Cuộc họp phụ huynh đầu năm cũng chính là dịp để nhà trường thu khoản quỹ hội từ các bậc phụ huynh. Ở những trường “làm sai quy định”, mặc dù biết nhiều phụ huynh phải “oằn lưng” để đóng nhưng các thầy cô cũng là nạn nhân.
> Phụ huynh là "sân sau" để nhà xuất bản sách bù lỗ?
> Người lớn tranh luận, trẻ nói gì về sách Công nghệ giáo dục?
Câu chuyện thu tiền quỹ hội đầu năm
Thời điểm này, nhiều trường học trong cả nước bắt đầu triển khai cuộc họp phụ huynh đầu năm học. Để buổi họp đi đúng định hướng của hiệu trưởng thì trường học nào cũng làm sẵn kế hoạch để phát cho giáo viên.
Không thể thiếu là bảng thu chi quỹ hội của nhà trường trong năm học vừa qua và việc thu quỹ hội trong năm học này. Có trường ấn định sẵn mức đóng của tiền quỹ hội, trường lại để giáo viên tự thỏa thuận với phụ huynh.
Tuy thế, giáo viên phải nói thế nào để phụ huynh không phản đối mà hợp tác vui vẻ dù là bị bắt buộc hay tự nguyện trong thế bắt buộc cũng không phải là dễ. Đây là cái tài của mỗi thầy cô giáo.
Chẳng thế mà có lớp thu được nhiều mà phụ huynh vẫn vui vẻ đóng góp. Nhưng có những lớp tiền thu đã ít mà phụ huynh lại phản ứng rần rần.
Cái khó của giáo viên khi vận động phụ huynh đóng tiền quỹ hội. Bởi, nhiều người đã hiểu rõ về những quy định của Thông tư 55 Bộ GD&ĐT. Nên nói sao để không vi phạm quy định trong Thông tư mà vẫn thu được nhiều tiền? Dù không hưởng lợi từ những khoản thu ấy thì giáo viên vẫn phải nỗ lực hết mình.
Nhiều trường cũng đã chẳng để những giáo viên "thất thu" yên ổn. Họ bị gắn mác làm công tác chủ nhiệm yếu và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc xét thi đua cuối năm.
Trước là để trừng phạt những giáo viên không làm tốt nhiệm vụ. Sau là làm gương cho nhiều thầy cô không được lơ là trong công tác tài chính.
Để tránh mang rắc rối vào thân, gần đến kì họp phụ huynh nhiều giáo viên rủ nhau đi học “bí kíp”. Nhiều thầy cô có kinh nghiệm trong chuyện này cũng đã rỉ tai giúp cho đồng nghiệp đặc biệt là những thầy cô giáo trẻ.
Một số “bí quyết” trong công tác thu
Với những trường đã đưa ra mức sàn, giáo viên phải nói đây là quy định của trường, lớp nào thất thu giáo viên chủ nhiệm sẽ phải chịu trách nhiệm. Mong phụ huynh thương cô sẽ hợp tác nhiệt tình.
Dù nhiều phụ huynh hiểu nhà trường đang “làm sai quy định”, nhưng đa phần phụ huynh vì nể giáo viên chủ nhiệm nên cũng ậm ừ đồng ý cho qua.
Với những trường không đưa ra mức sàn, thu được ít hay nhiều phụ thuộc phần lớn vào tài ăn nói của chính giáo viên chủ nhiệm.
Cô Ng. - giáo viên một trường tiểu học cho biết: “Năm nào mình cũng thu đạt doanh số đứng hạng top ten của trường”. Nói rồi cô bật mí, vào cuộc họp phụ huynh, để nhận được sự hợp tác nhiệt tình, cô đã cho phụ huynh hiểu số tiền đóng góp ấy sẽ được quản lý như thế nào? Sẽ được làm những việc gì? Ai theo dõi, giám sát? Cuối cùng sẽ được báo cáo chi tiết vào cuộc họp phụ huynh cuối năm.
Cô H. lại có cách làm khác. Trước đó, cô đã có cuộc trao đổi với một số phụ huynh trong lớp đặc biệt là một số người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong cuộc họp, giáo viên chỉ là người dự, việc khởi xướng, kêu gọi thậm chí tiên phong đóng đầu tiên giao hẳn cho phụ huynh nói chuyện với nhau.
Kinh nghiệm của cô Tr. lại làm không ít người thán phục khi cô đánh sẵn danh sách tên học sinh trong lớp và đưa cho một vài phụ huynh thân cận, có điều kiện kinh tế ghi số tiền ủng hộ trước. Tờ giấy được chuyền trong phòng họp. Có phụ huynh từng phàn nàn "nhìn ai cũng ủng hộ nhiều, mình ghi thấp quá cũng kì nên cũng phải gắng theo (có thua cũng không cách biệt)".
Thương cho phụ huynh nhưng thầy cô cũng là nạn nhân
Nhiều phụ huynh phải nhịn ăn, chắt bóp được khoản tiền mang nộp. Nhiều giáo viên cũng phải “chai mặt”, trơ lì đứng ra vận động. Khoản tiền hội phí thu được ấy sẽ nộp về nhà trường (khoảng 70%).
Và hàng trăm triệu đồng được hiệu trưởng chi tiêu thế nào giáo viên cũng chẳng thể nào kiểm soát được. Gặp hiệu trưởng có tâm, đồng tiền sẽ được chi xứng đáng. Hiệu trưởng thiếu tâm nó sẽ được chảy vào túi riêng một số người.
Vậy nên dẹp bỏ chuyện hội phí không chỉ mang lợi đến cho phụ huynh cũng là cách giải phóng cho nhiều thầy cô giáo thoát khỏi kiếp “nợ đòi”.
Theo Giáo dục Việt Nam - Kênh Tuyển Sinh
> Trường đặt mật khẩu wifi "đầy thách thức" cho sinh viên
> Sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục tập trung phần đọc, viết