Tin liên quan
>> Dụng cụ học tập thông minh làm khó phụ huynh học sinh
>> Thiết bị dạy học cần siết chặt hơn
>> Tiền trường đua nhau tận thu
Từ nhiều năm nay, các trường phổ thông ở Hà Nội rộ lên phong trào mua sắm thiết bị bằng tiền đóng góp của phụ huynh. Dư luận cho rằng hiệu quả việc mua sắm rất tù mù khi ngành giáo dục không có cơ chế giám sát cũng như sử dụng từ nguồn xã hội hoá.
Hàng loạt máy chiếu xếp xó…
Cách đây ba năm, nhiều phụ huynh trường THPT P. (Ba Đình, Hà Nội) bất bình về việc nhà trường bắt học sinh các lớp đóng từ 230.000 đồng đến 350.000 đồng/ em để mua máy chiếu.
Tổng số tiền thu được toàn trường là hơn 400 triệu đồng. Hai tháng sau khi lắp máy chiếu, tần suất sử dụng thiết bị này của các thầy cô dạy bộ môn là rất thấp.
Năm ngoái, hiệu trưởng trường P. bị kỷ luật và điều chuyển, hiệu trưởng khác về thay.
Lúc kiểm kê tài sản, trong số 21 máy chiếu được trang bị bằng tiền phụ huynh cho 21 lớp học có 8 chiếc bị hỏng, một thời gian sau hỏng thêm 4 chiếc nữa. Số còn lại hình ảnh mờ nên giáo viên gần như không sử dụng.
Một giáo viên vật lý của trường cho biết: “Cả 21 máy chiếu đều mang nhãn mác của hãng có uy tín. Theo lý thuyết tuổi thọ sử dụng trên 1.000 giờ, thực tế sử dụng chưa được 200 giờ máy đã hỏng. Có thể vì đây là tiền của phụ huynh, cơ chế kiểm soát mua bán không tốt nên người mua đã mua phải hàng Trung Quốc”.
Thời điểm trường P. bắt học sinh đóng tiền mua máy chiếu phong trào sắm thiết bị này (bằng tiền phụ huynh) ở Hà Nội khá rầm rộ nhất là các trường tiểu học.
Chẳng hạn trường Tiểu học T.T (quận Đống Đa) kêu gọi phụ huynh trang bị một loạt máy chiếu cho các lớp khối 1 (nay là khối 3).
Chị H.H, cán bộ nghiên cứu một viện thuộc trường ĐH Bách khoa Hà Nội, phụ huynh chia sẻ: “Hồi ấy tôi nêu ý kiến, với học sinh tiểu học, đặc biệt là lớp 1 không cần đến mức mỗi lớp một máy chiếu nhưng người ta vẫn quyết mua. Thỉnh thoảng tôi hỏi con thì cháu nói chẳng mấy khi dùng. Vì thế tôi càng tin máy chiếu chỉ trưng để làm cảnh”.
… Trào lưu mua bảng tương tác
Năm học này phụ huynh ồn ào việc các trường tiểu học thu tiền phụ huynh để mua bảng tương tác, kèm theo là những phụ kiện như máy tính xách tay, hệ thống loa – âm ly… với mức đầu tư trên dưới trăm triệu đồng/ lớp học.
Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc xã hội hoá để đầu tư mua thiết bị tương tác ở hệ thống trường công lập đã bắt đầu từ cách đây 3 năm mà ngọn cờ tiên phong là trường Tiểu học Thành Công B, quận Ba Đình.
Cô Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường xác nhận sau khi tham quan mô hình lớp học sử dụng thiết bị tương tác ở các trường tiểu học dân lập như Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn cô rất tâm đắc, chia sẻ và được phụ huynh ủng hộ.
Ngay năm học đầu tiên (2009 – 2010), hầu hết phụ huynh đều đồng ý nên nhà trường đã mua và lắp bảng tương tác cho cả 8 lớp khối 1. Hiện chỉ còn 6 lớp khối 5 là không có bảng tương tác.
Được sự khuyến khích của Sở và các Phòng GD&ĐT, nhiều trường tiểu học các quận nội thành Hà Nội đã đồng loạt trang bị bảng tương tác cho các lớp (tất nhiên bằng tiền phụ huynh đóng góp).
Bà Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, nơi có mô hình lớp học dùng bảng tương tác đầu tiên ở Hà Nội, cho biết hiện trường chỉ có 3 bộ dùng chung cho 100 lớp.
Hệ thống trường đa cấp Nguyễn Siêu - một trường dân lập có mức thu học phí cao – cũng chỉ có 4 bộ cho cả 3 cấp tiểu học, THCS, THPT.
Bà Hiền nói: “Với những thiết bị đắt tiền như bảng tương tác, chúng tôi phải rất cân nhắc khi đầu tư. Sau khi tính toán kỹ về hiệu quả chuyên môn chúng tôi thấy không cần phải trang bị nhiều hơn”. Cô Nguyễn Minh Thuý, thành viên Hội đồng Quản trị trường Nguyễn Siêu nhận xét, các trường công lập hiện nay hơi lạm dụng thiết bị dạy học hiện đại: “Tôi đã đi tham quan khá nhiều nước và nhận thấy họ rất ít dùng bảng tương tác cho khối tiểu học. Ngay cả với cấp học lớn hơn họ cũng không làm thí nghiệm ảo trên máy mà làm thí nghiệm thật”.
>> Thu tiền trường có thể đổ đồng cho tất cả phụ huynh?
Những tin tức đang được quan tâm:
Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi
Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi
Kênh Tuyển Sinh (Tienphong)