"Sắp tới đây, khi áp dụng chương trình phổ thông mới, chúng ta sẽ thấy cách ra đề và việc phân tích tác phẩm trong đề thi môn Văn sẽ khác hơn nhiều..."
Đó là trả lời của lãnh đạo Bộ GD-ĐT trước hàng loạt câu hỏi "nóng" liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại họp báo kết thúc kỳ thi vào chiều 8/7.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ
Đang lên kế hoạch để có phương án thi tốt nhất
Báo Dân trí: Trong thời gian đang làm bài thi môn Toán, trên mạng xã hội đã có đăng tải đề thi môn Toán. Bộ GD-ĐT có thể cho biết, kết quả bước đầu xác minh ra sao?
- Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng: Ngay sau khi có thông tin đề Toán được đăng tải trên mạng xã hội trong thời gian làm bài, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Công an và sẽ công bố với báo giới ngay khi có kết quả xác minh.
Báo Dân trí: Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm rất tốn kém, kéo theo sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, đặc biệt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao (có tỉnh đỗ 99- 100%), nhiều ý kiến đặt ra, Bộ GD-ĐT có nên trả hẳn kỳ thi tốt nghiệp này về cho các địa phương tổ chức? Lộ trình này sẽ như thế nào?
- Ông Lê Mỹ Phong: Với ý kiến kết quả thi tốt nghiệp cao, nên chăng đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về với địa phương, chúng tôi đã có lộ trình để chỉ đạo các đơn vị trong Bộ để xây dựng các phương án thi cho những năm tới, đặc biệt là giai đoạn thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hiện nay, chúng ta đang tổ chức kỳ thi theo Luật Giáo dục 2019 là thí sinh sau khi thi tốt nghiệp THPT thì được xét tốt nghiệp. Vậy nên hiện tại, chúng tôi đang lên kế hoạch để có phương án thi tốt nhất, phù hợp với chương trình đổi mới giáo dục.
Báo Vietnam plus: Lộ trình thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT trong thời gian tới, có tương ứng với sự thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới?
- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Bộ GD-ĐT sẽ thông báo sớm về công tác thi với chương trình phổ thông mới.
May mắn trong thời gian cuối cùng, dịch bệnh đã được kiểm soát nên kỳ thi được tổ chức thuận lợi hơn rất nhiều.
Năm học 2021-2022 là thời điểm mà dịch bệnh diễn biến phức tạp ngay ở giai đoạn đầu năm học, Bộ đã đặt ra mục tiêu là: Đảm bảo an toàn, hoàn thành chương trình, kiên trì mục tiêu chất lượng.
Do vậy, Bộ đã liên tục tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên dạy trực tuyến đảm bảo thay thế cho dạy trực tiếp.
Trong giai đoạn tháng 3-4/2022, nhiều nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng ngành giáo dục vẫn đảm bảo việc dạy và học diễn ra liên tục.
Kỳ thi này còn phải chờ kết quả cuối cùng là chấm thi để đánh giá chất lượng. Có thể nói, qua việc tổ chức coi thi, mục tiêu của cuộc thi đã đạt được: An toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, có chất lượng.
Vì sao đề thi khó hơn năm trước?
Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh: Năm nay thí sinh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT cho rằng sẽ ra đề thi phù hợp nhưng vì sao năm nay đề thi tốt nghiệp THPT được thí sinh đánh giá khó hơn cả năm ngoái?
- Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học Phổ thông: Trong quá trình dạy học đã thực hiện việc kiểm tra đánh giá theo ma trận đề. Theo đó, mỗi đề thi đều phải đáp ứng yêu cầu về mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Với ma trận này, việc thi tốt nghiệp nhiều năm qua đã được thực hiện như vậy.
Từ học kỳ 2 năm 2019, khi tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn tinh giản chương trình học của các em để phù hợp với điều kiện dạy học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, vì vậy khi ra đề đều phải đảm bảo yêu cầu này.
Vì vậy, đề thi năm 2021 và 2022 đều phải đáp ứng ra đề trong nội dung dạy học tinh giản này.
Trong dịch Covid-19 có những tỉnh thời gian dạy học trực tiếp dài, nhưng cũng có những tỉnh học sinh học online. Trong từng tỉnh cũng có những điều kiện khác nhau về dạy và học. Vì vậy khi làm đề thi vẫn phải đảm bảo các mức độ như trong ma trận.
Nếu nhìn trên diện rộng cả nước, đề thi đã đảm bảo độ phân hóa.
Nếu chúng ta giảm mức độ ma trận đề thi xuống sẽ không công bằng với những thí sinh trình độ rất cao nhưng không thể hiện được hết sức mình. Điều này sẽ thể hiện rõ khi có phổ điểm.
Về việc có người đoán đúng đề thi môn Văn ngay trước kỳ thi, ông Thành cho biết, điều này có thể dễ hiểu.
Cũng tác phẩm đó nhưng từng đoạn trích khác nhau, từng câu hỏi khác nhau cũng sẽ rất khác. Do vậy, việc đoán trúng tác phẩm không quá đáng lo.
Sắp tới đây, khi áp dụng chương trình phổ thông mới, chúng ta sẽ thấy cách ra đề và việc phân tích tác phẩm trong đề thi môn Văn sẽ khác hơn nhiều.
Báo Thanh niên: Có một trang mạng Kaito Kid đoán trúng đề thi 3 năm liền. Như vậy xác xuất này có quá cao? Có phải là do lối mòn ra đề thi? Lãnh đạo Bộ có nói là sau này cách ra đề thi đã khác là như thế nào? Công tác chấm thi năm nay ra sao?
- Ông Nguyễn Xuân Thành: Khi học sinh lớp 12 bắt đầu học chương trình mới là năm 2025 thì sẽ có phương thức thi mới. Chúng tôi sẽ tổ chức kỳ thi để làm sao ngày càng tinh gọn hơn và đảm bảo được mục tiêu kỳ thi.
Chúng tôi đã nêu là do số lượng tác phẩm mà chúng ta đưa vào thi là hữu hạn do vậy đoán trúng là có thể xảy ra.
Vấn đề ở đây là ra đề thi vào một số đoạn trích, văn bản trong tác phẩm, đặc biệt điều quan trọng là khả năng vận dụng, phân tích, bình luận tác phẩm của thí sinh.
Đây là cách thức ra đề không yêu cầu thí sinh phải học thuộc tác phẩm mà thí sinh vận dụng được, thể hiện được năng lực của mình với môn Ngữ Văn.
Về chấm thi, chúng ta vẫn tiếp tục triển khai chấm thi tự luận và trắc nghiệm theo đúng quy chế.
Về thi tự luận, chúng ta vẫn sẽ chấm vòng trong, vòng ngoài. Vòng ngoài sẽ có ghi âm để kiểm tra.
Năm ngoái thí sinh F0 không được dự thi nhưng năm nay thí sinh F0 được tổ chức thi an toàn. Năm nay cả nước có 18 thí sinh f0 dự thi. Bài thi của thí sinh F0 được chấm riêng.
Báo Pháp luật TPHCM: Hai thí sinh đi lạc 25km vì tra nhầm Googlemap ở Hà Nội?
- Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Quản lý chất lượng: Trước đó, thí sinh đã đến đúng địa điểm làm thủ tục dự thi. Tuy nhiên, vào ngày thi thí sinh lại đi lạc. Sau buổi thi, Hội đồng coi thi đã liên lạc với gia đình thí sinh, hai gia đình thí sinh đã viết tường trình và bày tỏ mong muốn rằng các em sẽ không thi vào năm nay. Đây là điều đáng tiếc đối với cá nhân hai thí sinh này.
Truyền hình VTV24: Quy định để vật dụng cách 25m để đề phòng gian lận. Vậy năm sau, khi tình hình gian lận tinh vi hơn, Bộ lại tiếp tục thay đổi quy định?
- Ông Lê Mỹ Phong: Sau khi có ý kiến của Bộ Công an về việc để vật dụng cách 25m thì an toàn, triệt tiêu được những người có manh nha gian lận, do đó Bộ GD-ĐT đã đưa ra quy định các vật dụng phải để cách phòng thi 25m.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Công an để có thêm các hình thức ngăn ngừa, đề phòng gian lận.
> Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT chuyên
> Khi con có kết quả thi kém, phụ huynh nên nói gì, làm gì?
Theo Dân trí