Tin liên quan

>> Xu hướng chọn trường tốp dưới và gần nhà

>> Trường đại học vẫn lách luật đào tạo trung cấp

>> Nếu không muốn ở lại lớp phải đi học thêm

 

Vô cớ quỵt lương và sa thải lao động

Bị nhà trường “quỵt” lương kể từ tháng Năm, mới đây, cô Hồ Thị Phương Chi - giảng viên kiêm Bí thư Đoàn trường, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật (CĐ KTKT) Sài Gòn, đã có đơn nhờ Báo Phụ Nữ TP.HCM lên tiếng.

Theo trình bày của cô Phương Chi, cô được Trường CĐ KTKT Sài Gòn nhận vào làm giảng viên cơ hữu tại Khoa Cơ bản của trường từ ngày 7/1/2010 theo quyết định (QĐ) số 147/QĐ-CĐKT-KTSG do Hiệu trưởng nhà trường là GS-TS Phạm Phố ký. Sau đó, vào tháng 4/2010, qua đại hội Đoàn, cô lại trúng cử làm Bí thư Đoàn trường. Đến ngày 12/5/2011, ông Phạm Phố lại ký QĐ số 87 bổ nhiệm cô, với tư cách là Bí thư Đoàn trường, kiêm thêm chức vụ Phó phòng Chính trị và công tác sinh viên, nhưng “lương và phụ cấp thì không thay đổi”. Dù biết như vậy là thiệt thòi, nhưng cô Chi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thế nhưng không hiểu vì sao, kể từ tháng 5/2012, Trường CĐ KTKT Sài Gòn lại không trả lương cho cô và cũng không có bất kỳ thông báo nào về sự việc, dù cô đã có đơn gửi Công đoàn, Phòng Hành chính, Phòng Tài vụ và Hiệu trưởng nhà trường.

Cô Phương Chi còn cho biết thêm, theo QĐ số 61/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách đối với cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thì Bí thư Đoàn trường như cô sẽ được nhận phụ cấp lương tương đương với chức vụ trưởng phòng nghiệp vụ, nhưng bấy lâu nay nhà trường không thực hiện quy định này với cô. Thứ nữa, vào tháng 2/2012 vừa qua, Hiệu trưởng nhà trường đã quyết định tăng lương cho hầu hết cán bộ, giảng viên của trường, nhưng lại không tăng lương cho cô, dù cô phải đảm trách và hoàn thành nhiều nhiệm vụ.

Vì sao không trả lương cho cô Hồ Thị Phương Chi? Để có câu trả lời, chúng tôi đã năm lần đến Trường CĐ KTKT Sài Gòn nhưng vẫn không thể gặp được người có trách nhiệm của trường. Sau đó, chúng tôi tìm gặp hai trong số ba thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của trường là ông Phạm Ngọc Dưỡng và bà Bùi Thị Kim Nương thì được biết thêm, không chỉ cô Phương Chi mà trước đó, vào tháng 11/2011, ông Phạm Phố - Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch HĐQT nhà trường, cũng ký QĐ không trả lương đối với ông Phạm Huy Tưởng - Bí thư chi bộ nhà trường với lý do: “Ông Tưởng không làm công tác trong hệ thống chính quyền nhà trường nên không hưởng lương theo quỹ lương của nhà trường; ông Tưởng làm công tác Đảng sẽ hưởng lương theo quỹ lương của Đảng”!

Bản thân ông Phạm Ngọc Dưỡng, thạc sĩ, giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng nhà trường, cũng đã bị ông Phạm Phố sa thải trái pháp luật. Ông Dưỡng kể, ông được nhà trường mời làm hiệu phó từ tháng 7/2007. Đến ngày 1/11/2011, ông Phạm Phố đã ký QĐ cách chức hiệu phó và chuyển ông xuống làm giảng viên cơ hữu Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh. Tiếp theo, ngày 17/2/2012, ông Phạm Phố lại ra QĐ chấm dứt HĐLĐ làm “giảng viên cơ hữu” với ông Dưỡng.

Việc chấm dứt hợp đồng lao động là sai pháp luật

Luật sư Đặng Thành Trí - Trưởng Văn phòng Luật sư Đặng Thành Trí (Q.3, TP.HCM) nhận định: “Việc ông Phạm Phố đã tự bãi nhiệm và chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với ông Phạm Ngọc Dưỡng là hoàn toàn sai pháp luật, vì: thứ nhất, trường không đưa ra được những lý do hợp pháp, thuyết phục như quy định tại khoản 1 điều 38 Bộ luật LĐ; thứ hai, tại khoản 7 điều 36 điểm d Thông tư 14/2009/TT-BGDĐT ngày 28/5/2009 quy định, việc miễn nhiệm, bãi nhiệm phó hiệu trưởng thuộc thẩm quyền của HĐQT, nhưng các thành viên HĐQT còn lại là ông Dưỡng và bà Nương lại không được bàn bạc”. Tiếp xúc với phóng viên Báo Phụ Nữ, bà Bùi Thị Kim Nương xác nhận điều này.

Nhiều sai phạm cùng lúc

Cùng chung số phận với ông Dưỡng là bà Huỳnh Thị Kim Liên - Trưởng phòng Tổ chức hành chính. Theo tường trình của bà Kim Liên, bà vào làm việc cho Trường CĐ KTKT Sài Gòn theo HĐLĐ ngày 3/5/2010. Thời hạn của HĐ là một năm, tức sẽ kết thúc vào ngày 2/5/2011. Đến thời điểm HĐ hết hạn, Trường CĐ KTKT Sài Gòn đã không trao đổi với bà để kết thúc hoặc ký tiếp HĐLĐ mới, nên bà Kim Liên tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, đến ngày 21/12/2011, nhà trường lại đột nhiên buộc bà nghỉ việc mà không đưa ra bất kỳ lý do nào, cũng không thông báo trước. Về trường hợp này, Trung tâm Tư vấn pháp luật - Liên đoàn LĐ TP.HCM, phân tích: “HĐLĐ giữa Trường CĐ KTKT Sài Gòn và bà Kim Liên đã ký là HĐLĐ có thời hạn. Vì vậy, theo khoản 2 điều 27 Bộ luật LĐ, khi HĐLĐ hết hạn mà bà Kim Liên tiếp tục làm việc thì trong vòng 30 ngày hai bên phải ký lại HĐLĐ mới. Nếu không ký HĐLĐ mới thì HĐLĐ đã ký trước đó nghiễm nhiên trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Khi ấy, muốn cho bà Kim Liên nghỉ việc, Trường CĐ KTKT Sài Gòn buộc phải báo trước 45 ngày làm việc và phải thỏa mãn các lý do mà pháp luật quy định tại khoản 1 điều 38 Bộ luật LĐ… Do vậy, việc cho bà Kim Liên nghỉ việc mà không thông báo trước, cũng không có lý do, là trái pháp luật”.

Hiện cả ông Phạm Ngọc Dưỡng và bà Huỳnh Thị Kim Liên đều đã có đơn khởi kiện ra tòa đòi Trường CĐ KTKT Sài Gòn hủy bỏ QĐ chấm dứt HĐLĐ với họ. Cô Phương Chi cũng đã có đơn khiếu nại gửi đến cơ quan chức năng.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH đã mời đại diện Trường CĐ KTKT Sài Gòn lên làm việc. Đến sáng 29/8, nhà trường đã gọi điện mời cô Phương Chi lên lãnh lương tháng Tám.

Dưới sự điều hành của ông Phạm Phố - Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch HĐQT, trong thời gian qua, Trường CĐ KTKT Sài Gòn đã gây nhiều “tai tiếng” như: lập hàng loạt cơ sở đào tạo và liên kết đào tạo trái pháp luật; tuyển sinh “lậu”; hiệu trưởng đã tự ý chi tiền tỷ… Những vụ việc này đã được Sở GD-ĐT TP.HCM thanh tra và kết luận, nhưng bất chấp, trường này vẫn chẳng coi pháp luật ra gì!

 

Những tin tức đang được quan tâm:

Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi

Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi

Kênh Tuyển Sinh (Phu nu)