Khi nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi: "Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?" thì liệu cách xử lý câu hỏi này như thế nào để nhà tuyển dụng đánh giá chính xác về bạn? Mục đích thực sự của câu hỏi này là gì? Hãy theo chân Kênh tuyển sinh để tìm hiểu ra cách xử lý tình huống phỏng vấn này một cách phù hợp nhất nhé!
1. Công việc không phù hợp
Thực ra, bạn có quyền thay đổi công việc khi thấy không phù hợp với tính chất hoặc môi trường ở đó, nên mình nghĩ không có gì phải giấu cả. Tuy nhiên, vài tháng bạn lại đổi một nơi làm việc vì không phù hợp, vì buồn, vì lương thấp... thì quả là vấn đề lớn và chính bạn phải tự xem xét lại bản thân.
Vì trong mắt nhà tuyển dụng, nếu bạn rơi vào các trường hợp trên thì có thể bạn sẽ bị đánh giá là không có mục tiêu khi đi làm, hoặc thiếu tính kiên trì,...Và theo mình, bạn đừng đi xin việc nữa mà nên tự kinh doanh, tự làm chủ. Vì chắc không có môi trường nào phù hợp và thoả mãn bạn, đừng đi tìm việc nữa. Đây chỉ là một ví dụ mà mình đã gặp trong thực tế.
Cho nên, với lý do công việc không phù hợp thì hãy đưa ra những lý do chính đáng mang tính thuyết phục. Và việc bạn nghỉ việc để đi tìm môi trường mới là điều hoàn toàn cần thiết.
Cách xử lý câu hỏi phỏng vấn tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ thông minh
2. Công việc quá nhiều
Khi được hỏi về lý do nghỉ việc, bạn thao thao bất tuyệt kể ra vô vàn công việc mà bạn phải làm thêm cho ông này, bà kia trong cơ quan. Thay vì sau khi hoàn thành nhiệm vụ chính của mình sẽ được nghỉ ngơi và ngồi chơi, và chỉ muốn làm đúng công việc chính của bạn, không thích làm các công việc râu ria.
Thực tế thì khi cầu nhiều hơn cung, bạn cần trở nên đa năng hơn trong công việc, hãy hỗ trợ hết mình mà đừng quá nề hà về các việc vặt, miễn sao nó vẫn nằm trong thời gian làm việc của bạn mà không bị lố giờ là được. Hãy nhớ, nếu bạn chưa thực sự xất sắc, thì đừng tự xem mình là ngôi sao.
Nhiều bạn đi làm mang theo tâm lý là tôi là người giỏi, công ty phải cần tôi và thường hay đưa ra nhiều yêu sách. Thực tế là bạn có thể làm ngôi sao trong một thời gian ngắn thôi, với cá tính như vậy thì sớm hay muộn công ty cũng sẽ tìm người thay thế.
Cho nên, khi đưa ra lý do nghỉ việc vì công việc quá nhiều thì bạn hãy chắc chắn rằng là do công ty cũ bạn làm đã phân việc chưa hợp lý, thiếu tính kiểm soát. Bạn đã nỗ lực và chấp nhận ở lại làm thêm nhưng không giải quyết được vấn đề. Đồng thời bạn đã có ý kiến phản hồi đến cấp trên một cách ôn hoà và tích cực nhưng vẫn không được lắng nghe và giải quyết thấu đáo.
3. Lương thấp quá
Em nghỉ làm vì lương bèo quá, lương thấp quá, công ty gì mà làm 2 năm không được tăng lương lần nào, chán tới cổ anh chị ạ...Dù thẳng thắn, nhưng đó là những câu trả lời dễ gây mất điểm của người đi tìm việc.
Bạn nên chia sẻ cụ thể hơn như: Sau thời gian làm việc, bản thân đã luôn cố gắng, học hỏi và tích lũy được những gì rồi. Và công ty bạn đang làm không có chế độ lương thưởng rõ ràng mà theo cảm tính của sếp nên bạn thấy cơ hội phát triển bạn thân ở đó là không khả thi.
Tức là thông tin bạn cung cấp phải đảm bảo rằng nhà duyển dụng hiểu là việc không được xem xét thu nhập sau 2 năm làm việc là do chính sách chung của công ty chưa tốt chứ không phải do cá nhân bạn quá tệ.
Với những nguyên nhân như vậy thì việc bạn cần làm mới và tìm lại giá trị đúng của bản thân là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý là có so sánh với một mức lương trung bình của thị trường chứ không phải bạn đang đòi hỏi quá cao.
4. Cấp trên kỳ cục
Không phải môi trường nào thì sếp cũng hòa hợp với tất cả nhân viên, có thể bạn đã quyết định thay đổi công việc vì không thể làm việc được với sếp cũ nữa thì bạn cũng không nên nói xấu hoặc bức xúc quá nhiều về điều đó.
Việc bạn không phù hợp với sếp nữa và quyết định thay đổi là điều bình thường, đừng quan trọng hoá nó lên như đó là một vấn đề quá nghiêm trọng và ức chế. Vì nhà tuyển dụng cũng sẽ e ngại bạn sẽ làm điều tương tự khi làm ở công ty của họ.
Trên đây là bốn điều gợi mở người đi phỏng vấn xin việc không nên nói quá nhiều, quá sâu khi đi phỏng vấn. Còn rất nhiều tình huống khác nữa, và quan trọng nhất là hãy trung thực và chuẩn bị thật kỹ cho buổi phỏng vấn nhé!
> 5 lý do vì sao nhà tuyển dụng không hồi âm sau khi phỏng vấn