>> Giáo dục, du học, tư vấn du học, du học anh, visa du học anh
Có một thực tế: Sự khủng hoảng của kinh tế toàn cầu và khó khăn trong nước càng làm cho học sinh, sinh viên nghĩ đến con đường du học nhiều hơn. Chỉ có điều chọn hình thức nào để tiết kiệm chi phí du học đang là vấn đề được quan tâm hơn bao giờ hết đối với phụ huynh và những học sinh có ý định chọn con đường du học. Bạn có thể xem thêm Infographic dưới đây để hình dung rõ hơn.
Du học đảm bảo việc làm: Thông tin đưa ra từ cuộc khảo sát giữa Ngân hàng thế giới (WB) và Viện nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM) đã chỉ ra rằng: Có tới 66% người sử dụng lao động nước ngoài không hài lòng với chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam, trong khi con số này ở các doanh nghiệp trong nước là 36%.
Hiện nay, giáo dục ĐH trong nước về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, chính vì thế, đào tạo ĐH vẫn gia tăng về số lượng nhưng các trường hầu như không dám công bố tỷ lệ phần trăm sinh viên ra trường có việc làm. Đào tạo trong nước cũng đang mất cân đối về cơ cấu ngành, nghề dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường cao. Chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa tính đến ngày 20-2-2013, có 24.956 học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm. Trên cả nước, hiện tượng cử nhân thất nghiệp và cả thạc sĩ thất nghiệp cũng rất nhiều.
Bởi vậy, du học quốc tế với những cơ sở đào tạo danh tiếng và những ngành nghề đào tạo được coi là có sức hút trong tương lai là điều mà nhiều học sinh, sinh viên nghĩ đến. Liên tiếp trong những ngày vừa qua, hàng chục trường ĐH hàng đầu Anh quốc đã tham gia vào ngày hội giới thiệu du học Anh quốc tại Việt Nam và các trường ĐH Mỹ tiếp tục tham gia ngày hội du học Mỹ tại Hà Nội và TP HCM. Vì sao các quốc gia có chi phí du học đắt đỏ ấy vẫn thu hút sự quan tâm đông đảo của học sinh người Việt và số lượng du học sinh đến hai nước này không ngừng gia tăng trong những năm trở lại đây mặc cho kinh tế đang khủng hoảng? Có lẽ cũng bởi chất lượng đào tạo và bằng cấp tại đây có thể bảo chứng cho người học một cơ hội việc làm “chắc ăn” khi họ trở về nước.
Theo nghiên cứu mới nhất do Trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động (Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH), đến năm 2015 có những nghề sau sẽ tăng nhu cầu việc làm gồm: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động khoa học công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác.
Văn phòng 1 công ty tư vấn Du học cho biết: Du học sinh Việt Nam hiện nay đang theo đuổi các chương trình cấp bằng trong các lĩnh vực quản lý đầu tư và phân tích tài chính tại Anh. Hiện cũng có 15.572 sinh viên Việt Nam học tại các trường ĐH của Mỹ, điều đó chứng minh rằng đây vẫn là một trong số quốc gia thu hút học sinh, sinh viên Việt Nam đến học tập.
Các giải pháp tiết kiệm chi phí: Thực tế, chi phí học tập tại Mỹ và Anh quốc thuộc vào hàng đắt nhất thế giới. Chi phí học tại các trường ĐH của Mỹ thay đổi tùy theo trường, còn chi phí ở và sinh hoạt phụ thuộc vào TP cũng như cách sinh hoạt riêng của người học. Học phí sẽ là khoản chi lớn nhất dao động từ 10.000 - 55.000 đô la Mỹ một năm. Theo Nguyễn Hạnh, du học sinh ở Mỹ cho biết: Trường ĐH thuộc dạng “trung” của Mỹ thường có mức học phí từ 36.000 – 37.000 đô la Mỹ.
Ông Carl Owen - GĐ khu vực của một văn phòng Tư vấn Du học tại Việt Nam cho biết: “Sinh viên có thể hoàn thành chương trình ĐH tại Anh trong vòng 3 năm và chương trình cao học trong 1 năm, rút ngắn 1 năm so với các quốc gia nói tiếng Anh khác. Như vậy, tính trung bình, bạn sẽ tiết kiệm được khoảng 20.000 bảng Anh/năm. Tại Anh, bạn có thể tìm được cơ hội thực tập trong chương trình học của mình, năm đi thực tập này thông thường bạn sẽ được trả mức lương 18-19.000 bảng. Học phí các trường ĐH thu từ năm thực tập này rất thấp, chỉ khoảng từ 1.000-2.000 bảng”. Tuy nhiên, nhiều du học sinh tại Anh cho biết: Học phí tại Anh có thể rẻ hơn chút xíu so với Mỹ nhưng chi phí sinh hoạt tại đây còn cao hơn tại Mỹ.
Mặc dù vậy, vẫn nhiều du học sinh chọn con đường du học tại những quốc gia đắt đỏ này là vì: Nếu du học ở các quốc gia châu Á hay Đông Âu khác, chương trình học của họ cũng phải liên kết với các trường của Anh và Mỹ, trong khi đó, lấy bằng từ quốc gia “gốc” tất nhiên vẫn ưu thế hơn bằng liên kết.
Vì vậy, để tiết kiệm, xu hướng của du học sinh sẽ là chọn những trường có chi phí thấp – thường là trường công, giảm các chi phí sinh hoạt, nghiên cứu kỹ trước khi lên kế hoạch du học, lựa chọn vừa học vừa làm. Tuy nhiên, tại Mỹ việc đi làm thêm với sinh viên du học được cho là không hợp pháp, sinh viên đi làm thêm được hiểu là “làm chui” và được trả lương theo giờ thấp hơn số tiền quy định của chính phủ cho 1 giờ làm việc của đối tượng lao động hợp pháp là 8 đô la/giờ”.