Phòng từ 18 đến 22,5…


Tuy nhiên, điều này không có nghĩa đạt điểm cao là TS sẽ trúng tuyển. Hằng năm vẫn có nhiều TS dù điểm thi khá cao nhưng vẫn bị rớt ngay nguyện vọng (NV) 1. Ví dụ ngành Bác sĩ đa khoa tại ĐH Y Dược TP.HCM mỗi năm có khoảng 5.500 TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) trong khi chỉ tiêu là 500. Theo thống kê của trường, mỗi năm có từ 400 - 500 TS có tổng điểm thi 3 môn trên 20 không trúng tuyển vào ngành này. PGS-TS Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng: “Với những TS trên, nếu đăng ký vào ngành có điểm chuẩn thấp hơn như Bác sĩ y học cổ truyền, Bác sĩ y học dự phòng... thì đã có cơ hội trúng tuyển”. Ông Xuân nhấn mạnh: “Vấn đề ở đây là các TS này đã chưa có sự lựa chọn ngành thi phù hợp với sức học của mình. Với những ngành học đó, những học sinh có học lực giỏi có khả năng thi đạt từ 24 - 25 điểm thì mới nên đăng ký vào. Lưu ý thêm rằng, thông thường các ngành như vậy thường chỉ lấy NV1, nếu có xét tuyển thêm NV2 thì cũng với số điểm rất cao”.

Chọn ngành học vừa sức - Ảnh 1
Hình minh hoạ

Chọn ngành hay chọn trường?


“Cùng một ngành học nhưng ở các trường khác nhau lại có mức điểm trúng tuyển khác nhau. Nên cùng một mức điểm thi đó có thể rớt trường này nhưng lại trúng tuyển trường khác. Đó là lý do mà khi viết hồ sơ ĐKDT các em không nên chỉ lựa chọn ngành học mà còn phải xem xét kỹ lưỡng trường mà mình chọn thi”, thạc sĩ Mỵ Giang Sơn - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sài Gòn đưa ra lời khuyên.


Nói về hệ số “chọi” (tỷ lệ TS nộp hồ sơ/chỉ tiêu tuyển sinh), PGS-TS Lý Văn Xuân lưu ý thêm: “Tỷ lệ này là thông tin tham khảo cần thiết, nhưng trong một số trường hợp cần phải so sánh thì rất khập khiễng. Ví dụ, tại ĐH Y Dược TP.HCM ngành Điều dưỡng tỷ lệ này rất cao (60 hồ sơ ĐKDT/CT), trong khi ngành Bác sĩ đa khoa chỉ 10 hồ sơ ĐKDT/CT nhưng không vì thế mà điểm thi đầu vào ngành Điều dưỡng (19 điểm) cao hơn ngành Bác sĩ đa khoa (23,5 điểm). Giữa các trường với nhau cũng vậy, không phải tỷ lệ “chọi” ở trường này cao hơn thì điểm trúng tuyển cao hơn và ngược lại. Vì vậy, để có một cơ hội bước chân vào giảng đường ĐH, điều rất quan trọng là các em phải biết được năng lực thực sự của mình ở đâu và lựa chọn cho đúng”.


Cùng vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nói thêm: “Không chỉ sở thích và năng lực, việc lựa chọn ngành nghề còn phải theo đúng nhu cầu việc làm của xã hội, bởi nếu lựa chọn đúng sẽ giúp người học có cơ hội việc làm tốt hơn khi ra trường. Cũng lưu ý thêm rằng, những ngành nghề được xem là thời thượng những năm trước đó thì xu hướng việc làm sẽ ngày càng đòi hỏi sự cạnh tranh về tính chuyên môn cao hơn”.


Dự báo xu hướng chọn ngành năm 2011


Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM), thì dự kiến xu hướng chọn ngành học năm 2011 chưa có thay đổi lớn so với năm 2010.

Trong đó, dẫn đầu vẫn là các ngành y dược, sư phạm, các ngành kinh tế như tài chính ngân hàng, kế toán, chứng khoán, ngoại thương, thương mại, quản lý môi trường - du lịch, kiến trúc, xây dựng và ngoại ngữ Anh. Nhóm ngành công nghệ thông tin vẫn được nhiều học sinh chọn lựa nhưng giảm nhiều so với các năm trước. Một số ngành kỹ thuật có khả năng được học sinh lựa chọn nhiều hơn so với năm 2010. Một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, nông - lâm - ngư nghiệp... vẫn thuộc nhóm ngành không được nhiều học sinh lựa chọn, có thể do quan điểm cho rằng các ngành khó học, việc làm vất vả và thu nhập không cao.



Nguồn: Thanhnienonline