Tuyển sinh riêng cần nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện

Đó là ý kiến của ông Phạm Minh Diệu – Nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp xung quanh Đề án tuyển sinh riêng của 4 trường ĐH ngoài công lập.

Kỳ thi theo ba chung như hiện nay thể hiện khá nhiều ưu điểm, trong đó đảm bảo yêu cầu về trình độ đối với thí sinh đầu vào bậc ĐH, CĐ. Tuy nhiên mỗi trường ĐH, CĐ có một thế mạnh riêng, đặc biệt là mỗi ngành học cần có yêu cầu đặc thù và không ngành nào giống ngành nào.

Đặc biệt trong quá trình phát triển, hội nhập, xu hướng giáo dục ngày càng phát triển nên phương án tuyển sinh riêng của các trường là cần thiết và tất yếu. Ví dụ như ngành nghệ thuật có yêu cầu riêng, không chỉ giỏi các môn học của khối thi còn phải có năng khiếu; ngành y, sư phạm cũng có yêu cầu riêng biệt của ngành nghề…

Nếu chúng ta có phương án tuyển sinh riêng, theo đặc thù của mỗi trường và các ngành nghề sẽ đảm bảo tuyển đúng đối tượng, tuyển thí sinh có năng lực và đảm bảo yêu cầu phát triển lâu dài về ngành nghề được đào tạo.

Tuy nhiên, để phương án tuyển sinh riêng đạt hiệu quả cần phải có sự thống nhất trong việc đảm bảo chất lượng GD ở các cấp học, đặc biệt là cấp phổ thông, từ đó làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH NCL vừa trình lên Bộ GD&ĐT xem là cần thiết theo xu thế, nhưng chúng ta nên làm từ từ, không nên quá gấp gáp quá mà đốt cháy giai đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung.

Quan trọng vẫn là chất lượng đào tạo

Quan trọng nhất là trường ĐH nào có uy tín, đảm bảo chất lượng đào tạo, được xã hội đánh giá cao thì Bộ dần dần giao cho các trường có phương án tuyển sinh riêng. Từ việc tuyển sinh riêng các trường có lợi thế là tuyển sinh theo đặc thù các ngành nghề.

Điều quan trọng nhất là làm sao đảm bảo được chất lượng nguồn tuyển từ đầu vào cho đến chất lượng đầu ra, các trường phải chứng minh được để ngành GD, xã hội thấy và ủng hộ.

Thực tế đã xảy ra là trường ĐH được mở nhưng thiếu thầy, thiếu trường lớp, phải thuê mượn địa điểm để dạy học… nếu còn duy trì tình trạng này thì khó mà triển khai phương án tuyển sinh riêng. Dư luận lo ngại tuyển sinh theo phương án riêng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào, tuyển sinh quá nhiều làm mất cân đối ngành nghề, dẫn đến đào tạo tràn lan… là có lý do.

Vấn đề này cần phải có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt phải quan tâm đến chỉ tiêu, nguồn lực về cơ sở vật chất, con người, trình độ giảng viên… Bài học dễ thấy nhất là thời gian qua có một số trường ĐH mở ra mà không đảm bảo điều kiện nên làm ảnh hưởng đến chất lượng GD ĐH mà còn làm ảnh hưởng uy tín chung của cả hệ thống.

Việc làm cần thiết hiện này là cần phải giao quyền tự chủ cho nhà trường nhiều hơn. Những vấn đề nào nhà trường có thể đảm nhận, làm được thì Bộ mạnh dạn giao cho trường. Theo đó Bộ chủ quản đóng vai trò chỉ đạo, giám sát để điều chỉnh, định hướng để các trường phát triển đúng hướng, đúng theo quy hoạch...

 

Bạn muốn biết thêm thông tin về:

Điểm thi tốt nghiệp THPT

Tỉ lệ chọi 2013

 

 

Tin bài gốc: GDTĐ

Kenthuyensinh

Theo: GDTĐ