MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh) là bằng cấp được thế giới công nhận trong lĩnh vực kinh doanh. Sau đây là những chia sẻ về hành trình trúng tuyển và giành học bổng MBA trường top của Bùi Đức Việt.
Những chia sẻ về hành trình trúng tuyển và chinh phục học bổng MBA của Đức Việt sẽ giúp ích cho bạn
Bùi Đức Việt tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Ứng dụng Haaga-Helia ở Phần Lan năm 2018 và hiện làm việc tại Sài Gòn. Sau vài năm đi làm, chàng trai 26 tuổi nộp hồ sơ chương trình MBA (thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) tại Mỹ, hiện đỗ ba trường (top 50) có học bổng.
Việt cho biết, hồ sơ MBA thường gồm bốn phần chính: Resume (sơ yếu lý lịch), Essay (bài luận), Recommendation Letter (thư giới thiệu) và điểm các bài thi chuẩn hóa. Để gây ấn tượng, ứng viên nên có câu chuyện bao trùm cả bộ hồ sơ, với mục đích quảng bá bản thân càng rõ ràng càng tốt.
Đối với các nhóm trường top 20, một câu chuyện hay là điểm khác biệt của bạn với hàng nghìn thí sinh khác sở hữu điểm cao và hồ sơ đẹp, giúp bạn trúng tuyển và được học bổng. Câu chuyện của bạn nên được thể hiện và lồng ghép vào cả bốn yếu tố trong bộ hồ sơ.
Việt lấy ví dụ kể về chuyện "sau khi học xong MBA, bạn mở một công ty về sản phẩm X". Trong khi bài luận diễn giải lý do muốn làm vậy, ba yếu tố còn lại sẽ đưa ra bằng chứng bạn thực hiện điều đó. Trong sơ yếu lý lịch, bạn lồng ghép các kinh nghiệm, dự án liên quan đến sản phẩm X hoặc ngành công nghiệp của sản phẩm X.
"Trong thư giới thiệu, bạn hãy nhờ người viết làm nổi bật kinh nghiệm, tố chất liên quan đến khởi nghiệp, lãnh đạo. Phần điểm số các bài thi, bạn có thể đính kèm khóa học hay chứng chỉ tự học giúp đạt được mục tiêu mở công ty", Việt cho biết.
Ứng viên không nên lặp lại một kinh nghiệm hay trải nghiệm ở các phần trong bộ hồ sơ. Hội đồng tuyển sinh luôn muốn có cái nhìn bao quát, có nhiều data points (điểm dữ liệu) để đánh giá bạn chính xác nhất. Vì thế, ứng viên hãy cho họ thấy thật nhiều khía cạnh của mình thay vì kể đi kể lại một, hai thành tựu mà bạn tự hào.
Theo Việt, hồ sơ MBA giống như một chiến dịch quảng bá cho ứng viên. "Không ai hoàn hảo, nhưng cũng không có công ty nào mang điểm chưa tốt của mình đi quảng cáo. Nếu bạn cảm thấy điểm chưa tốt của mình nhỏ, không ảnh hưởng đến hồ sơ, tốt nhất không nên đề cập", Việt phân tích.
Chàng trai Hà Nội gợi ý, nếu điểm chưa tốt có thể gây trở ngại cho hồ sơ (ví dụ không có GMAT, GMAT thấp, GPA thấp...), bạn hãy khéo léo trình bày nó sao cho nghe như là một điểm mạnh.
Ví dụ, để cho hội đồng tuyển sinh "yên tâm" hơn với lý do bạn không có GMAT, bạn có thể trình bày rằng, "thay vì giành thời gian học GMAT, tôi ưu tiên cho các kiến thức, trải nghiệm phục vụ mục đích lâu dài hơn. Các kiến thức này cũng mang nhiều yếu tố giống như một bài thi GMAT như kỹ năng định lượng, kỹ năng giải quyết vấn đề". Sau đó, bạn hãy đính kèm ví dụ về các khóa học hay kinh nghiệm cho thấy các điểm vừa nêu.
Ứng viên cần đọc kỹ trang hướng dẫn về quá trình xét tuyển của trường. Nhiều trường có những bài, video chia sẻ lời khuyên và kỳ vọng của họ ở một ứng viên thành công.
"Đôi khi đây là những gì bạn cần biết. Nếu tìm được những bài, video này, hãy sử dụng nó như kim chỉ nam cho bộ hồ sơ", Việt nói.
Khác với nhiều chương trình thạc sĩ nặng về học thuật, Resume trong MBA thường chiếm trọng số lớn hơn GPA đại học, các hoạt động ngoại khóa và ngang với điểm GMAT trong cả bộ hồ sơ.
"Để có Resume đúng mẫu của MBA, bạn vào Google gõ "MBA resume + tên trường bạn định apply" vì gần như các trường đều có khóa dạy viết sơ yếu lý lịch và đâu đó trên mạng sẽ có một cái của trường cho bạn tham khảo", Việt chia sẻ, cho biết 80% số webinar cậu tham gia đều gợi ý Resume nên dừng lại ở một trang.
Do chỉ nên viết trong một trang, Resume phải là những thông tin chọn lọc nhất có thể, chỉ giữ các yếu tố liên quan đến câu chuyện của bạn hoặc mục tiêu sau MBA. Việc đi học nếm rượu vang hay làm thêm với công việc pha chế gần như không đóng góp được gì đến việc sau này bạn muốn mở một công ty phần mềm trong lĩnh vực blockchain.
Trường càng thứ hạng cao, Essay càng quan trọng. Khi gần như tất cả ứng viên khác đều có GMAT 700+, GPA 3.6+, kinh nghiệm làm việc là quản lý các công ty khủng hoặc startup triệu đô, Essay là nơi duy nhất bạn có thể cho trường thấy bạn là ai và bạn với trường hợp nhau như thế nào.
Viết luận là công việc tốn thời gian, công sức, từ việc lên ý tưởng, viết nháp, viết thật, rà soát, thậm chí viết lại khi bạn cảm thấy chưa đủ tốt. Do đó, ứng viên cần bắt đầu sớm để có nhiều thời gian trau chuốt bài viết nhất có thể.
Sau khi viết xong, đưa người khác đọc và nêu cảm nghĩ là việc nên làm và cần làm. Tuy nhiên, Việt lưu ý, ứng viên nên kiên định về câu chuyện của mình. Nếu thay đổi bài viết quá nhiều theo ý các độc giả, bài đó không còn là câu chuyện của bạn nữa.
"Authenticity (ý tưởng riêng của bạn) là yếu tố số một mà hội đồng tuyển sinh muốn nhìn trong mỗi bài Essay", Việt cho biết.
Nhiều trường hiện giảm số lượng từ trong mỗi bài luận và chia làm nhiều bài luận nhỏ. Khi viết các bài luận ngắn, ứng viên nên tập trung toàn bộ số từ để trả lời đúng câu hỏi, thay vì dẫn dắt hết nửa bài mới bắt đầu trả lời.
Ngoài ra, không ít trường cho bạn lựa chọn được viết thêm bài luận nếu có gì muốn chia sẻ. Việt khuyến khích sử dụng Essay này, bởi càng nhiều khía cạnh, thông tin về bạn được đưa đến hội đồng tuyển sinh, họ càng có thêm cơ sở để đánh giá bạn chính xác hơn.
Với thư giới thiệu, cậu cho rằng cần bắt đầu sớm và hỏi thăm thường xuyên. "Hãy bắt đầu đặt vấn đề sớm (trước hai hoặc ba tháng) và hỏi thăm thân mật thường xuyên để họ không quên việc của bạn. Ứng viên cũng cần lên dàn ý, trao đổi với người viết, hướng họ tập trung vào các tố chất, kinh nghiệm phù hợp với câu chuyện của bạn", chàng trai chia sẻ.
Trong trường hợp có từ hai thư giới thiệu, hai người viết nên nhấn mạnh các phẩm chất khác nhau. Thư giới thiệu là nơi hội đồng tuyển sinh có thể thấy được cảm nhận và sự thấu hiểu của người ngoài đối với bạn nên hãy tranh thủ khoe những gì Resume và Essay chưa nêu được.
Đối với điểm các bài thi chuẩn hóa, mỗi trường sẽ có yêu cầu khác nhau. Điểm IELTS/TOEFL cao có thể mang lại chút ít lợi thế khi xin học bổng đại học, còn với chương trình MBA, điểm số này là điều kiện cần. Nếu trường chỉ yêu cầu 7.0, ứng viên được 7.0 và ứng viên 9.0 cũng không khác nhau.
GMAT/GRE cho đến hết năm 2021 vẫn chiếm trọng số lớn trong bộ hồ sơ bởi nó đóng góp một phần không nhỏ trong việc đánh giá thứ hạng của trường. Điểm GMAT cao (700 trở lên) là lợi thế cực kỳ lớn bất kể trường nào bạn nộp.
"Việc học GMAT tốn thời gian và mệt mỏi nếu nền tảng của bạn không tốt. Bạn hãy bắt đầu học thật sớm và thi sớm, thậm chí học và thi trước vài năm vì GMAT có hiệu lực tới năm năm", Việt nói.
Năm 2020 và 2021 do đại dịch, nhiều trường đã bỏ yêu cầu GMAT hoàn toàn hoặc theo từng trường hợp. Việt từng viết email xin miễn GMAT tại nhiều trường để kiểm chứng và đều thành công 100%, trong đó có Massachusetts Institute of Technology, Cornell University, Michigan Ross, Boston University, Northeastern University.
Theo Việt, xu hướng này sẽ tiếp tục trong 2023, tuy nhiên không có GMAT là một điểm trừ lớn, vì hội đồng tuyển sinh sẽ mất đi các điểm dữ liệu đã được kiểm chứng về khả năng của bạn.
Với trường hợp của Việt, do bị giới hạn về thời gian và cảm thấy GMAT không có giá trị áp dụng lâu dài nên cậu đã chọn các trường cho miễn GMAT để ứng tuyển.
"Tôi khuyến khích mọi người cân đối kỹ giữa ba yếu tố: thời gian còn lại để ôn - điểm GMAT hiện tại - điểm GMAT hướng tới, để đưa ra lựa chọn chính xác trước khi quyết định bỏ GMAT hay không", Việt nói.
> Vì sao bạn du học không thành công? Căn nguyên và hậu quả
> Bạn nên bắt đầu chuẩn bị những gì khi Úc mở biên?
Theo VnExpress